Tìm hướng đẩy nhanh hỗ trợ đào tạo nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

16:00 | 27/10/2021 Print
(TBTCO) - Nghị quyết 68/NQ-CP quyết định dành tới 4.500 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để thực hiện tái đào tạo nghề cho lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn chậm, nhiều doanh nghiệp chưa hào hứng tham gia. Cần giải pháp gì để thúc đẩy triển khai đề án?
Tìm hướng đẩy nhanh hỗ trợ đào tạo nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Hiện nay tiến độ làm hồ sơ thực hiện gói hỗ trợ đào tạo tại doanh nghiệp đang còn quá chậm. Ảnh minh họa

Cả nước mới có 1 địa phương phê duyệt, triển khai

Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - GDNN) cho biết, sau 3 tháng triển khai, Tổng cục GDNN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã ban hành toàn bộ yêu cầu, hướng dẫn, cẩm nang, hướng dẫn thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo Nghị quyết 68.

Tổng hợp của Tổng cục GDNN cho thấy tới ngày 20/10, có trên 20 tỉnh, thành phố đã xác nhận danh sách các đơn vị đóng đủ BHXH để hưởng hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay mới có 1 số địa phương quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho người sử dụng lao động để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ).

Cụ thể là tỉnh Thái Bình đã phê duyệt kế hoạch đào tạo cho hơn 600 lao động. Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình đang phê duyệt kế hoạch đào tạo cho hơn 800 lao động. Các địa phương khác đang hoàn thiện hồ sơ bổ sung phương án đào tạo cho hơn 2.000 lao động nữa.

Bên cạnh đó, Tổng cục GDNN cũng tổ chức nhiều tọa đàm, hội nghị trực tuyến với các sở, cơ sở GDNN, doanh nghiệp... để triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ.

Tổng cục cũng tổ chức nhiều buổi làm việc với các địa phương, cụm địa phương và một số tổng công ty, doanh nghiệp, tổ chức như: Tổng công ty May 10, VCCI, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các hội, hiệp hội... để phối hợp triển khai, nắm tình hình triển khai và phối hợp triển khai thực hiện chính sách.

100% các địa phương đã báo cáo triển khai hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp về chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ. Nhiều địa phương đã thành lập các tổ công tác đi rà soát, nắm nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp và trực tiếp tuyên truyền, phổ biến chính sách đến các doanh nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp.

Tháo gỡ khó khăn

Hiện nay, Tổng cục GDNN ghi nhận một số vướng mắc khó khăn ở các địa phương, trong xác nhận hồ sơ, ví dụ như: TP. Hồ Chí Minh doanh nghiệp đóng BHXH ở 1 nơi, nhưng đào tạo ở 1 nơi.

Khó khăn thứ 2 là xác nhận đóng BHXH của doanh nghiệp để hưởng hỗ trợ đào tạo nghề. BHXH khẳng định chỉ cần người sử dụng đóng đủ BHXH 12 tháng, còn lao động có thể đóng đủ hay không không quan trọng.

Một số địa phương cũng băn khoăn tới việc giảm doanh thu, hay thay đổi công nghệ. Hiện nay Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg cũng quy định rõ 4 hồ sơ mà doanh nghiệp phải nộp cho Sở LĐTBXH. Trong đó chỉ có 1 hồ sơ quy định thời gian nộp BHXH thuộc Sở LĐTBXH, còn 3 hồ sơ khác là: báo cáo giảm doanh thu; thay đổi hướng sản xuất; giảm lao động do doanh nghiệp làm gửi báo cáo.

Lý giải về những khó khăn trên, ông Đào Trọng Độ cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh và sản xuất, trả các đơn hàng tồn đọng nên chưa có điều kiện nộp hồ sơ tham gia đào tạo.

Mặt khác, nhiều địa phương khi xem xét hồ sơ còn cứng nhắc, yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thêm các hồ sơ, thủ tục ngoài quy định. Bên cạnh đó, chuyên gia, doanh nghiệp cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ quan khiến doanh nghiệp chưa hào hứng tham gia.

Ông Nguyễn Văn Cường - đại diện Tập đoàn Mường Thanh cho biết, sau 2 năm hứng chịu tác động dịch bệnh, các kỹ năng của NLĐ tại tập đoàn cũng bị hao mòn. Vì thế, hiện nay tập đoàn đã cho các trưởng bộ phận rà soát lại lao động, đánh giá thẩm định lại các kỹ năng của NLĐ, xem họ cần gì, đạt hay không đạt yêu cầu từ đó có phương án đào tạo lại.

Hiện tại, công ty đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị xin được hỗ trợ đào tạo nghề và được chấp thuận. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều băn khoăn.

"Chúng tôi rất mong muốn tham gia chương trình nhưng muốn biết rõ quy trình đào tạo cụ thể ra sao. Sự tham gia của doanh nghiệp ở mức độ nào. Thêm vào đó, cần có sự phân bổ ngân sách hợp lý vì hiện nay ngân sách hỗ trợ đào tạo được chuyển về hết các cơ sở đào tạo, DN tham gia đào tạo không biết lấy kinh phí đâu thực hiện?", ông Cường băn khoăn.

Bên cạnh ý kiến này, ông Dương Đức Lân - Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo nghề và Công tác xã hội cho rằng, vấn đề tổ chức đào tạo không khó, vì chúng ta có kinh nghiệm. "Tuy nhiên vấn đề tái đào tạo nghề chuyển động chậm. Chỉ có 20 doanh nghiệp ở 20 địa phương đăng ký được phê duyệt. Vậy lý do là gì? Tính hiệu quả, tính thiết thực liệu có hay không?", ông Lân đặt vấn đề.

Ông Lân cho rằng, giải ngân 4.500 tỷ đồng không khó, nhưng làm thế nào để việc giải ngân thiết thực thì rất khó. Muốn vậy, phải đào tạo hướng "cầu" - tức là đầu tư dựa trên nhu cầu của người học. Trong khi đó, hiện nay việc giảng dạy vẫn theo hướng ai trúng thì trúng không trúng thì thôi, kết thúc khóa giảng học sinh nhận chứng chỉ rồi về.

Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho rằng, việc xác định "cầu" giúp cho hoạt động đào tạo trúng đích. Vì thế ngoài việc xác định rõ đối tượng, cần xác định rõ "cầu". Bên cạnh đó, cũng cần xem xét xem các quy định có gì vướng mắc, trục trặc không để còn điều chỉnh. Thời gian tới, Tổng cục GDNN tiếp tục rà soát, hỗ trợ các địa phương, cơ sở đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo theo quy định của chính sách hỗ trợ; tiếp tục làm việc với các hội, hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty, cơ sở GDNN để hỗ trợ xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng lao động.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam