Cuộc chiến chống vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng gian nan

11:15 | 26/10/2021 Print
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra rất phổ biến, đến mức báo động, ảnh hưởng đến môi trường phát triển kinh tế và quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi đó, các biện pháp xử lý vi phạm chưa thực sự hiệu quả.

Cảnh báo “đỏ” xâm phạm sở hữu trí tuệ

Tại cuộc hội thảo nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường và xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra mới đây tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh đưa ra cảnh báo, trong thời gian gần đây do nền kinh tế tăng trưởng nhanh, hội nhập quốc tế sâu rộng, hàng hóa đa dạng nên tình trạng giả về nhãn hiệu, thương hiệu đáng báo động; giả về chất lượng, gian lận đo lường diễn ra phổ biến ở mặt hàng xăng dầu, phân bón.

Do vậy, để giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, của doanh nghiệp làm ăn chân chính, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ là nhiệm vụ chính, trọng tâm của toàn lực lượng QLTT trong những tháng cuối năm 2021 và những năm tiếp theo.

Giải pháp hiệu quả để ngăn chặn xâm phạm sở hữu trí tuệ
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa, ngăn chặn xâm phạm sở hữu trí tuệ. Ảnh: CTV QLTT

Tuy nhiên ông Trần Hữu Linh cũng cho hay, trong quá trình thực thi các nhiệm vụ, không chỉ QLTT mà các lực lượng khác gặp không ít khó khăn. Bởi, mặt trận chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất rộng, biểu hiện ở nhiều góc độ, khía cạnh, ở nhiều chủng loại mặt hàng và hành vi vi phạm ngày càng tinh vi. Hơn nữa, số vụ việc được phát hiện nhiều nhưng chưa có chế tài đủ sức răn đe, 95% vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xử lý bằng biện pháp hành chính.

Đề cập đến thực trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, tại hội thảo, Phó Chánh thanh tra phụ trách Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Như Quỳnh cũng nhìn nhận, dù lực lượng chức năng cả nước đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra rất nhiều, ở mức “cảnh báo đỏ”. “ Thống kê riêng trong năm 2020, các lực lượng chức năng của các bộ, ngành đã xử phạt 1.300 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tổng số tiền xử phạt trên 25 tỷ đồng”- bà Nguyễn Như Quỳnh nói.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại thành phố “đầu tàu” kinh tế của cả nước diễn biến phức tạp và gia tăng, mặc dù lực lượng QLTT đã quyết liệt vào cuộc. Chỉ tính từ năm 2018 đến hết tháng 6/2021, lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra hơn 3.600 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực sở hữu công nghiệp; số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 37 tỷ đồng…”- ông Nguyễn Tiến Đạt cho hay.

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phức tạp

Bà Nguyễn Như Quỳnh nhận định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua nền tảng số sẽ trở thành hình thức phổ biến trong giai đoạn tới. Không chỉ vậy, các vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ chuyển biến nhanh so với trước đây, với những thủ đoạn tinh vi, khó lường và rất phức tạp.

Đáng lo ngại là các hành vi vi phạm diễn ra phổ biến như: buôn bán hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng, nhiều vụ việc diễn ra theo hình thức xuyên biên giới; những vi phạm cạnh tranh không lành mạnh, nhái nhãn hiệu; vi phạm liên quan đến tên miền, quốc gia; vi phạm về tên thương mại, tên doanh nghiệp; xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích và lần đầu tiên có vụ xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh… Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra rất nhiều ở các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch như khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay y tế…

PGS.TS Tạ Văn Lợi - Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân dẫn chứng, Nhật, Trung Quốc rất quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Việt Nam có nền kinh tế đã mở cửa 200%, vậy làm thế nào để thực hiện các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia nhưng không cản trở sự phát triển của nền kinh tế, mà vẫn phát huy được tài sản sở hữu trí tuệ là một bài toán khó cho cả Chính phủ và các cơ quan thực thi.

Đề cập đến giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ sở hữu trí tuệ, ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách – Pháp chế, Tổng cục QLTT cho hay, tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát nếu cơ quan chức năng không nhanh chóng có những biện pháp xử lý cấp bách, hữu hiệu. Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng năng lực thực thi xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các cơ quan, lực lượng nói chung, trong đó có lực lượng QLTT là chưa đạt được như kỳ vọng của Chính phủ, của người dân.

“Để ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm sở hữu trí tuệ, trước hết cần hoàn thiện khung pháp lý, khuôn khổ pháp luật, đặc biệt là các biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, cần trang bị phương tiện, cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt, phải ứng dụng công nghệ vào quá trình kiểm tra, kiểm soát, nhận diện các hành vi vi phạm để xử lý triệt để, tận gốc các vấn đề" - ông Kiều Dương nói.

Đồng thuận quan điểm này, lãnh đạo Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đề xuất, cơ quan nhà nước cần rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác chống hàng giả, phối hợp với các tổ chức, thương hiệu toàn cầu trong hợp tác chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ./.

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam