Đảm bảo cân đối nguồn cho Quỹ Bảo hiểm y tế

08:50 | 28/10/2021 Print
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc đảm bảo cân đối nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế là một vấn đề đặt ra trong thời gian tới. Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, trong đó có chính sách về tăng tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm y tế.
Ngân sách đã hỗ trợ gần 40 nghìn tỷ đồng tiền đóng bảo hiểm y tế Vẫn còn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội Nâng độ bao phủ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

Chiều 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2020; thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Cần chính sách gia tăng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) khẳng định, BHXH và bảo hiểm y tế là hai chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Việc bảo đảm an toàn và tăng trưởng bền vững quỹ thời gian qua được Chính phủ và nhất là ngành BHXH được quan tâm.

Theo ĐB, một trong những nguyên nhân khiến số người tham gia BHXH tự nguyện chưa được như mong muốn đó là quy định về chính sách chưa đủ hấp dẫn, trong đó có quy định về thời gian đóng còn tương đối dài (20 năm) trong khi chế độ được hưởng còn hạn chế. Đặc biệt còn thiếu sự linh hoạt, đa dạng về hình thức đóng với các loại hình bảo hiểm thương mại có tính chất tương tự trên thị trường.

Đảm bảo cân đối nguồn cho Quỹ Bảo hiểm y tế là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin đến QH. Ảnh: QH.
Đảm bảo cân đối nguồn cho Quỹ Bảo hiểm y tế là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin đến QH. Ảnh: QH.

Theo ĐB Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long), Chính phủ, Bộ Y tế cần có cơ chế tài chính đặc biệt để tập trung huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư thúc đẩy y tế cơ sở, y tế dự phòng phát triển theo hướng hiện đại về trang thiết bị, cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng được đào tạo, bồi dưỡng giỏi về chuyên môn, sáng về y đức. Do đó, ĐB cho rằng, cần có giải pháp và chính sách để gia tăng tỷ lệ BHXH tự nguyện bởi dư địa từ khu vực này còn rất lớn. Thời gian tới, cần xem xét lại, điều chỉnh rút ngắn thời gian và đa dạng hóa hình thức tham gia, trong đó có cách tính theo giá trị dòng tiền nhằm tăng sự hấp dẫn, thu hút người tham gia.

“Trong giai đoạn hiện nay, việc phát huy vai trò, chức năng của mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng trong phòng, chống dịch là mục tiêu cực kỳ quan trọng, là "phép thử" về năng lực, về khả năng đáp ứng toàn diệ của ngành Y tế và chính sự hài lòng của người dân. Sự an toàn của người dân là thước đo đánh giá hiệu quả, khả năng thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch Covid-19 của địa phương và cả nước”, nữ ĐB nói.

Theo ĐB Lò Thị Luyến (Điện Biên), dư địa phát triển BHXH còn rất lớn. Theo ĐB, bên cạnh kết quả đạt được trong thực hiện chính sách bảo hiểm tự nguyện vẫn còn có những tồn tại như kết quả đạt được còn cách xa so với tiềm năng, mức thu nhập bình quân để lựa chọn hướng đóng bảo hiểm giảm, nhận thức của người lao động trong việc tham gia BHXH còn hạn chế.

ĐB đề nghị Chính phủ cần đánh giá thêm nguyên nhân là phân tích kỹ hơn vì sao người lao động chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa và giá trị tham gia BHXH tự nguyện.

Phải mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế

Sau phần tham luận của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Về vấn đề về phát triển các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, trong thời gian qua, Bộ Y tế cùng với các bộ, ngành, cơ quan trung ương triển khai đồng bộ các giải pháp từ truyền thông về lợi ích của bảo hiểm y tế, mở rộng các dịch vụ của bảo hiểm y tế, vấn đề nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của bảo hiểm y tế cũng như các vấn đề mở rộng các điểm thu của bảo hiểm y tế.

Vì vậy, cho đến thời điểm năm 2020 đã đạt được 90,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế, vượt so với Nghị quyết 68/2013/QH13 của Quốc hội. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, có một số các vấn đề, cần phải hết sức quan tâm tới đây như: Làm thế nào để mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế, đặc biệt đảm bảo tính bền vững của bảo hiểm y tế là vấn đề hết sức quan trọng đặt ra cho hệ thống y tế cũng như là hệ thống BHXH.

Bộ trưởng thông tin thêm: “Trong năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt vấn đề người lao động mất việc làm, một số doanh nghiệp bị đóng cửa, cho nên việc tham gia bảo hiểm y tế đã giảm xuống, hiện nay giảm 2,6 triệu so với năm 2020”.

Đối với vấn đề về thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bộ trưởng cho biết, về cơ bản hiện nay, các cơ quan BHXH cũng như y tế đã thực hiện việc tạm ứng thanh quyết toán về chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, thời gian qua đã nảy sinh một số vấn đề về chậm thanh toán…. Vì vậy, Bộ Y tế phối hợp với BHXH, trong năm 2021 không giao dự toán tổng, gọi là trần thanh toán, cho các cơ sở y tế nữa mà trên cơ sở thực thanh, thực chi. Tới đây, Bộ Y tế tiếp tục sẽ đổi mới phương thức về việc thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, đó là thanh toán theo định suất và thanh toán theo ca bệnh tương đương.

Về vấn đề về thu, chi và Quỹ Bảo hiểm y tế, trong thời gian qua có những bất cập do mức đóng bảo hiểm y tế còn ở mức độ rất giới hạn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay ngân sách nhà nước chiếm tới 59% các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, nhưng số kinh phí từ số này chỉ khoảng 37%. Mức đóng hiện nay không thay đổi qua nhiều năm nhưng dịch vụ y tế và đặc biệt dịch vụ y tế kỹ thuật cao, Bộ đã đưa vào trong thanh toán.

Vì vậy, việc đảm bảo cân đối nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế là một vấn đề đặt ra trong thời gian tới đây. Về vấn đề này, tới đây Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật về bảo hiểm y tế, trong đó có những vấn đề liên quan đến chính sách về tăng tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm y tế./.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam