Thu hồi tài sản tham nhũng đạt thấp, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung luật

21:11 | 24/10/2021 Print
Tại phiên thảo luận trực tuyến ngày 24/10, nhiều đại biểu Quốc hội nêu đánh giá về công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng và đề xuất một số giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Chú trọng phòng, chống tham nhũng ở các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng

Phát biểu tại Quốc hội về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cho biết, theo số liệu báo cáo đã triển khai được 6.712 cuộc thanh tra hành chính và 188.047 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, các cơ quan chức năng phát hiện vi phạm về kinh tế trên 61.000 tỷ đồng và trên 7.000 hecta đất. Kết quả trên cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của ngành thanh tra năm qua và cũng cho thấy trong một năm việc sai phạm là rất lớn về kinh tế, đất đai.

Tuy nhiên, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra hình sự chưa tương xứng, cụ thể một năm mới chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự được 245 vụ, 182 đối tượng và đến nay khởi tố 14 vụ và 16 đối tượng.

Trên thực tế nhiều địa phương công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều nhưng chưa có trường hợp nào chuyển cơ quan điều tra hình sự và có rất nhiều lý do khác nhau.

Do vậy, đại biểu đề xuất Chính phủ chỉ đạo và rà soát để có quy định cụ thể hơn về các trường hợp trong quá trình thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm có dấu hiệu hình sự phải chuyển cơ quan điều tra xem xét.

Hoàng Quốc Khánh
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh phát biểu tại điểm cầu Lai Châu.

Vấn đề thứ hai đại biểu nêu là thời gian qua, cử tri và nhân dân rất tin tưởng và đồng tình ủng hộ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, việc làm tốt công tác phòng, chống ngay từ cơ quan, lực lượng chuyên trách trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết, tạo niềm tin tưởng đối với lực lượng này.

“Dư luận và nhân dân rất băn khoăn trên thực tế trong thời gian qua có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có biểu hiện nhũng nhiễu, rung dọa để chung chi tiền sai phạm, việc này rất khó phát hiện. Các đối tượng được thanh tra, kiểm tra không dám tố cáo vì sợ ảnh hưởng đến địa phương, đơn vị và sợ bị trù dập. Tôi đề nghị Chính phủ cần bổ sung trong báo cáo đánh giá kỹ hơn về các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng đối với cơ quan, lực lượng làm công tác phòng, chống tham nhũng” - đại biểu Quốc Khánh nói.

Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể về việc minh bạch một số hoạt động của một số cơ quan trong công tác phòng, chống tham nhũng, sai phạm. Đại biểu ví dụ như việc thực hiện nghiệp vụ điều tra cơ bản của lực lượng công an, hàng năm thực hiện rất nhiều cuộc, nhiều đơn vị xử lý kinh tế rất lớn, nhưng việc công khai kết quả xử lý còn rất hạn chế, vì các chương trình kế hoạch đều là tài liệu mật, nhân dân không giám sát được.

Ngoài ra, đại biểu cũng nhấn mạnh việc thực hiện tốt quy định về thanh toán không dùng tiền mặt để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng.

Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng kinh tế còn quá khiêm tốn

Liên quan đến công tác thi hành án, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) nêu ý kiến về kết quả thu hồi tài sản tham nhũng kinh tế còn quá khiêm tốn. Đại biểu trích dẫn báo cáo cho biết năm 2021 thu được trên 3.631 tỷ đồng, tăng 2,23% về tiền so với năm 2020. Tuy nhiên, so với tổng số tiền phải thi hành án trên là trên 72.000 tỷ đồng, tương ứng với 4.799 việc phải thi hành liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng kinh tế của năm 2021, thì con số trên chỉ bằng 5%.

Theo đại biểu, thực tế các cơ quan chức năng, các cơ quan tiến hành tố tụng có làm tốt đến bao nhiêu, các quy trình điều tra, truy tố, xét xử và bản án có nghiêm minh đến đâu nhưng việc thi hành không đạt hiệu quả, kết quả đạt được thấp, nhất là việc truy thu lại cho ngân sách nhà nước không đạt thì cũng chưa thực sự đạt được đầy đủ mục tiêu, hiệu quả hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và đáp ứng được yêu cầu kỳ vọng của nhân dân và cử tri đặt ra.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, đặc biệt là việc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thi hành các bản án kinh tế, tham nhũng về tài sản là đất công, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và quyền lợi của người thứ ba ngay tình.

Đại biểu đề xuất kê biên tài sản ngay từ sớm

Cũng nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, việc kê biên tài sản, bảo đảm thi hành án đang bộc lộ sự bất cập, khiến cho việc thu hồi tài sản của nhà nước do người phạm tội gây ra gặp rất nhiều khó khăn.

Đại biểu phân tích, Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về đối tượng kê biên và phạm vi áp dụng kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại.

Như vậy, việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng khi nào đối tượng bị khởi tố bị can hoặc bị đưa đi xét xử, còn trước đó, dù đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong thời gian khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can cũng đều được miễn trừ trách nhiệm.

Theo đại biểu, đây chính là kẽ hở của pháp luật, vô hình trung biến thành quãng thời gian vàng giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản phạm tội mà có.

Từ những vướng mắc trong thực tiễn, đại biểu đề nghị xem xét, hoàn thiện các quy định về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt thông qua thủ tục kết tội, có nghĩa việc kê biên tài sản bảo đảm thi hành án, không phải chờ đến khi khởi tố bị can, đến khi phiên tòa diễn ra, mà có thể vận dụng linh hoạt ở bất cứ giai đoạn nào, kể từ khi tiếp nhận tin báo tội phạm cho đến khi khởi tố vụ án, điều tra, truy tố và xét xử.

Không chỉ dừng lại ở các cơ quan tố tụng mà mở rộng phạm vi thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn đến các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội tham nhũng kinh tế./.

Đề xuất xây dựng luật đăng ký tài sản

Phát biểu tiếp thu, giải trình một số vấn đề tại phiên họp, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, những năm gần đây, công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát đã tốt hơn, có chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, phải theo đúng luật hiện hành. Làm thì khẩn trương, quyết tâm chính trị nhưng cũng phải chặt chẽ và chính xác, “không phải dễ gì cứ muốn thu là thu”.

Để hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị xây dựng luật đăng ký tài sản. "Hiện nay, chúng ta chỉ mới có kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, nhưng tài sản đối tượng ngoài xã hội đang đứng tên, chiếm, sở hữu có hợp pháp hay không, nguồn gốc thế nào, đang là một khoảng trống rất lớn ở ngoài xã hội. Nếu chưa có luật đăng ký tài sản, thì tài sản tham nhũng mà các đối tượng che dấu, nhờ người khác đứng tên sẽ không đụng vào được, cho dù không giải trình được nguồn gốc thì là tài sản bất minh, nhưng cũng thể không thu hồi được. Đây là một lỗ hổng rất khó khăn" - Viện trưởng Lê Minh Trí cho hay.

Bên cạnh đó, ông cũng có kiến nghị Chính phủ nên có một lộ trình cho việc hạn chế sử dụng tiền mặt. Các hoạt động kinh tế phải minh bạch thì chống tham nhũng, thu hồi tài sản mới tốt được. “Còn nếu chúng ta hiện nay quyết tâm chính trị nhưng vừa làm, vừa lo, không thu thì không được, nhưng thu không đúng luật người ta kiện” - ông Lê Minh Trí nói.

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam