Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp tác động tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

10:40 | 22/10/2021 Print
(TBTCO) - Các chuyên gia tài chính, kế toán có vai trò đặc biệt tạo ra những thay đổi thực sự, có khả năng tác động tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và Hiệp Hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) vừa phối hợp tổ chức kỷ niệm Ngày Đạo đức toàn cầu 2021 (20/10) với chủ đề “Hướng tới doanh nghiệp phát triển bền vững: kinh doanh liêm chính và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp”.

Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp tác động tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đặc biệt của đại dịch Covid-19 và cách mạng công nghệ hiện nay, các giá trị xã hội thay đổi nhanh hơn bao giờ hết bởi mong muốn của người dân về một thế giới công bằng và liêm chính hơn. Đại dịch Covid 19 có xu hướng gây rủi ro đáng kể cho các hành vi vi phạm đạo đức ở mức độ cao hơn, tạo rào cản đối với doanh nghiệp để theo đuổi kinh doanh liêm chính và duy trì sự thành công trong dài hạn.

Việt Nam cần các doanh nghiệp phát triển bền vững mang lại lợi nhuận tài chính, đồng thời tạo ra giá trị tích cực cho xã hội và có trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường trong đó bao gồm nâng cao tính liêm chính trong kinh doanh. Trong đó, các chuyên gia tài chính, kế toán có vai trò đặc biệt tạo ra những thay đổi thực sự, có khả năng tác động tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Chương trình đã công bố Sổ tay chuẩn mực đạo đức quốc tế dành cho kế toán viên, kiểm toán viên, chuyên gia tài chính của Liên đoàn Kế toán quốc tế phiên bản Tiếng Việt, được VACPA soạn thảo với sự hỗ trợ của ACCA. Đồng thời, chương trình chính thức giới thiệu cẩm nang hướng dẫn áp dụng kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử dành cho doanh nghiệp.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký VCCI, nhấn mạnh đạo đức nghề nghiệp yêu cầu bản thân mỗi kế toán viên, kiểm toán viên phải hiểu rõ chuẩn mực nghề nghiệp và chuẩn mực chuyên môn. Trong đó, tính chính trực, tính khách quan, năng lực chuyên môn, tính thận trọng và tính bảo mật thông tin là có lẽ là hành trang không thể thiếu trong nghề nghiệp của mình.

Ông Marcus Winsley - Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Hà Nội, khẳng định bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay có xu hướng gây rủi ro đáng kể và tạo ra thách thức đối với doanh nghiệp để duy trì sự thành công trong dài hạn. Nếu những nhà lãnh đạo doanh nghiệp muốn xây dựng doanh nghiệp trở lại mạnh mẽ hơn, không có chiến lược nào tốt hơn việc đặt kinh doanh liêm chính là cốt lõi.

Tại sự kiện, ông Patrick Haverman - Phó Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, đã công bố Mạng lưới doanh nghiệp kinh doanh liêm chính (Vietnam Business Integrity Network or VBIN) vừa mới được thành lập thông qua Dự án vùng của UNDP và Chính phủ Vương quốc Anh về “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN”.

VBIN là sáng kiến hành động tập thể đầu tiên do khu vực tư nhân lãnh đạo nhằm thúc đẩy văn hóa kinh doanh liêm chính và tuân thủ để phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam. Hiện tại, thông qua một chiến dịch tích cực do VCCI thực hiện, ít nhất 15 tổ chức, bao gồm các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp, cùng 5 chuyên gia đã tham gia Tổ cố vấn VBIN.

Đại diện cho ACCA, ông Renjith Varma - Giám đốc khu vực ACCA Đông Nam Á lục địa cho biết: “Tại ACCA, đạo đức luôn là trung tâm của mọi thứ chúng tôi hướng đến. Khi nhìn về tương lai, đạo đức có vai trò chủ chốt đảm bảo chúng tôi sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong bối cảnh đặc biệt của đại dịch Covid-19 và cách mạng công nghệ hiện nay, chúng ta có thể thấy rằng các giá trị xã hội thay đổi nhanh hơn bao giờ hết bởi mong muốn của người dân về một thế giới công bằng và liêm chính hơn”./.

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam