Kinh tế ASEAN-5 tiếp tục đón nhận những tín hiệu tích cực

11:27 | 27/10/2021 Print
Kinh tế các nước ASEAN-5 ghi nhận những tín liệu lạc quan trong 10 tháng năm 2021 mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Đây là kết quả của việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin và hiệu quả trong điều hành chính sách của các Chính phủ.

Tại Indonesia: Tăng trưởng kinh tế tăng từ -0,71% trong quý 1/2021 lên 7,07% trong quý 2/2021, chủ yếu do chi tiêu của Chính phủ, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư cố định đều tăng. Chỉ số PMI sản xuất tăng từ 43,7 điểm trong tháng 8 lên 52,2 điểm trong tháng 9/2021. Đây là sự mở rộng trở lại sau 2 tháng sụt giảm liên tiếp, chủ yếu do sản lượng và đơn đặt hàng mới đều tăng. Chỉ số niềm tin kinh doanh tăng từ 4,5 điểm trong quý 1 lên 18,98 điểm trong quý 2/2021, nhưng sụt giảm xuống 7,58 điểm trong quý 3. Ngược lại, tâm lý lạc quan của người tiêu dùng đã được cải thiện khi chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng từ 84,9 điểm trong tháng 1 lên 95,5 điểm trong tháng 9/2021.

Theo Ngân hàng phát triển châu Á – ADB (tháng 9/2021), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia sẽ đạt mức 3,5% trong năm 2021 và tăng lên mức 4,8% trong năm 2022. Trong khi đó World Bank (tháng 9/2021) đưa ra dự báo tích cực hơn khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong năm 2021 ở mức 3,7% và 5,2% trong năm 2022.

Kinh tế ASEAN-5 tiếp tục đón nhận những tín hiệu tích cực
Kinh tế các nước ASEAN-5 ghi nhận tín liệu lạc quan trong 10 tháng năm 2021. Ảnh: TL

Lạm phát tăng từ 1,55% trong tháng 1 lên 1,6% trong tháng 9/2021, đây là mức cao nhất kể từ tháng 5/2021, chủ yếu do giá thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, nhà ở tăng nhanh hơn.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại của Indonesia thặng dư 18,74 tỷ USD, tăng 74,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 141,67 tỷ USD, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm 2020 và nhập khẩu đạt 122,93 tỷ USD, tăng 33,4% so với 8 tháng đầu năm 2020.

Tại Malaysia: Tăng trưởng kinh tế tăng từ -0,5% trong quý 1/2021 lên 16,1% trong quý 2/2021, chủ yếu do đầu tư cố định và chi tiêu hộ gia đình tăng mạnh. Chỉ số PMI sản xuất tăng từ 43,4 điểm trong tháng 08/2021 lên 48,1 điểm trong tháng 9/2021, do sản lượng và đơn đặt hàng mới tăng. Chỉ số niềm tin tiêu dùng chưa cải thiện nhiều khi giảm từ 98,9 điểm trong quý 1 xuống 64,3 điểm trong quý 2/2021.

Theo ADB (tháng 9/2021), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Malaysia sẽ đạt mức 4,7% trong năm 2021 và tăng lên mức 6,1% trong năm 2022. Trong khi đó, World Bank (tháng 9/2021) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này chỉ đạt mức 3,3% trong năm 2021 và 5,8% trong năm 2022.

Chỉ số lạm phát giảm từ mức 2,2% trong tháng 7 xuống 2% trong tháng 8/2021, chủ yếu do giá nhà ở, thực phẩm và giao thông chậm lại, trong khi đó giá đồ đạc và thiết bị gia dụng, giáo dục ổn định.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại của Malaysia thặng dư 150,22 tỷ MYR, tăng 48,3% so với 8 tháng đầu năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 778,5 tỷ MYR, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2020 và nhập khẩu đạt 628,3 tỷ MYR, tăng 21,4% so với 8 tháng đầu năm 2020.

Tại Philippines: Tăng trưởng kinh tế tăng từ -3,9% trong quý 1/2021 lên 11,8% trong quý 2/2021, chủ yếu do chi tiêu của tư nhân và đầu tư cố cố định phục hồi mạnh mẽ. Chỉ số PMI sản xuất tăng từ 46,4 điểm trong tháng 8 lên 50,9 điểm trong tháng 9/2021. Đây là mức cao nhất trong 6 tháng qua, chủ yếu do sản lượng và đơn đặt hàng mới tăng. Chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng từ -34,7 điểm trong quý 1 lên -19,3 điểm trong quý 3/2021.

Theo ADB (tháng 9/2021), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Philippines sẽ đạt mức 4,5% trong năm 2021 và tăng lên mức 5,5% trong năm 2022. Trong khi đó World Bank (tháng 9/2021) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2021 ở mức 4,3%, nhưng tăng lên 5,8% trong năm 2022.

Tỷ lệ lạm phát tăng từ 4,2% trong tháng 01 lên 4,8% trong tháng 9/2021, chủ yếu do lạm phát của nhóm thực phẩm, đồ uống không cồn, đồ uống có cồn, thuốc lá, nhà ở tăng.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại của Philippines thâm hụt 25,25 tỷ USD, tăng 57,7% so với 8 tháng đầu năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 48,93 USD, tăng 19,6% so với 8 tháng đầu năm 2020 và nhập khẩu đạt 74,18 tỷ USD, tăng 31,1% so với 8 tháng đầu năm 2020.

Tại Thái Lan:Tăng trưởng kinh tế tăng từ -2,6% trong quý 1/2021 lên 7,5% trong quý 2/2021, chủ yếu do tiêu dùng tư nhân, đầu tư cố định và chi tiêu của Chính phủ tăng. Chỉ số PMI sản xuất tăng từ 48,3 điểm trong tháng 08 lên 48,9 điểm trong tháng 09/2021. Đây là mức cao nhất trong 3 tháng qua do sản lượng và đơn đặt hàng mới tăng. Chỉ số niềm tin kinh doanh tăng từ 40 điểm trong tháng 08 lên 42,6 điểm trong tháng 09/2021.

Theo ADB (tháng 9/2021), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan sẽ đạt mức 0,8% trong năm 2021 và tăng lên mức 3,9% trong năm 2022. Theo Worldbank (tháng 9/2021), tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2021 sẽ đạt mức 1,0%, và 3,6% trong năm 2022.

Lạm phát tăng từ -0,34% trong tháng 01 lên 1,68% trong tháng 9/2021. Đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ tháng 5, do các biện pháp trợ cấp của Chính phủ chấm dứt.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại thặng dư 1,42 tỷ USD, giảm 92,6% so với 8 tháng đầu năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 176,97 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020 và nhập khẩu đạt 175,55 tỷ USD, tăng 30,7% so với 8 tháng đầu năm 2020./.

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam