Ban hành nghị quyết về miễn, giảm thuế:

Đáp ứng mong đợi của người dân và doanh nghiệp

09:51 | 22/10/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Trao đổi với phóng viên TBTCVN ngay sau khi Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 được ban hành, TS. Phan Phương Nam - Phó trưởng Khoa Luật thương mại - Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một tin vui cho nền kinh tế, là điều mà cộng đồng doanh nghiệp đang mong chờ khi dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng nay.

PV: Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBRVQH) vừa ban hành nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 với tổng giá trị gói hỗ trợ ước tính gần 20 nghìn tỷ đồng. Xin ông cho biết ý nghĩa của gói hỗ trợ này trong bối cảnh hiện nay?

Đáp ứng mong đợi của người dân và doanh nghiệp
Ông Phan Phương Nam

Ông Phan Phương Nam: Tôi cho rằng điều này là một tin vui cho nền kinh tế trong giai đoạn mà dịch bệnh đang còn phức tạp hiện nay. Gói hỗ trợ này về cơ bản đã cho thấy Nhà nước rất quan tâm đến các chủ thể kinh doanh và đang cùng với chủ thể kinh doanh vượt qua các khó khăn này. Đồng thời, các giải pháp cũng đã có những nội dung thể hiện chính sách đã và đang đi đúng vào đối tượng cần và rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tôi đánh giá cao quy định “miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020”. Bởi quy định này có thể áp dụng ngay và không phải chờ đến khi quyết toán năm 2021.

Hoặc quy định “giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019”. Quy định này đã rất hợp lý để phân hóa những chủ thể cần được hưởng chính sách này, đó là những doanh nghiệp đang thật sự gặp khó khăn vì dịch bệnh, thể hiện thông qua con số doanh thu của năm 2021 kém hơn doanh thu năm 2019. Điều này sẽ càng phát huy ý nghĩa to lớn trong việc hỗ trợ chủ thể kinh doanh. Chính sách hợp lý, cộng thêm được ban hành đúng thời điểm sẽ là một cú hích giúp các chủ thể kinh doanh và cũng là giúp nền kinh tế nhanh chóng hồi phục.

Đáp ứng mong đợi của người dân và doanh nghiệp
Nguồn: Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 Đồ hoạ: Hồng Vân

Gói hỗ trợ này không chỉ có ý nghĩa với doanh nghiệp, mà còn tác động trực tiếp đến người tiêu dùng, vì trong gói này có cả phần miễn thuế TNCN, thuế GTGT và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021. Điều này sẽ làm cho giá cả hàng hóa, dịch vụ giảm, giúp người tiêu dùng giảm một phần áp lực về tài chính.

PV: Trước khi nghị quyết được ban hành, báo cáo tại phiên thảo luận của UBTVQH về dự thảo của nghị quyết trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dù ngân sách khó khăn nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, vẫn phải chia sẻ với doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này của Bộ trưởng Bộ Tài chính?

Ông Phan Phương Nam: Tôi cho rằng ý kiến của Bộ trưởng rất xác đáng, bởi đây chính là lúc người kinh doanh đang cần và rất cần sự hỗ trợ của nhà nước. Bởi lẽ, họ đã căng mình trong dịch bệnh, từ gia tăng các chi phí để có thể sản xuất theo “ba tại chỗ”, các khoản chi hỗ trợ người lao động trong khi nguồn thu suy giảm, nguy cơ mất bạn hàng… Gói hỗ trợ này đã và đang giúp chủ thể kinh doanh giảm các sức ép về nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và họ có thể sử dụng phần tài chính này để hồi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách nhanh chóng hơn.

Tôi ví dụ, những khi doanh nghiệp khỏe mạnh, việc Nhà nước miễn tiền chậm nộp tiền thuế trong điều kiện bình thường thấy không có nhiều ý nghĩa vì họ không chậm nộp, hoặc chậm nộp rất ít. Nhưng trong giai đoạn này, việc miễn trên lại có ý nghĩa khi dòng tài chính của họ khó khăn và được Nhà nước chia sẻ, không bị buộc phải nộp.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách hỗ trợ lần này ngoài giảm thuế TNDN, còn giảm thuế GTGT là hết sức thiết thực đối với doanh nghiệp. Quan điểm của ông ra sao?

Ông Phan Phương Nam: Xuất phát từ bản chất thuế GTGT là thuế gián thu, người tiêu dùng là đối tượng chịu tác động, nên việc giảm thuế GTGT rất có ý nghĩa đối với nền kinh tế nói chung lúc này, chứ không chỉ đơn giản có ý nghĩa với doanh nghiệp. Nhưng việc giảm này trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa với doanh nghiệp lớn hơn.

Đối với tiêu dùng, thuế GTGT giảm làm cho giá cả hàng hóa, dịch vụ giảm, nên có tác dụng giúp cho người dân bớt áp lực hơn khi tiêu dùng, đặc biệt là khi dịch bệnh đã và đang diễn ra khiến cho nguồn tài chính của họ đang suy giảm. Khi đó, hoạt động tiêu dùng vẫn được duy trì thì với sức cầu đó, doanh nghiệp mới có thể đẩy mạnh hoạt động sản xuất cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, gia tăng khả năng sinh lời và tăng trưởng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cần nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện

Theo TS. Phan Phương Nam, để triển khai có hiệu quả chính sách này, công tác thực hiện là rất quan trọng. Để thực hiện được và phát huy ý nghĩa của chính sách trên, rất cần các cơ quan quản lý nhanh chóng ban hành các hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục song song với việc tăng cường hoạt động tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế. Đồng thời, chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có khả năng được thụ hưởng từ chính sách này cách thức thực hiện. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh là những chủ thể đôi khi không có những nhân viên chuyên trách về thuế thì càng cần nhiều sự hỗ trợ hơn.

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam