Dòng tiền vẫn tiếp tục "chảy" vào thị trường chứng khoán

08:18 | 26/10/2021 Print
(TBTCO) - Dù vẫn đối diện với nhiều thách thức, rủi ro điều chỉnh, tuy nhiên, thị trường chứng khoán những tháng cuối năm vẫn được đánh giá khá tích cực. Thị trường sẽ vẫn nhận được sự hỗ trợ từ sức phục hồi của kinh tế và chính sách duy trì lãi suất thấp.

Thị trường chứng khoán tăng trưởng ở nhiều mảng trong 9 tháng

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, dù có biến động điều chỉnh trong quý III, nhưng thị trường chứng khoán vẫn duy trì tốc độ phát triển. Tính đến ngày 30/9/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.342,06 điểm, tăng 0,8% so với cuối tháng trước và tăng 21,6% so với cuối năm 2020. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 357,33 điểm, tăng 4,2% so với cuối tháng trước và tăng 75,9% so với cuối năm 2020.

Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.861 nghìn tỷ đồng, tăng 29,6% so với cuối năm 2020, tương đương 109% GDP.

Về quy mô giao dịch, tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 24.106 tỷ đồng/phiên, tăng 225% so với bình quân năm trước.

Về hoạt động niêm yết và đăng ký giao dịch, đến cuối tháng 9/2021, thị trường có 751 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán và 904 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 1.662 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cuối năm 2020.

Dòng tiền vẫn tiếp tục
Dù còn nhiều thách thức, song thị trường chứng khoán vẫn thu hút dòng tiền cuối năm.

Trên thị trường trái phiếu chính phủ, đến cuối tháng 9/2021, thị trường có 432 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.464 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2020 (tương đương 23,3% GDP). Từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 11.168 tỷ đồng/phiên, tăng 7,5% so với bình quân năm 2020.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đạt 205.408 hợp đồng/phiên, tăng 31% so với bình quân năm trước. Tính đến ngày 30/9/2021, khối lượng mở (OI) toàn thị trường đạt 40.331 hợp đồng, tăng 33% so với tháng trước và tương đương so với cuối năm 2020.

Chính thức được đưa vào giao dịch vào ngày 28/6/2021, tổng khối lượng giao dịch sản phẩm hợp đồng tương lai trên trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đến nay là 922 hợp đồng.

Đối với sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, tính từ đầu năm đến hết tháng 9, khối lượng giao dịch bình quân đạt 18,75 triệu chứng quyền/phiên, tăng 59% so với bình quân năm trước và giá trị giao dịch bình quân đạt 79,5 tỷ đồng/phiên, tăng 268% so với bình quân năm trước.

Số lượng tài khoản của nhà đầu tư đến cuối tháng 9/2021 đạt 3,73 triệu tài khoản, tăng 34,7% so với cuối năm 2020.

Dòng tiền vẫn được hỗ trợ

Theo cơ quan quản lý, dù được nhận định khá tích cực, tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với những thách thức, rủi ro điều chỉnh.

Theo đó, ngân hàng trung ương các nước đang đưa ra tín hiệu về áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm đối phó với rủi ro lạm phát. Các chính sách này nếu được thực thi sớm trên thế giới và nếu áp lực lạm phát trong nước tăng sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường chứng khoán điều chỉnh giảm.

Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 tại một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường.

Cũng do tác động từ đại dịch, doanh nghiệp khó có thể đạt được mức tăng trưởng như năm 2020 hoặc 6 tháng đầu năm 2021. Mặt khác, việc gia tăng của giá các nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới cũng như chi phí vận tải gia tăng trong bối cảnh giãn cách cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, khi dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế có dấu hiệu phục hồi, dòng tiền sẽ dịch chuyển nhiều hơn vào sản xuất – kinh doanh, qua đó ảnh hưởng đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán.

Mặc dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia, nhiều khả năng thị trường chứng khoán sẽ vẫn giữ được xu hướng tăng trưởng, nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ.

Theo đó, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ, nhằm tái phục hồi lại hoạt động sản xuất kinh doanh cùng quyết tâm thúc đẩy đầu tư công sẽ góp phần tạo yếu tố nền tảng cho thị trường dịp cuối năm.

Đồng thời, mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp, tỷ lệ tiết kiệm cao do hạn chế trong chi tiêu, du lịch, khám chữa bệnh và du học, và dòng tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh còn hạn chế do Covid-19.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho thấy, lãi suất sẽ tiếp tục được duy trì ổn định trong các tháng cuối năm, do vậy, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào thị trường chứng khoán/.

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam