Ứng phó với Covid-19 vì mục tiêu phục hồi bền vững và bao trùm

17:00 | 22/10/2021 Print
Nhằm ứng phó với các tác động của Covid-19, trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ về thuế, phí để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Việc thúc đẩy tiêm chủng vắc-xin một cách toàn diện là giải pháp căn bản nhất để vượt qua đại dịch.

Ngày 22/10/2021, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính New Zealand - ông Grant Robertson, đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính chính APEC năm 2021 lần thứ 28.

Tại điểm cầu Việt Nam, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đã thay mặt Bộ Tài chính Việt Nam tham dự và có bài phát biểu quan trọng, với chủ đề "Ứng phó với Covid-19 vì mục tiêu phục hồi bền vững và bao trùm".

Cùng tham dự hội nghị ở điểm cầu Việt Nam còn có đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Ứng phó với Covid-19 vì mục tiêu phục hồi bền vững và bao trùm
Sau bài phát biểu khai mạc của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính New Zealand Grant Robertson, các đại biểu chụp ảnh trước khi bắt đầu nội dung chính của hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Tại hội nghị, các thành viên tham dự trao đổi quan điểm về các lựa chọn chính sách sẵn có để ứng phó với đại dịch Covid-19 và cách đảm bảo một tương lai bền vững và toàn diện.

Ứng phó với Covid-19 vì mục tiêu phục hồi bền vững và bao trùm

Các nền kinh tế đang phải đối mặt với vô số thách thức, bao gồm các tác động về sức khỏe, kinh tế và xã hội của đại dịch Covid-19 đang diễn ra cũng như chuyển đổi số kinh tế, chống biến đổi khí hậu và cải thiện môi trường, đồng thời đảm bảo tăng trưởng bao trùm hơn.

Phiên họp này tạo cơ hội để thảo luận về các giải pháp/biện pháp đối với Covid-19 và những hành động chính sách nào là cần thiết để đảm bảo phục hồi bền vững và bao trùm.

Hội nghị đã nhận thức về tầm quan trọng của các nền kinh tế thành viên APEC cùng nhau giải quyết các thách thức hiện tại trong khu vực, đề ra các ưu tiên và cùng nhau thực hiện Tầm nhìn Putrajaya vì một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.

Ứng phó với Covid-19 vì mục tiêu phục hồi bền vững và bao trùm

Chủ tọa Hội nghị Bộ trưởng Tài chính vui mừng chào đón các Bộ trưởng Tài chính và các đồng nghiệp từ các tổ chức đối tác APEC và các quan sát viên đến Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 28. Ảnh: Đức Minh

Do ảnh hưởng lâu dài của đại dịch Covid-19 dẫn tới khủng hoảng dài hạn về sức khỏe và thách thức lớn về kinh tế, hội nghị đã ghi nhận sự phục hồi kinh tế đang diễn ra trên toàn khu vực, tuy nhiên chưa thể đạt được mức phục hồi hoàn toàn trong năm nay.

Qua thảo luận cho thấy, nhiều nền kinh tế APEC đã đạt được một số thành tựu về phục hồi kinh tế thông qua việc ban hành các chính sách hiệu quả như hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, bao phủ tiêm vắc-xin và khôi phục, tái mở cửa các hoạt động kinh tế nội địa.

Tuy nhiên, xu thế chung cũng cho thấy các nền kinh tế APEC đều thận trọng trong việc khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội do tính chất nguy hiểm của các biến chủng vi rút mới tiềm ẩn rủi ro cao.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Trần Xuân Hà cho biết, nhằm ứng phó với các tác động của Covid-19, trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ về thuế, phí để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh như hoãn nộp thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cho một số lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong quý 4/2021; bố trí nguồn lực để mua vắc-xin, thiết bị y tế và cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, hỗ trợ công nhân.

"Chúng tôi cho rằng việc thúc đẩy tiêm chủng vắc-xin một cách toàn diện là giải pháp căn bản nhất để vượt qua đại dịch. Theo đó, chúng tôi ghi nhận và cảm ơn sự hỗ trợ của các thành viên APEC trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận vắc-xin của Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi sự nỗ lực hợp tác hơn nữa trong APEC trong việc cung ứng và phân phối vắc xin hiệu quả" - Thứ trưởng Trần Xuân Hà nói.

Sử dụng chính sách tài khóa và ngân sách ứng phó với các thách thức trong tương lai

Theo người điều hành hội nghị, chính sách tài khóa và khung khổ ngân sách đóng vai trò quan trọng ứng phó với Covid-19 và trong các kế hoạch phục hồi. Bằng cách triển khai hiệu quả các công cụ này, các nền kinh tế duy trì việc làm và sinh kế, tài trợ cho các dịch vụ công và bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong xã hội trước các cú sốc mà đại dịch Covid-19 đã tạo ra.

Qua thảo luận của các đại biểu cho thấy, với cuộc khủng hoảng Covid-19 chưa kết thúc và việc phục hồi chưa hoàn tất, chính sách tài khóa cần được điều chỉnh thận trọng để duy trì sự phục hồi kinh tế trong khi vẫn duy trì tính bền vững tài khóa dài hạn.

Các mục tiêu này cũng có thể phát triển theo thời gian và các khuôn khổ cần phải đủ linh hoạt để thích ứng với các hoàn cảnh và nhu cầu thay đổi mà không làm tổn hại đến uy tín tài khóa.

Ứng phó với Covid-19 vì mục tiêu phục hồi bền vững và bao trùm
Thứ trưởng Trần Xuân Hà đã thay mặt Bộ Tài chính Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 28. Ảnh: Đức Minh

Chia sẻ thông tin về chủ đề này, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, việc sử dụng các công cụ tài khóa một cách hữu hiệu, phù hợp với tình hình của từng giai đoạn; duy trì các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu tập trung vào các đối tượng, lĩnh vực chịu nhiều tác động của đại dịch sẽ tiếp tục là các ưu tiên chính sách của Việt Nam trong thời gian tới.

"Nhằm đạt được sự phục hồi bền vững, cân bằng và toàn diện, Việt Nam theo đuổi chính sách tài khóa linh hoạt nhưng chặt chẽ, kết hợp với chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và mục tiêu tăng trưởng trong trung và dài hạn" - Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết.

Sau nửa ngày làm việc, hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Tài chính APEC, trong đó nhận định các giải pháp chính sách tài chính tiền tệ đúng đắn mà các nền kinh tế APEC đã áp dụng để vượt qua nhiều thách thức để tiến tới thành tựu phục hồi kinh tế vĩ mô trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2021.

Tại Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Tài chính APEC có đoạn: "Chúng tôi cam kết làm việc để đảm bảo sự phục hồi được bền vững trong khi giải quyết những thách thức và quá trình chuyển đổi cơ cấu lâu dài. Điều này bao gồm tận dụng lợi thế của kỹ thuật số và các công nghệ khác để phục hồi tăng trưởng năng suất, tăng tính hòa nhập và phúc lợi, xây dựng khả năng chống chịu với các cú sốc trong tương lai và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cũng như suy giảm đa dạng sinh học. Tính cấp thiết của hành động này càng trở nên rõ ràng hơn trong điều kiện chịu tác động của đại dịch."

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC đã kết thúc Tiến trình Bộ trưởng Tài chính năm 2021 thành công tốt đẹp. Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC sẽ được tiếp tục duy trì dưới sự chủ trì của Thái Lan trong năm 2022./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam