Khơi thông gói tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng khi điều kiện vay nới lỏng

07:45 | 28/10/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Dự kiến một số điều kiện vay vốn với gói tín dụng tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng hỗ trợ trả lương do ảnh hưởng Covid-19 sẽ được nới lỏng hơn. Theo đó, nhiều đối tượng có thể sẽ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi này.

Giảm bớt hồ sơ thủ tục vay

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (Quyết định 23) đang được đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi. Trong đó, dự kiến quyết định sửa đổi sẽ tiếp tục đơn giản hóa quy trình thủ tục hồ sơ hơn nữa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng chính sách. Riêng với lĩnh vực ngân hàng, việc tiếp cận của người dân đối với gói tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn trước.

Khơi thông gói tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng khi điều kiện vay nới lỏng

Nguồn vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho người sử dụng lao động vay theo quy định tại quyết định này là nguồn vay tái cấp vốn.

Một trong những quy định được cơ quan soạn thảo đưa vào dự thảo để đề xuất Chính phủ ban hành là bỏ điều kiện về hồ sơ đối với thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với chính sách vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Hồi tháng 7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 23 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, phần liên quan đến chính sách tín dụng ưu đãi, Quyết định 23 cho phép một số đối tượng được vay vốn với mức lãi suất 0% từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đó là người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc, người sử dụng lao động được vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Nguồn vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho người sử dụng lao động vay theo quy định tại quyết định này là nguồn vay tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng, không có tài sản bảo đảm. Thời hạn giải ngân tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến hết ngày 31/3/2022 hoặc khi giải ngân hết nguồn tái cấp vốn tùy theo điều kiện nào đến trước.

Trong những trường hợp cụ thể, nguồn vốn đã hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua những giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Một trong những doanh nghiệp được tiếp cận vốn, ông Nguyễn Ngọc Quân - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn IBB (tỉnh Hòa Bình) cho biết, nếu như không ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty có khoảng 40 lao động làm việc thường xuyên, với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng. Trong giai đoạn dịch bệnh, người lao động buộc phải ngừng việc, sản xuất bị đình trệ và dù tạm dừng hoạt động nhưng công ty vẫn phải trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nên thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, công ty vay được số tiền trên 116 triệu đồng để trả lương cho 34 lượt lao động, mặc dù nguồn vốn này tuy không lớn nhưng cũng tháo gỡ nhiều khó khăn cho công ty trong lúc khó khăn.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9/2021, Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân tái cấp vốn 462 tỷ đồng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP (Nghị quyết 68) và Quyết định 23 số tiền là 461 tỷ đồng cho 918 khách hàng vay vốn để trả lương 130.741 lượt người lao động. Như vậy, số tiền giải ngân đến cuối tháng 9 mới chỉ đạt khoảng 5,54% trên tổng số tiền 7.500 tỷ đồng của gói tái cấp vốn.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc nới lỏng các điều kiện cho vay sẽ tạo động tích cực, theo đó có thể tăng nhanh cho vay lĩnh vực này.

Sửa Nghị quyết 68, tạo cơ sở sửa Quyết định 23

Quyết định 23 của Thủ tướng là văn bản cụ thể các nội dung tại Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo đó, Quyết định 23 sửa đổi sẽ sớm được hoàn thiện và ban hành do Nghị quyết 68 hiện đã được sửa đổi vào thay thế bằng Nghị quyết 126/NQ-CP (Nghị quyết 126) của Chính phủ.

Theo Nghị quyết 126, người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp đảm bảo tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên. Thời gian ngừng việc giai đoạn từ 1/5/2021 đến 31/3/2022. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Trở lại quy định tại Nghị quyết 68, văn bản mới đã lược bớt điều kiện người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Tương tự, quy định đối với cho vay trả lương phục hồi sản xuất quy định tại Nghị quyết 126 cũng đã lược bớt các điều kiện về không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng. Theo đó, người sử dụng lao động cũng được vay mức vay tối đa bằng lương tối thiểu vùng đối với số lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng.

Theo lý giải của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc lược bớt này cũng là phù hợp vì trường hợp người vay vốn có nợ xấu, nhưng nợ xấu xuất phát từ khó khăn do dịch bệnh thì nguồn gốc cũng vẫn là hệ quả ảnh hưởng từ Covid-19 nên họ vẫn là đối tượng cần được hỗ trợ.

Quy định tại Thông tư 10/TT-NHNN hướng dẫn giải ngân gói tái cấp vốn

Giá trị gói tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng. Lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm, lãi suất tái cấp vốn quá hạn là 0%/năm.

Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày Ngân hàng Nhà nước giải ngân tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội. Thời hạn này được áp dụng đối với từng lần giải ngân.

Thời hạn giải ngân tái cấp vốn từ ngày ký khế ước nhận nợ đầu tiên đến hết ngày 31/3/2022 hoặc đến khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng tùy theo điều kiện nào đến trước.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam