Bàn giải pháp để kinh tế TP. Hồ Chí Minh sớm phục hồi và phát triển: Bài 1: Tư duy "mở"

17:14 | 24/10/2021 Print
(TBTCO) - Dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh mặc dù đã cơ bản kiểm soát nhưng vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi chính quyền thành phố phải nỗ lực nhiều hơn để kiểm soát hoàn toàn; vừa phòng, chống dịch, vừa phải tính toán lộ trình, kịch bản phục hồi kinh tế - xã hội.
Bàn giải pháp để kinh tế TP. Hồ Chí Minh sớm phục hồi và phát triển: Bài 1: Tư duy

Doanh nghiệp bố trí lao động làm việc theo mô hình 3 tại chỗ ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Cư

Để doanh nghiệp phát triển ổn định, rất cần có tư duy cởi mở, sáng tạo trong công tác phòng chống dịch đang là một trong những giải pháp quan trọng đặt ra cho TP. Hồ Chí Minh tại thời điểm này. Không chỉ giúp “sức khỏe” doanh nghiệp nhanh hồi phục mà còn giúp họ tự tin, mạnh dạn hoạt động trở lại, duy trì được sản xuất, duy trì tránh đứt gãy nguồn cung.

Bảo đảm an toàn cho người lao động

Khu chế xuất khu công nghiệp, khu công nghệ cao có trên 1.500 nhà máy, doanh nghiệp, thời điểm thành phố (TP) thực hiện giãn cách, chỉ có 700 doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí an toàn phòng chống dịch được hoạt động. Tổng số lao động tại đây khoảng 135.000, chỉ bằng 46% so với trước đó.

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong quý III, TP có hơn 42.700 người có nhu cầu tìm việc làm. Nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn TP là từ 43.600 – gần 60.000 người. Trong quý IV này, các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh cần khoảng 56.000 lao động, trong khi hiện tại chỉ mới đáp ứng được khoảng 90 - 92%.

Tại khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7/2021, Nidec Sankyo Việt Nam do sai lầm và lúng túng trong việc xử lý tình huống nên số ca lây nhiễm Covid-19 ở doanh nghiệp này đã lên đến hàng ngàn ca. Đến nay, số ca tại đây đã giảm đáng kể do biết cách tổ chức lại hợp lý.

Trong khi đó, những doanh nghiệp khác duy trì được hoạt động cũng khá chật vật. Đơn cử như công ty Sam Sung, quy mô lao động ở doanh nghiệp này chỉ còn khoảng 40%. Sản lượng đạt được trong quý vừa qua chỉ khoảng 45%. Chưa kể doanh thu, lợi nhuận chung của doanh nghiệp này bị ảnh hưởng do sự thiếu hụt chất bán dẫn, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại thông minh. Do đó, doanh nghiệp có khả năng phải đối mặt với một số vấn đề hậu cần cho đơn vị điện tử tiêu dùng của mình.

Cùng với đó, hoạt động của Sam Sung - nhà sản xuất điện thoại thông minh và chip lớn nhất thế giới, đã bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu chip diễn ra trên toàn cầu và đại dịch Covid-19 khiến một số nhà máy của hãng trên khắp thế giới phải đóng cửa.

Đa số các doanh nghiệp hiện tại đều có chung quan điểm đề xuất, để sản xuất an toàn, doanh nghiệp và người lao động phải là chủ thể và trung tâm của mọi quyết sách sản xuất an toàn.

Cơ quan quản lý nhà nước thì quản lý theo nguyên tắc nhất định là trao quyền điều chỉnh cho doanh nghiệp trong phương án sản xuất an toàn; phải tăng cường hậu kiểm, thay vì là tiền kiểm. Vấn đề quan trọng nhất vào lúc này là doanh nghiệp phải duy trì hoạt động.

Tập đoàn Đại Dũng, kinh doanh lĩnh vực vật liệu xây dựng, sắp thép và cơ khí là một điển hình. Ông Trịnh Tiến Dũng – Tổng giám đốc tập đoàn, cho biết doanh nghiệp đã có chiến lược lên kế hoạch tập trung 60% - 70% vào xuất khẩu ngay từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam. Cùng với đó, tập đoàn xây dựng đa dạng khách hàng và vùng khách hàng ở các quốc gia trên thế giới.

Đến lúc dịch trở nên phức tạp, Tập đoàn Đại Dũng đã bỏ ra hơn 1 triệu USD để đầu tư cải tiến quản trị, quản lý, số hóa từng phần trong doanh nghiệp; đồng thời, cắt giảm khoảng 20% các khoản đầu tư lớn. Để đảm bảo an toàn cho người lao động, công ty quản lý chặt hơn các khâu giao nhận lương thực, hàng hóa, vật tư.

Đến thời điểm này, dù có đến vài trăm công nhân nhưng công ty vẫn chưa có trường hợp bị dương tính… Hiện doanh nghiệp này vẫn đảm bảo đủ các đơn hàng xuất khẩu đến các quốc gia khác qua đến tháng 2 và 3 năm 2022; lực lượng công nhân giữ được khoảng 70 - 80% cho nhà máy.

“Việc duy trì sản xuất là vấn đề tối quan trọng. Lực lượng lao động công nhân tay nghề cao phải mất 5 - 10 năm để đào tạo. Việc cần làm lúc này là tổ chức để giữ lao động và các khách hàng. Nếu chúng tôi không giao được các đơn hàng thì tức là những kế hoạch tiếp theo của năm nay, sang năm rất nguy hiểm” - ông Trịnh Tiến Dũng nói.

Cần sự thông suốt

Mỗi một doanh nghiệp hoạt động ổn định cũng đã góp phần giúp kinh tế - xã hội phát triển. PGS.TS.BS Lê Thành Đồng - Viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, từ nay tới cuối năm, chúng ta vẫn sống chung với dịch bệnh, “miễn dịch cộng đồng” đang ở mức trung hòa.

"Hiện nay, vấn đề căn cơ, căn bản đó là chúng ta phải xây dựng hệ thống y tế bền vững, nhạy bén, đáp ứng được các tình huống. Đi kèm theo đó là doanh nghiệp phải song song tồn tại phát triển để hỗ trợ lẫn nhau cùng tồn tại, cùng phát triển” - PGS.TS.BS Lê Thành Đồng cho biết.

Hiện nay, nhiều địa phương lo sợ dịch bệnh nên mỗi nơi có cách kiểm soát mỗi khác, gây ách tắc trong lưu thông hàng hóa, đứt gãy trong các chuỗi cung ứng vật tư, thiết bị và thiếu hụt lao động. Chính vì vậy, việc khôi phục lại nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, việc đi lại giữa 5 tỉnh, thành Đông Nam Bộ vẫn còn chưa thống nhất thì doanh nghiệp không thể hoạt động trở lại.

Giao thông bao gồm cả đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy có thể coi là “mạch máu” nuôi cơ thể là quốc gia. Nếu "dòng máu" này bị “đông cứng” vì các “luật lệ” tại địa phương khiến doanh nghiệp khó khăn, sụp đổ, hàng triệu người trong xã hội rơi vào tình cảnh khó khăn thì sẽ có lỗi với dân, với đất nước.

Chính vì vậy, việc cho mở cửa lại đối với giao thông vận tải ngay để cứu nền kinh tế đất nước càng sớm càng tốt. Đây là việc làm cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi muốn mở cửa lại nền kinh tế lúc này, trước hết phải “mở cửa” tư duy.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã nói rõ phải chuyển đổi từ quan điểm "zero Covid-19" sang "thích ứng linh hoạt" để "sống chung an toàn" với Covid-19. Mà "sống chung an toàn" thì phải tạo điều kiện để tất cả mọi hoạt động kinh tế, xã hội đều có thể được diễn ra một cách bình thường nhất.

Nhà nước cũng cần ban hành ngay bộ quy chế ứng xử một cách khoa học và hợp lý để người dân theo đó mà ứng xử, các địa phương khác cũng theo đó mà áp dụng một cách linh hoạt./.

Mỗi doanh nghiệp đều có cách làm khác nhau để bảo vệ dây chuyền sản xuất và bảo vệ người lao động trước dịch bệnh trong thời điểm dịch vẫn còn là mối đe dọa lớn cho tất cả mọi ngành nghề, mọi đối tượng. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp tổ chức tốt sẽ giúp thành phố tổ chức tốt mọi hoạt động kinh tế - xã hội.

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam