Tình trạng tắc nghẽn nguồn cung kìm hãm đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ

09:49 | 22/10/2021 Print
(TBTCO) - Tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và thiếu hụt lao động đã kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới, đồng thời góp phần làm giá cả tăng mạnh.
Tinh trang tac nghen nguon cung kim ham da tang truong nen kinh te My hinh anh 1

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ở Washington, D.C.

Trong báo cáo khảo sát kinh doanh Beige Book tổng hợp số liệu của 12 khu vực được công bố ngày 20/10, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã lưu ý đến sự bất ổn ngày càng tăng trong triển vọng tăng trưởng kinh tế, nhấn mạnh những biện pháp hạn chế đi lại và tình trạng thiếu hàng hóa đã khiến giá cả tăng cao đáng kể ở hầu hết các khu vực của Mỹ.

Theo báo cáo, mặc dù các hoạt động kinh tế Mỹ tăng trưởng ở tốc độ "khiêm tốn đến vừa phải" trong vài tuần qua, ở hầu hết các khu vực trên cả nước, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chậm do ảnh hưởng của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu lao động và tình hình dịch bệnh khó lường.

FED đang đi đúng hướng khi đang nỗ lực đảm bảo tăng trưởng kinh tế tiếp tục hỗ trợ việc tạo ra các việc làm mới, đồng thời đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch COVID-19 được xem là một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng khan hiếm hàng hóa như chất bán dẫn, cũng như sự ùn ứ trong khâu vận chuyển, song tình trạng thiếu hụt nhân công lại là một vấn đề gây bất ngờ.

Điều này đang làm gia tăng áp lực về nguồn cung và khiến các công ty phải tăng lương để thu hút người lao động. Trong báo cáo của mình, FED đã trích dẫn kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp nhờ các vấn đề chăm sóc trẻ em được khắc phục, chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 được đẩy mạnh và tình hình dịch bệnh có chiều hướng cải thiện.

FED cho biết người sử dụng lao động đã chủ động tăng lương cho người lao động, cũng như trao thêm tiền thưởng hoặc tăng thời gian nghỉ phép để giữ chân người lao động.

Báo cáo của FED được chuẩn bị trước cuộc họp chính sách tiếp theo của ngân hàng trung ương này vào ngày 2-3/11 tới. FED dự kiến công bố kế hoạch bắt đầu thu hẹp các biện pháp kích thích kinh tế trong bối cảnh lo ngại về lạm phát gia tăng. Mặc dù Chủ tịch FED Jerome Powell từng nói rằng giá cả tăng đột biến sẽ chỉ mang tính tạm thời và sẽ đi xuống khi tình trạng gián đoạn do dịch COVID-19 được khắc phục, song các nhà kinh tế ngày càng cảnh báo rằng đây có thể trở thành một vấn đề lâu dài.

Khi lạm phát liên tục tăng từ đầu năm đến nay, FED dự báo lãi suất cơ bản tại Mỹ có thể thoát mức 0% sớm nhất là trong năm tới. Theo biên bản sau cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, công bố ngày 13/10, các quan chức FED cho rằng lạm phát có nguy cơ tiếp tục tăng vì tâm lý lo ngại gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu lao động có thể kéo dài và kéo theo những tác động lớn hơn hoặc dai dẳng hơn đến giá cả và tiền lương so với những dự tính hiện tại.

Các quan chức cũng nhất trí nếu đà phục hồi kinh tế tiếp tục duy trì đúng lộ trình hiện nay, việc thu hẹp dần và tiến tới chấm dứt chương trình kích thích kinh tế vào giữa năm 2022 là hợp lý.

Theo số liệu mới được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13/10, lạm phát tại nước này trong tháng 9 vẫn tiếp tục tăng khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài đã nhiều tháng. Theo đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,4% trong tháng 9, sau khi tăng 0,3% hồi tháng 8.

Trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 9, chỉ số trên đã tăng 5,4%, nhích nhẹ so với mức 5,3% ghi nhận trong 12 tháng tính đến hết tháng 8./.

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam