Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm để phát triển thị trường an toàn, hiệu quả

10:36 | 22/10/2021 Print
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm khắc phục những hạn chế sau hơn 20 năm, nhằm kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế.

Sáng 22/10, tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư

Theo tờ trình, đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự.

Một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như: thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập...

Chính phủ cho rằng, quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với thông lệ quốc tế như: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro.

Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm để phát triển thị trường an toàn, hiệu quả
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình tại Quốc hội. Ảnh: QH

Việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, theo Chính phủ, sẽ bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Đồng thời, luật phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều. Dự thảo đã bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án luật đã được Chính phủ thông qua, tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm như tờ trình của Chính phủ.

Theo ủy ban này, việc sửa đổi luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả; tiệm cận với các thông lệ quốc tế.

Việc sửa đổi luật này cũng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Về hồ sơ và bố cục dự thảo luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quy định.

Làm rõ quy định hợp đồng bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi các bên

Liên quan đến một số nội dung sửa đổi trong dự thảo luật, Chính phủ đề xuất sửa đổi về hợp đồng bảo hiểm. Theo Bộ Tài chính, nội dung về hợp đồng bảo hiểm cơ bản giữ nguyên cách thiết kế của luật cũ, bổ sung thêm mục về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp.

Về vấn đề này, dự thảo luật đã bổ sung quy định về phân loại hợp đồng, sửa đổi nội dung hợp đồng bảo hiểm (HĐBH), một số nội dung nhằm phù hợp với Bộ luật Dân sự và thực tiễn của thị trường như: điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, đơn phương chấm dứt HĐBH, HĐBH vô hiệu, trách nhiệm cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm, thời hạn trả tiền...

Về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp, tại dự thảo luật đã bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, người được bảo hiểm trong các công tác này và định hướng việc giải quyết tranh chấp.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế tán thành với các quy định về HĐBH và cho rằng HĐBH là chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần rà soát và làm rõ các quy định tại chương này như hình thức hợp đồng bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, HĐBH vô hiệu, đơn phương chấm dứt hợp đồng... để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo luật, vừa phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng, theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các bên.

Một vấn đề dư luận quan tâm đó là quản lý tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo hướng chuyển đổi sang quản lý vốn trên cơ sở rủi ro. Theo đó, dự thảo luật yêu cầu doanh nghiệp phải xác định tỷ lệ an toàn vốn, quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của doanh nghiệp.

Dự thảo luật đã bổ sung quy định đối với kiểm toán độc lập, phạm vi kiểm toán độc lập và trách nhiệm cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính.

Thẩm tra vấn đề này, Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự thảo luật quy định áp dụng mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro. Đây là nội dung có tính kỹ thuật và chuyên môn sâu, có tác động lớn đến các doanh nghiệp đang hoạt động do việc chuyển đổi mô hình quản lý tài chính với yêu cầu, đòi hỏi cơ sở dữ liệu, khả năng tính toán cũng như quản trị của các doanh nghiệp phải đáp ứng ở mức độ cao hơn.

Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ khả năng đáp ứng các quy định về quản trị rủi ro của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm Việt Nam trong việc tính toán yêu cầu về vốn trên cơ sở rủi ro, sự đồng bộ hóa về các dữ liệu với cơ quan quản lý, giám sát về hoạt động bảo hiểm./.

Cân bằng lợi ích của người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm Tạo nền tảng vững chắc để thị trường bảo hiểm phát triển Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Kỳ vọng nâng cao chất lượng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam