Gắng để bình thường, đó là thương dân

09:51 | 22/10/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Đại dịch phủ bóng đen bất thường lên muôn mặt đời sống, có thể mang sự bình thường trở lại lúc này đó chính là thương dân. Quốc hội, Chính phủ đang thể hiện nỗ lực rất cao để “đáp ứng lòng mong đợi của Nhân dân” như phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 2 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Điều “đặc biệt”

Muốn sớm trở về bình thường, phải nhìn thẳng vào bất thường thì mới có thể vượt qua nó. Xuất phát từ tiếng lòng thương dân, điều “đặc biệt” đã xuất hiện ngay trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, ngày 20/10. Khác hẳn các phát biểu khai mạc tại các Kỳ họp Quốc hội (QH) những nhiệm kỳ trước, phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 2, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đi thẳng vào 7 yếu kém của nền kinh tế.

Lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch Covid-19.
Lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch Covid-19.

Trước tiên là tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra. Kinh tế quý III tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay; dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 2,5% - 3%, thấp xa so với mục tiêu QH đã đề ra (khoảng 6%).

Thứ hai, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; Thứ ba, các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán thiếu ổn định, có thời điểm tăng nóng; Thứ tư, nợ xấu ngân hàng tăng; Thứ năm, một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn; Thứ sáu, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp ở TP. HCM và các địa bàn kinh tế trọng điểm; Thứ bảy, việc làm, đời sống người lao động bị ảnh hưởng rất nặng nề trong khi công tác an sinh xã hội có lúc, có nơi còn bất cập cùng với việc giãn cách kéo dài đã làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Cùng lúc cứu trợ hàng chục triệu người

“Thời khắc sinh tử” là điều có thể nhìn thấy trong báo cáo của Thủ tướng. Thủ tướng nhìn nhận: năng lực y tế, nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến quá tải ở một số địa phương và số ca tử vong cao trong giai đoạn đầu. Nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng cơ sở, chưa chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống đột biến nhiều người nhiễm Covid-19.Việc triển khai công tác cứu trợ, bảo đảm an sinh xã hội tại một số địa bàn, nhất là khu cách ly, phong tỏa còn khó khăn do có khoảng hàng chục triệu người cần hỗ trợ trong cùng một thời điểm; riêng Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ cả 3 đợt lên đến khoảng 7,5 triệu người…

Về các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, theo Thủ tướng, đã miễn, giảm, giãn khoảng 95,1 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; đã hỗ trợ gần 21,89 nghìn tỷ đồng cho 24,26 triệu lượt đối tượng; đã cho vay 566 tỷ đồng để trả lương cho trên 161 nghìn lượt người lao động (theo Nghị quyết 68/NQ-CP); đã hỗ trợ 1.251 tỷ đồng cho gần 430 nghìn lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 111 nghìn người đã dừng tham gia; xuất cấp tổng cộng trên 137 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho trên 2,4 triệu hộ với trên 9,1 triệu nhân khẩu ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị thiếu đói do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; tiếp tục hỗ trợ giảm giá điện (khoảng 4.500 tỷ đồng), tiền nước, dịch vụ viễn thông, internet (khoảng 10.000 tỷ đồng)…

Trước đó, trong các phiên họp của UBTVQH chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2, Chủ tịch QH đã luôn nhấn mạnh rằng: “lúc này càng thương dân càng phải nói thẳng, nhìn thẳng, không được tô hồng, phải nắm bắt đúng, đủ tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân”. Nhìn thẳng cũng là tinh thần được nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 4, diễn ra cách đây 3 tuần.

Thời khắc sinh tử

Báo cáo trước QH, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng một tinh thần nhìn thẳng và đánh giá tình hình bằng loạt tính từ như “nghiêm trọng”, “nặng nề”… Theo Thủ tướng, sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh; Lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề, số lượng người lao động tạm ngừng việc, thiếu, mất việc làm gia tăng; Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể tăng và ở mức khá cao…

“Món quà” hơn 21 nghìn tỷ đồng

Một ngày trước khi khai mạc Kỳ họp thứ hai, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết số 406 của UBTVQH về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid- 19, quyết nghị 4 chính sách về miễn, giãn, giảm thuế. Ước tổng gói hỗ trợ miễn, giảm thuế theo Nghị quyết này là khoảng 21.300 tỷ đồng. Đây cũng có thể coi là “món quà” đầu tiên của Kỳ họp thứ 2 mà QH mang đến cho doanh nghiệp, người dân.

QH luôn nêu rõ quan điểm về việc các gói hỗ trợ hiện chưa tương xứng với quy mô tác động lớn của dịch Covid-19, cần bổ sung đầy đủ hơn các nguồn lực từ ngân sách trung ương, các khoản đóng góp xã hội khác cho công tác phòng, chống dịch. Thực thi nhiệm vụ giám sát ngân sách nhà nước, Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn, sẽ tạo hiệu ứng, lan toả, đảm bảo phục hồi kinh tế, an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội là cấp bách. Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ cần chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng.

Thủ tướng cho rằng, những tồn tại, hạn chế, yếu kém có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan chủ yếu. Một trong những nguyên nhân chủ quan mà ông đề cập đến là còn hạn chế, bất cập trong phân tích, dự báo tình hình để xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, phương án vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội.

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới QH đã nhắc đến “thời khắc sinh tử”. Theo Báo cáo, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cử tri và Nhân dân lo lắng những tác động tiêu cực, lâu dài của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt đời sống xã hội sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, năm 2022 và 5 năm 2021 - 2025 mà Nghị quyết đã đặt ra.

Dù vậy, Báo cáo này cũng cho biết, đồng bào, cử tri cả nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng ghi nhận và đánh giá cao các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương đã đưa ra các quyết định rất sáng suốt, đúng đắn, kịp thời vào thời khắc cam go, khốc liệt, "sinh - tử" của cuộc chiến chống dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.

Hơn cả sóng thần

Trong nhiều thập niên qua, có lẽ chưa lúc nào như lúc này, dư luận có phản ứng mạnh còn hơn cả “sóng thần” với những hiện tượng, tạm gọi là “nói chưa đúng tiếng dân”. Tại phiên thảo luận tổ trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3 HĐND TP. HCM chiều 18/10/2021, Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội

TP. HCM Lê Minh Tấn phát biểu: “5 tháng qua, dịch bệnh ác liệt, kinh hoàng nhưng đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa có ai khốn khổ”.

Ngay lập tức, câu nói này khiến dư luận trào sôi giận dữ, nên ông Tấn phân trần: “Tôi đã soát xét lại bản thân mình và thấy mình phát biểu như thế là chưa gãy gọn, chưa thể hiện rõ những khó khăn vất vả, những lo toan về cuộc sống, những lo lắng về mối nguy hiểm trước nguy cơ của dịch bệnh đang ảnh hưởng trực tiếp đến mọi gia đình, mọi người dân trên địa bàn TP. HCM” .

Giám đốc đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội TP. HCM nhìn nhận: “Tôi hiểu rằng mặc dù các cấp chính quyền đã nỗ lực triển khai các chính sách hỗ trợ, mặc dù cộng đồng đã chung tay tương trợ, nhưng trên thực tế vẫn còn một bộ phận người dân có hoàn cảnh khó khăn, rơi vào cảnh khốn khổ. Một lần nữa, tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành tới người dân thành phố!".

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam