Hải quan tạm dừng hậu kiểm, doanh nghiệp đồng tình

08:40 | 24/10/2021 Print
Quyết định tạm dừng, hoãn các cuộc kiểm tra sau thông quan (hậu kiểm) trong kế hoạch năm 2021 của Tổng cục Hải quan vừa ban hành vào đầu tháng 10/2021 nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp. Đây là quyết định thiết thực giải tỏa gánh nặng cho doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh vượt qua khó khăn của dịch Covid-19.

Doanh nghiệp đánh giá cao hỗ trợ của hải quan

Bà Trần Thị Mơ - Trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty TNHH Esprinta Việt Nam (hoạt động sản xuất, gia công xuất khẩu tại Bình Dương) cho biết, nhiều tháng qua của doanh nghiệp (DN) bị ngưng trệ do dịch Covid-19. Hiện nay, khi dịch Covid-19 được đẩy lùi, DN quay lại sản xuất thì có 30 - 40% đơn hàng không thực hiện được do thiếu công nhân trầm trọng do trước đó công nhân đã hồi hương. DN đang rất cần nhận được sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước trong đó có cơ quan hải quan để vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn hiện nay.

Tạm dừng hậu kiểm: Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp vượt dịch Covid-19
Cán bộ hải quan tiếp nhận và giải quyết thủ tục nhập khẩu hàng hóa cho DN. Ảnh: Thu Trang

“Sản xuất gia công xuất khẩu là hoạt động luôn được cơ quan hải quan quan tâm và có kế hoạch kiểm soát hoạt động đầu vào của nguyên liệu sản xuất và kim ngạch xuất khẩu. Cơ quan hải quan đã tạo điều kiện đơn giản thủ tục hành chính cho DN về thủ tục báo cáo định mức gia công theo tháng và quý, nay được thực hiện theo năm. Nhờ vậy DN giảm thiểu được chi phí, thời gian thực hiện báo cáo. Việc cơ quan hải quan tạm dừng đánh giá tuân thủ pháp luật hải quan của DN từ tháng 7/2021 và mới đây là quyết định tạm dừng, hoãn hậu kiểm là tin vui đối với DN, trong bối cảnh DN đang tập trung vào việc phục hồi sản xuất…” - bà Trần Thị Mơ chia sẻ.

Thấu hiểu, chia sẻ khó khăn của DN, cơ quan hải quan đã triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ DN ổn định sản xuất kinh doanh. Sau khi tỉnh Bình Dương chuyển sang trạng thái “bình thường mới” DN bắt đầu hoạt động, phục hồi sản xuất, đơn vị chỉ thực hiện kiểm tra đối với các DN đã hoạt động trở lại, có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Trước khi tiến hành kiểm tra, cần có sự trao đổi, tạo sự đồng thuận từ phía DN và phải được sự phê duyệt của lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương.

Đề cập đến việc đồng hành củng DN, ông Tống Quốc Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan Bình Dương cho biết, quyết định tạm dừng, hoãn các cuộc hậu kiểm trong kế hoạch năm 2021 của Tổng cục Hải quan là cần thiết trong bối cảnh nhiều DN tại Bình Dương bị ngưng trệ sản xuất, nhân lực bị thiếu hụt.

Tháo gỡ vướng mắc từ chính sách, khơi thông hoạt động sản xuất, xuất khẩu

Theo đánh giá của cộng đồng DN tại Đồng Nai và Bình Dương - nơi có số lượng DN sản xuất xuất khẩu lớn, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, đồng thời với việc tạm dừng, hoãn hậu kiểm, DN mong muốn được tháo gỡ vướng mắc từ chính sách để khơi thông hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Bà Trần Thị Mơ cho biết, hoạt động của DN đang gặp vướng mắc bởi quy định đối với loại hình sản xuất, xuất khẩu đó là DN nhập hàng sản xuất phục vụ xuất khẩu của DN nội địa thì phải đóng thuế, sau đó xuất hàng đi DN mới được hoàn thuế. Trong khi đó DN nội địa nhập nguyên liệu từ nước ngoài về thì lại được miễn thuế.

Hiện nay, cái khó đối với DN gia công sản xuất, xuất khẩu là không thể thực hiện được đơn hàng do thiếu nhân lực, vì vậy, khách hàng yêu cầu chuyển đơn hàng cho nhà máy bên nước ngoài và yêu cầu chuyển nguyên liệu cho nhà máy ngoài miền Bắc thực hiện kịp đơn hàng.

Tuy nhiên, DN miền Bắc không mặn mà với việc này vì tiếp nhận đơn hàng và nguyên liệu sản xuất DN sẽ phải đóng thuế trước (đến khi xuất khẩu mới được hoàn thuế). Khó khăn này đang buộc khách hàng chuyển đơn hàng ra nước ngoài, gây bất lợi, thua thiệt cho DN sản xuất, xuất khẩu Việt Nam.

Để tạo thuận lợi cho DN, bà Trần Thị Mơ cũng cho rằng, trong bối cảnh DN gặp khó khăn trong việc giải tỏa đơn hàng hiện nay, mong muốn cơ quan nhà nước có giải pháp tháo gỡ rào cản, vướng mắc cho DN trong việc chuyển đơn hàng và nguyên liệu sản xuất xuất khẩu giữa DN nội địa.

Để đảm bảo quản lý gian lận thuế và tạo thuận lợi cho DN, cơ quan nhà nước quy định chặt chẽ đầu vào và đầu ra nguyên liệu hàng hóa xuất khẩu của DN nội địa, DN gia công sản xuất xuất khẩu có giao dịch phải chịu trách nhiệm với cơ quan hải quan. DN phải có trách nhiệm chứng minh đầu vào đầu ra của sản xuất với xuất khẩu./.

Cụ thể hóa Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh

Theo Tổng cục Hải quan việc tạm dừng, hoãn các cuộc kiểm tra sau thông quan trong kế hoạch năm 2021 là giải pháp thiết thực nhằm cụ thể việc triển khai thực hiện Nghị quyết 105/NQ-CP (ngày 9/9/2021) về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Kiểm tra sau thông quan và các cục hải quan tỉnh, thành phố tạm dừng, hoãn các cuộc hậu kiểm đã có trong kế hoạch năm 2021 (bao gồm đánh giá tuân thủ và hậu kiểm theo dấu hiệu rủi ro); tổ chức thực hiện vào thời gian phù hợp sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

Trường hợp có dấu hiệu vi phạm phải thực hiện công tác hậu kiểm, đơn vị đề xuất kiểm tra phải nêu rõ dấu hiệu vi phạm và được sự phê duyệt của cấp lãnh đạo có thẩm quyền. Trong quá trình tiến hành kiểm tra, đoàn kiểm tra phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Nghiêm cấm cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu DN trong quá trình thực thi công vụ.

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam