Đại biểu lo ngại thất nghiệp cao kéo theo nhiều vấn đề an ninh, trật tự

21:01 | 24/10/2021 Print
Tình trạng thất nghiệp gia tăng sẽ kéo theo nhiều vấn đề xã hội, trong đó có các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm tài sản, xâm phạm sở hữu sẽ có khả năng tăng cao và phát sinh nhiều hành vi, thủ đoạn phạm tội mới.

Ngày 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Đề nghị có chính sách căn cơ đảm bảo an sinh xã hội

Phát biểu về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận) bày tỏ sự đồng tình với những nhận định trong báo cáo của Chính phủ và nhất trí cao với các báo cáo thẩm tra.

Theo đại biểu, trong năm 2021, cùng với đại dịch Covid-19, một số tội phạm, vi phạm pháp luật xuất hiện nổi lên, như việc lợi dụng sự sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng, chống dịch để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, tung tin giả gây hoang mang trong dư luận. Các tội phạm về kinh tế, tham nhũng như buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, các mặt hàng thiết yếu, thuốc, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 là lực cản cho việc phòng, chống Covid.

Trong đó, đại biểu lưu ý do tác động bởi đại dịch, nhiều tầng lớp nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập và đời sống, đây cũng chính là cơ hội tốt để tội phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen hoạt động riêng rẽ ở từng tổ chức và phát triển mở rộng địa bàn. Số lượng người lao động từ các tỉnh, thành phố trở về quê rất lớn, ước tính khoảng 1,3 triệu người, đồng nghĩa với số người mất việc rất lớn.

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất 10 năm trở lại đây. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm, có chính sách căn cơ hơn nữa trong vấn đề bảo đảm an sinh xã hội cho người dân đang thất nghiệp, nhất là liên kết tạo việc làm cho lao động nông thôn, tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Đồng thời, ngay lúc này cần sự vào cuộc kiên quyết của lực lượng công an và các ngành có liên quan trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm này, để nhằm bảo đảm cuộc sống, lợi ích của chính người dân.

Nguyễn Văn Thuận
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận phát biểu từ điểm cầu Ninh Thuận.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cũng nhấn mạnh ảnh hưởng vô cùng to lớn của dịch bệnh Covid-19, nhất là tình trạng lợi dụng dịch bệnh để phạm tội. Tình trạng mất việc làm, thất nghiệp gia tăng sẽ kéo theo nhiều vấn đề xã hội, trong đó có các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi xâm phạm tài sản, xâm phạm sở hữu sẽ có khả năng tăng cao và phát sinh nhiều hành vi, thủ đoạn phạm tội mới.

Báo cáo của Chính phủ đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết vấn đề này, như bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch…, song đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn đến công tác dự báo tình hình tội phạm và có giải pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn nữa để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý các vấn đề này trong thời gian tới, nhất là công tác phòng ngừa; đặc biệt là cơ chế phối hợp và quản lý công dân giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Chí Cường cũng đề cập đền tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông diễn ra rất phức tạp. Hoạt động tấn công mạng nhằm vào các cơ quan nhà nước có dấu hiệu gia tăng, mức độ nghiêm trọng.

Tình trạng mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, sử dụng phần mềm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tín dụng trên internet, giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục gia tăng.

Hoạt động tổ chức đánh bạc trên không gian mạng phức tạp cả về quy mô và sự đa dạng. Đặc biệt, hành vi đưa tin sai sự thật không được kiểm chứng trên không gian mạng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đại biểu, bên cạnh tính chất phức tạp, tinh vi của các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này thì việc xử lý chưa kiên quyết, chưa nghiêm và chưa kịp thời của các cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân dẫn đến loại tội phạm ngày càng tăng cao.

“Tôi đề nghị Chính phủ cần có giải pháp chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa về việc quy định các chế tài và các biện pháp để các ngành chức năng vào cuộc xử lý nghiêm các vi phạm nêu trên” - đại biểu Trần Chí Cường nói.

Hầu hết các tội phạm giảm trong đại dịch

Phát biểu tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, nhất là từ khi bắt đầu bùng phát đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, đất nước ta phải đối diện với áp lực lớn về mọi mặt, cả nước chuyển sang trạng thái mới.

Chúng ta triển khai thực hiện nhiều biện pháp với những sáng tạo chưa từng có tiền lệ, đảm bảo đúng, trúng, kiểm soát bệnh dịch hiệu quả, quyết tâm để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vì thế cũng chuyển sang một trạng thái mới, thích ứng với những hoạt động giãn cách xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Mặc dù so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, hầu hết các loại tội phạm đều giảm, song chưa bền vững. Nguyên nhân chủ yếu là do việc thực hiện giãn cách xã hội đã làm hạn chế điều kiện hoạt động của tội phạm.

Tuy nhiên, một số loại tội phạm lại có xu hướng gia tăng như chống người thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tung tin giả, kinh doanh đa cấp qua mạng Internet, các hành vi lợi dụng các chính sách phòng, chống dịch để trục lợi.

“Những tội phạm gia tăng này chúng tôi sơ bộ đánh giá cũng có tác động rất nhiều do những nguyên nhân ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19 và chúng ta phải triển khai các biện pháp” - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói.

Bám sát sự chỉ đạo của trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chủ động linh hoạt sáng tạo, chuyển trạng thái nhanh chóng, hiệu quả trên mọi mặt công tác, đáp ứng yêu cầu vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa đảm bảo an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra.

Bộ Công an đã cùng với các bộ, ngành và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, không để bị động bất ngờ, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.

Trong thời gian tới, dự báo đại dịch Covid-19 sẽ là những thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự của đất nước. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động sẽ tiếp tục các hoạt động nhằm chống phá đất nước.

Hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng, với thủ đoạn đa dạng, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong thời gian tới là rất nặng nề, khó khăn và cấp bách.

"Chính phủ rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ, giám sát của Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật trong thời gian tới" - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị./.

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam