Giá lợn hơi giảm mạnh tại các thị trường: Nguyên nhân vì sao?

14:00 | 25/10/2021 Print
(TBTCO) - Giá lợn hơi đều giảm mạnh tại các thị trường kể từ đầu năm, ảnh hưởng chung tới sản xuất chăn nuôi trên phạm vi thế giới.

Thịt lợn nhập khẩu không phải nguyên nhân chủ yếu khiến giá lợn hơi xuống thấp

Báo cáo về nguồn cung và cân đối cung cầu thịt lợn và tình hình dư cung tại các cường quốc chăn nuôi trên thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 9/2021, đàn lợn cả nước tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm 2020. Ước tính 9 tháng 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 3.060,9 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Giá lợn hơi đều giảm mạnh tại các thị trường kể từ đầu năm: Nguyên nhân vì sao?
Chăn nuôi lợn tại Việt Nam. Ảnh: TL

Theo Cục Chăn nuôi, do giá bán thấp, lượng tiêu thụ giảm người chăn nuôi phải nuôi giữ trong chuồng, đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng chưa xuất bán khoảng 30% (tương đương khoảng 1,5 triệu con).

Về thịt nhập khẩu, theo số liệu của Cục Thú y, 9 tháng đầu năm 2021 lượng nhập khẩu thịt đạt hơn 214,4 nghìn tấn, trong đó thịt lợn là 112,7 nghìn tấn, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt lợn trong nước (năm 2020 nhập 599 nghìn tấn, trong đó thịt lợn là 225,5 nghìn tấn, chiếm 6,4% tổng sản lượng thịt lợn trong nước).

Do tỷ trọng thịt lợn nhập khẩu chỉ chiếm rất nhỏ (3,6%) so với tổng sản lượng thịt lợn trong nước nên có thể khẳng định nhập khẩu không phải là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng giá lợn hơi xuống thấp thời gian qua.

Giá lợn hơi giảm mạnh tại các thị trường: Nguyên nhân vì sao?
Nguồn: Agrotrade tổng hợp từ giá trên trang Vietnambiz và Agromonitor

Từ biến động giá lợn hơi so sánh với các nước tại đồ thị, có thể thấy rằng giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu là thức ăn chăn nuôi) tăng cao và cung vượt cầu là nguyên nhân khách quan, khiến giá cả lợn hơi đều giảm mạnh tại các thị trường kể từ đầu năm, ảnh hưởng chung tới sản xuất chăn nuôi trên phạm vi thế giới. Người chăn nuôi tại các nước có ngành sản xuất chăn nuôi lớn như châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc... cũng đang phải đối mặt với khó khăn này.

Qua so sánh, có thể thấy giá lợn hơi của Thái Lan cũng có xu hướng giảm, nhưng mức độ ổn định cao hơn biến động giá trên thị trường Trung Quốc và Việt Nam.

Nguồn cung đang dư thừa và giá xuất khẩu giảm mạnh

Thông tin về tình hình dư cung tại các cường quốc chăn nuôi trên thế giới, Bộ NN&PTNT cũng cho biết thêm, theo Reuter, sản lượng lợn Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm tăng 38% so với năm ngoái đạt hơn 39 triệu tấn. Tính theo quý, sản lượng thịt lợn qúy III đạt hơn 12 triệu tấn, tăng 43% so với năm ngoái, mức cao nhất kể từ quý III năm 2018, thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, sản lượng trong quý III vẫn thấp hơn quý II 13,5 triệu tấn, trái với dự báo của các chuyên gia trước đó. Việc sản lượng thịt lợn tăng mạnh một phần do các công ty chăn nuôi lớn đẩy mạnh đầu tư hàng tỷ nhân dân tệ để mở rộng quy mô trong năm 2020 với tham vọng gia tăng thị phần sau dịch tả lợn châu Phi.

Giá lợn tại Trung Quốc hiện đã giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái được xem là nguyên nhân khiến nhiều hộ chăn nuôi bán tháo và nhân cơ hội này loại bỏ những con lợn nái kém năng suất.

Theo Rabobank trong quý II, nhiều nhà sản xuất nhỏ vẫn còn hy vọng giá sẽ phục hồi, nhưng đến quý III, khoản lỗ đã kéo dài đủ để họ dừng lại và không còn dòng tiền. Vào tháng 8/2021 một số nhà chăn nuôi đã lỗ khoảng 1.000 nhân dân tệ (khoảng 155 USD hay hơn 3 triệu VNĐ)/con lợn) khi giá thị trường giảm xuống còn 11 nhân dân tệ/kg lợn. Hiện tại giá lợn đã tăng thêm 2 nhân dân tệ/kg.

Theo Cục Thống kê của Trung Quốc, số lượng đàn lợn của nước này giảm từ 439,1 triệu con vào cuối tháng 6 xuống 437,6 triệu con vào thời điểm cuối tháng 9/2021 (giảm khoảng 2 triệu con trong vòng 3 tháng). Số lượng lợn được giết mổ trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 492 triệu con, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020.

Với thị trường EU, ngành thịt lợn của EU phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên nguồn cung đang dư thừa và giá xuất khẩu giảm mạnh. Dự báo sản lượng thịt lợn của EU năm 2021 tiếp tục tăng. Trong khi xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc và Anh đang giảm, thì xuất khẩu sang các thị trường châu Á tăng như Philippines và Việt Nam.

Với thị trường Mỹ, theo báo cáo mới nhất của USDA, tính đến ngày 1/9/2021, tổng đàn lợn của Mỹ là 75,4 triệu con, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng lợn con giống từ tháng 6 đến tháng 8/2021 đạt 33,9 triệu con, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2020. Số lợn nái sinh sản trong giai đoạn này là 3,05 triệu con, giảm 7%./.

Đánh giá cân đối cung cầu thực phẩm một số tỉnh/thành phố lớn cho thấy, khu vực phía Nam: TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ là 2 địa phương có nhu cầu thực phẩm cao. TP.Hồ Chí Minh nhu cầu hàng ngày khoảng 1.600 tấn thịt các loại (tự cung ứng được 10%) và 2,2-2,5 triệu quả trứng (tự cung ứng được khoảng 5%). Cần Thơ nhu cầu hàng ngày khoảng 130-135 tấn thịt các loại (tự cung ứng được khoảng 50%) và 265 nghìn quả trứng.

19 tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long mỗi ngày cung cấp 6.091 tấn thịt hơi (trong đó khoảng 4 nghìn tấn thịt lợn và 1.694 tấn thịt gà) và 19,2 triệu quả trứng gia cầm. Tổng cung hoàn toàn đáp ứng tổng cầu.

Khu vực phía Bắc, nhu cầu thực phẩm trong 1 tháng của Hà Nội, thịt lợn cần 6,2 ngàn tấn (tự cung ứng được 94%), thịt gia cầm cần 6,2 nghìn tấn (tự cung ứng đủ nhu cầu), thịt trâu bò cần 5,4 ngàn tấn (tự cung ứng được 19%), thực phẩm chế biến cần 5,2 ngàn tấn (tự cung ứng được khoảng 19%), trứng gia cầm cần 124 triệu quả (tự cung ứng được 94%).

Hiện nay 12 tỉnh phía Bắc đều cung cấp đủ cho Hà Nội số thực phẩm còn thiếu hàng tháng (67 ngàn tấn thịt lợn từ 9 tỉnh, 6,7 ngàn tấn thịt trâu bò từ 8 tỉnh, 142 triệu quả trứng từ 7 tỉnh).

Diệu Hoa

© Thời báo Tài chính Việt Nam