Cơ chế đặc thù sẽ tạo sự chủ động cho địa phương phát triển

14:48 | 22/10/2021 Print
Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận tại tổ nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế. Cho ý kiến, các đại biểu Quốc hội đều đồng tình với dự thảo nghị quyết. Có ý kiến cho rằng, đây là các chính sách mở đường, tạo sự chủ động cho các địa phương này phát triển.

Cần đồng bộ đặc thù cả về cơ chế, nguồn nhân lực

Đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu trước đó, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho rằng cần thiết phải ban hành nghị quyết để các địa phương này có thêm cơ chế, huy động nguồn lực cho phát triển. Theo ĐB, đây đều là các địa phương có đặc tính riêng biệt, như Nghệ An, Thanh Hóa là các tỉnh diện tích lớn, dân số đông, có đóng góp hàng năm cho ngân sách nhà nước. Đây cũng là các địa phương có tiềm năng về con người, tự nhiên, nên cần thiết phải có cơ chế đặc thù.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Nói đến đặc thù phải gắn với cái riêng có của các địa phương này. Thanh Hóa, Nghệ An phát triển kinh tế rừng, kinh tế biển là đặc thù, nhưng tại dự thảo nghị quyết lại chưa thấy rõ đặc điểm này. Cơ chế đặc thù cần gắn với các thế mạnh của địa phương, để tạo điều kiện cho các địa phương này phát triển”.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Cơ chế đặc thù mở đường cho sự phát triển. Ảnh: T.T
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Cơ chế đặc thù mở đường cho sự phát triển. Ảnh: T.T

Bên cạnh đó, một số ĐBQH đề nghị, bên cạnh các cơ chế đặc thù đó, thì yếu tố đặc thù về con người, bộ máy, nếu được thực hiện đồng bộ, sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho các địa phương. Có thể là mô hình tổ chức bộ máy linh hoạt hơn, hoặc có cơ chế thu hút nhân tài, sẽ giúp các địa phương này phát triển.

Riêng đối với Hải Phòng, quy định về thu nhập của cán bộ công chức, vấn đề này đặt ra từ lâu nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn, cần gắn với tinh giản biên chế. Bên cạnh tạo cơ chế thu nhập phải khẩn trương tinh gọn hiệu quả bộ máy tổ chức.

Một số ý kiến đề nghị, thực hiện cơ chế đặc thù này 3 năm, cần có sơ kết và sau 5 năm có tổng kết để có kết luận phù hợp.

ĐB Nguyễn Công Long (Đồng Nai) nhận định, cơ chế này sẽ tạo cú hích để các địa phương này phát triển, tương xứng với tiềm năng của mình.

ĐB gợi ý thêm một số dư địa để các địa phương có thể phát huy lợi thế hơn nữa. Đồng thời, liên quan đến cơ chế đặc thù về đất đai, ĐB băn khoăn cần đánh giá kỹ hơn, tổng thể hơn. Bởi vì, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tác động đến môi sinh, môi trường là rất lớn và tác động lâu dài. Nếu thực hiện theo quy định của nghị quyết này là trong vòng 5 năm, thì cần phải tính toán kỹ hơn.

Đồng tình với ý kiến của ĐB Nguyễn Công Long, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng bày tỏ quan ngại liên quan đến quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo ĐB, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, ủy quyền cho địa phương để đơn giản thủ tục hành chính. Nhưng phải cân nhắc, thận trọng vì đây là thí điểm, sau 5 năm rút kinh nghiệm, nếu tổng kết đánh giá tốt thì tiếp tục thực hiện.

Phát biểu tham gia ý kiến vào dự thảo nghị quyết này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, nên coi đây là thực hiện thí điểm, nếu thực hiện hiệu quả, sẽ ban hành cơ chế áp dụng trên cả nước.

“Chính sách về cơ chế đặc thù cho một số địa phương, trong đó có một số địa phương nghèo, đất đai rộng lớn, người đông, có tiềm năng và là quê hương cách mạng” - Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Những hỗ trợ của Chính phủ, Quốc hội là rất cần thiết, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đồng ý với nội dung quy định tại dự thảo nghị quyết về hỗ trợ về nguồn lực, về cơ chế tài chính.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, đây sẽ là những chính sách mở đường và đề xuất đưa vào một số vấn đề mới, mang tính đột phá, xem như đây là chương trình thí điểm, sau có tổng kết, đánh giá và nhân rộng, sẽ trở thành giá trị chung của cả nước.

Cho ý kiến về cơ chế tăng lương cho cán bộ công chức, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, nếu tăng lương cho cán bộ công chức nhà nước, vô hình trung lại bất bình đẳng với người lao động ở khu vực tư hay khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tăng lương cần thực hiện theo thực chất đóng góp công việc theo vị trí việc làm, còn nếu lấy ngân sách chi lương theo kiểu dàn đều thì chỉ có tính chất động viên ban đầu mà không tạo động lực, hiệu quả thực sự.

Vì mục tiêu quản trị quốc gia

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, có ý kiến đặt vấn đề vì sao địa phương này có cơ chế đặc thù còn địa phương khác không có.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thể chế chính sách của nước ta là thống nhất, nhưng trong quá trình phát triển cần thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách mới. Nếu kết quả thí điểm cho thấy hiệu quả, phù hợp thì có thể nhân rộng trong toàn quốc, nâng chính sách, pháp luật lên một chuẩn mới và sẽ tiếp tục thí điểm để lên chuẩn mới cao hơn nữa.

“Đây là quá trình liên tục để đáp ứng yêu cầu phát triển chứ không phải chỉ những địa phương này mới được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù. Thí điểm ở một số địa phương nhưng cũng vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia. Quá trình thí điểm tốt, hiệu quả thì sẽ tổng kết, đánh giá và trở thành quy định có tính phổ quát chung và tiếp tục phát triển cao hơn nữa”- Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Theo Chủ tịch Quốc hội, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đó là với những địa phương có tiềm năng, có khả năng phát triển trở thành đầu tàu, động lực thì có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện thúc đẩy các địa phương này phát triển, đồng thời tạo tác động lan tỏa cho các địa phương khác, cho cả nước. Còn với các địa phương có điều kiện khó khăn hơn thì có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương khác.

Với 4 địa phương được Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù lần này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Bộ Chính trị đều đã có các nghị quyết riêng về phát triển các địa phương này trên cơ sở cân nhắc rất kỹ lưỡng các điều kiện, tiềm năng, thế mạnh, đặc thù, yêu cầu phát triển. Các dự thảo nghị quyết lần này của Quốc hội đều nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương lớn tại các nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết của Trung ương về các địa phương này.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo nghị quyết được chuẩn bị công phu, cơ bản đạt được sự đồng thuận khá cao. Nếu được Quốc hội đồng ý thông qua theo thể thức rút gọn tại kỳ họp này, theo Chủ tịch Quốc hội, sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển của các địa phương; đồng thời cũng góp phần hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và phục hồi phát triển trong thời gian tới, vì ở đây không chỉ có vấn đề nguồn lực mà còn có các cơ chế, chính sách, thể chế rất quan trọng./.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam