Bổ sung quy định về định kỳ 5 năm đánh giá lại quy mô GDP

08:42 | 21/10/2021 Print
(TBTCO) - Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định về việc định kỳ 5 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.

Chiều 20/10, Quốc hội đã nghe các báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia

Trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung 3 nội dung lớn của luật nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia; không ảnh hưởng, tác động đến các nội dung trong các điều, khoản khác của Luật Thống kê hiện hành.

Cụ thể là bổ sung quy định về việc giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP và chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP).

Bổ sung quy định về việc định kỳ 5 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô GDP báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội. Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền công bố thông tin của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Sửa đổi Luật Thống kê
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình của Chính phủ

Về sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết là xuất phát từ thực tiễn nhằm bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phản ánh tình hình mới, bối cảnh mới phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Các chỉ tiêu thống kê được sửa đổi, bổ sung bảo đảm cung cấp thông tin kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô (tầm quốc gia); phản ánh, đánh giá thực hiện các nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; chính sách về phát triển bền vững; cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số...

Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo, trong thời gian ngắn đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và nhất trí với phạm vi sửa đổi như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ.

Dự án luật chỉ với 3 điều, song đã tiếp thu, sửa đổi, bổ sung những vấn đề căn cơ nhất, quan trọng nhất, đáp ứng yêu cầu hiện nay, bảo đảm phản ánh sát thực và đầy đủ hơn bức tranh kinh tế của đất nước phục vụ Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng đường lối, chính sách, đáp ứng nhu cầu thông tin của các đối tượng dùng tin trong và ngoài nước.

Chính phủ cũng đã có Báo cáo số 377/BC-CP tiếp thu, giải trình ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó nhiều vấn đề lớn cần phải tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung toàn diện hơn.

Bổ sung chỉ tiêu về dịch bệnh, về thu nhập của công chức, viên chức

Đối với nhóm chỉ tiêu Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo dự thảo luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, cân đối số lượng chỉ tiêu giữa các nhóm, hiện nay có 3 nhóm rất quan trọng nhưng số lượng chỉ tiêu thấp như: giáo dục, khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp. Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu bổ sung nhóm chỉ tiêu liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đồng thời tích hợp số liệu điều tra các dân tộc vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Về các chỉ tiêu cụ thể trong danh mục, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu tiêu dùng lương thực, thực phẩm, sử dụng điện sinh hoạt, chất lượng nhà ở trong nhóm chỉ tiêu phản ánh chất mức sống dân cư; chỉ tiêu về dịch bệnh, về tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin cho nhân dân và một số bệnh phổ biến vào nhóm y tế và chăm sóc sức khỏe; bổ sung các chỉ tiêu về tỷ lệ tái chế chất thải sinh hoạt, bao bì, rác thải điện tử, rác thải hữu cơ… để phản ánh xu hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn; bổ sung chỉ tiêu phản ánh quá trình đô thị hóa để phù hợp với xu thế phát triển đất nước; chỉ tiêu về tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Đối với các chỉ tiêu liên quan đến kinh tế số, vùng và liên kết vùng, theo Ủy ban Kinh tế, dù số chỉ tiêu khá nhiều vẫn thiếu các chỉ tiêu mang tính đo lường tổng hợp, chưa thể hiện rõ nét về đo lường kinh tế số; nhiều chỉ tiêu liên quan đến vùng và liên kết vùng chỉ dừng ở mức phản ánh thực trạng về dân số, lao động, việc làm, sản lượng (phản ánh về lượng)… của vùng, rất khó phản ánh và đo lường mức độ phát triển kinh tế vùng hay mức độ liên kết kinh tế trong vùng và giữa các vùng, mức độ phát triển và đóng góp của kinh tế đô thị, phản ánh về chất.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý qua báo cáo tổng kết 5 năm, nguồn lực, tài chính là một trong những tồn tại, hạn chế của việc tổ chức thực hiện luật. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung tăng các chỉ tiêu thống kê quốc gia cần phải được đánh giá kỹ các tác động về điều kiện nguồn lực, tài chính nhằm bảo đảm việc thực thi luật có hiệu quả, tránh tình trạng ban hành chỉ tiêu nhưng không thực hiện được./.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam