Khắc phục việc nể nang, hình thức trong đánh giá thi đua, khen thưởng

16:38 | 28/10/2021 Print
Đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành quy định xét thi đua tính theo tỷ lệ mà không có sự phân cấp, phân ngành rõ ràng trong đăng ký tham gia và bình xét, nên việc tổ chức đánh giá, bình xét còn nể nang.

Mở rộng đối tượng được khen thưởng

Sáng 28/10, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành.

Các đại biểu đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã bổ sung đối tượng là tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp; doanh nhân, trí thức, nhà khoa học; cá nhân, tập thể người nước ngoài; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài… phù hợp với thực tiễn ngày càng đa dạng trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Việc mở rộng lần này sẽ huy động rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào phong trào thi đua, yêu nước.

Đề nghị quan tâm khắc phục những bất cập của luật hiện hành, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) nêu vấn đề về thủ tục bình xét công tác thi đua, khen thưởng định kỳ và đột xuất, Luật hiện hành quy định xét thi đua tính theo tỷ lệ mà không có sự phân cấp, phân ngành rõ ràng trong tổ chức đăng ký tham gia và bình xét thi đua, khen thưởng, nên việc tổ chức đánh giá, bình xét còn nể nang; còn phân định cấp trên với cấp dưới, dẫn đến hiệu quả tích cực trong phát động phong trào thi đua đôi lúc vẫn mang tính hình thức.

thi đua, khen thưởng
Đại biểu Đào Chí Nghĩa phát biểu từ điểm cầu Cần Thơ.

Đối với quy định cần có thời gian liên tục trong công tác bình xét thi đua, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị, cơ quan soạn thảo cần xem xét thay thế bằng quy định có đủ số năm đạt thành tích trong khoảng thời gian xét khen thưởng phù hợp, tránh việc nể nang nhường thành tích, kết quả cho nhau để bảo đảm có thời gian liên tục.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi lần này cần quan tâm khắc phục tối đa sự rườm rà trong thủ tục xét khen thưởng, nhất là đối với trường hợp xét khen thưởng đột xuất cần quy định trách nhiệm thực hiện thủ tục chủ yếu do cơ quan, đơn vị phụ trách công tác thi đua, khen thưởng hoặc tổ chức phát hiện các nhân tố tích cực cần khen thưởng, nhằm bảo đảm ý nghĩa thật sự trong công tác khen thưởng đột xuất, kịp thời biểu dương, lan tỏa phong trào, tránh gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức và cá nhân được đề nghị.

Hạn chế tình trạng cộng dồn thành tích, nuôi khen thưởng

Liên quan đến nội dung về nguyên tắc khen thưởng trong dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) cho biết, so với Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, dự thảo luật đã bổ sung thêm nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó nhằm đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo thành tích đạt được, khắc phục tình trạng khen thưởng cộng dồn thành tích, nuôi khen thưởng như trước đây.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Quàng Thị Nguyệt cho rằng còn một số nội dung quy định về tiêu chuẩn khen thưởng khi phân tích kĩ vẫn phải cộng dồn thành tích liên tục qua các năm. Cụ thể, một trong các tiêu chuẩn được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất là đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và 5 năm tiếp theo trở nên liên tục được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong thời gian đó có 3 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có hai lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành. Như vậy, để hai lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành tỉnh mất ít nhất 6 năm.

Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát các quy định về tiêu chuẩn khen thưởng để hạn chế tối đa tình trạng cộng dồn thành tích, nuôi khen thưởng để công tác khen thưởng đi vào thực chất, tạo động lực động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đánh giá cao nội dung cải cách thủ tục hành chính trong công tác khen thưởng được quy định trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát cải tiến hồ sơ thủ tục; mở rộng thêm các trường hợp được xét khen thưởng theo thủ tục đơn giản.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo luật về hành vi nghiêm cấm đối với những người thực hiện trình tự, thủ tục thi đua, khen thưởng có những hành vi cản trở, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong thi đua, khen thưởng./.

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam