Cần chuẩn hóa kỹ năng nghề cho người bán hàng online

15:13 | 31/10/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Cách mạng công nghiệp 4.0 đến khiến cho một số ngành nghề cũ mất đi, một số ngành nghề mới ra đời. Nghề bán hàng online là ngành nghề mới ra đời trong số đó. Hiện nay việc bán hàng online được nhìn nhận mang lại thu nhập tốt, là nghề “hot”. Nhưng thực tế đây là công việc chưa được công nhận nghề, lao động chưa được đào tạo chính quy.

Bán hàng online thu cả chục triệu đồng/tháng

Trong hình dung của nhiều người, bán hàng online là nghề thu tiền lẻ, trình độ hạn chế... Tuy nhiên thực tế lại khác, người bán hàng online là những người làm chủ công nghệ số, quản trị hàng hoá, quản trị marketing... Họ có thể kiếm được từ vài chục triệu cho tới vài trăm triệu/tháng.

Cần chuẩn hóa kỹ năng nghề cho người bán hàng online

Hiện nay việc bán hàng online được nhìn nhận là nghề “hot” và mang lại thu nhập tốt.

Chị Nguyễn Thùy Anh (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, chị hiện là nhân viên văn phòng, thu nhập mỗi tháng được hơn 7 triệu đồng. Vài năm gần đây, chị thử sức bằng cách tìm hiểu bán hàng hoa online. Kết quả chị "say" với nghề mới vì công việc hấp dẫn, mức thu nhập thì thật sự khiến chị bất ngờ.

"Mỗi ngày tôi chỉ mất từ 2 - 3 tiếng bán hàng online, nhưng thu nhập từ công việc này mang lại thực sự khiến tôi ngỡ ngàng, gấp 3 - 4 lần lương văn phòng của tôi. Riêng tháng cuối năm, việc kinh doanh thuận lợi tôi kiếm được 200 - 300 triệu đồng. Tôi dự định bỏ việc để ở nhà bán hàng online" - chị Thùy Anh nói.

Hiện giờ chị Anh đang tham gia một số lớp học bán hàng online. Chị dự định sẽ mở rộng hệ thống bán hoa theo mùa của chị.

Cũng từng là cử nhân kinh tế, làm việc tại công sở nhưng vì mức lương thấp không đủ nuôi sống bản thân gia đình nên chị Nguyễn Thu San (Hoàng Mai, Hà Nội) bỏ việc về nhà đi học làm nail (làm móng) mở salon làm đẹp. Sau thời gian ngắn chị trở thành bà chủ, đại lý cung cấp đồ thực phẩm. Không chỉ có chị, chồng chị cũng bỏ nghề kỹ sư về phụ giúp.

Khi được hỏi về mức thu nhập, chị San chỉ cười, nhưng theo thông tin của phóng viên, chị từng chia sẻ trước đó, thu nhập của chị hiện giờ giao động từ 40 - 50 triệu đồng/tháng.

Một điểm khá đặc biệt khiến cho lao động tham gia công việc bán hàng online liên tục gia tăng là bởi môi trường kinh doanh mở. Người bán hàng không phải đầu tư quá nhiều vốn, kinh phí... chỉ cần có kiến thức về công nghệ số, mạng xã hội, kiến thức về hàng hóa là có thể tham gia bán hàng.

Chị Thùy Anh và chị Thu San chỉ là hai trong số hàng nghìn người đang làm công việc bán hàng online. Nhiều người kinh doanh mặt hàng như mỹ phẩm, đồ điện tử... còn có mức thu nhập cao hơn. Đa phần họ đều là dân công sở, văn phòng, có trình độ học thức cao chứ không phải "trình độ thấp" như một số người vẫn nghĩ.

Nên được công nhận chính thức là một nghề

Ông Dương Đức Lân - Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và nghề Công tác xã hội Việt Nam khẳng định, bán hàng online là công việc “hot”. Công việc này tạo ra xu hướng mới về ngành nghề trong tương lai. Thời gian qua, khi dịch Covid-19 xuất hiện, công việc này đã tạo ra sinh kế, thu nhập cho hàng triệu người.

Ông Lân cho rằng, người bán hàng online cũng cần rất nhiều kiến thức, kỹ năng bán hàng... Họ vừa là những kênh tiêu thụ sản phẩm bán lẻ, vừa tham gia chuỗi cung ứng - vận chuyển hàng hóa. Dù chưa chính thức được đào tạo cấp bằng, nhưng thực tế rất nhiều người vẫn tham gia các lớp traning (khóa đào tạo ngắn hạn) trên mạng để nâng cao kỹ năng, kiến thức về công việc của mình.

"Hiện nay, công việc này chưa có trong danh mục nghề quốc gia, chưa được chính thức công nhận là một nghề, vì thế cũng không có trường lớp nào đạo tạo chính quy. Đây có thể là nguyên nhân khiến nhiều người còn chưa xem trọng, hoặc có cái nhìn người làm nghề này là thấp kém" - ông Lân nói.

Ông Lân cho biết, ông sẽ ghi nhận và có kiến nghị với đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất, bổ sung công việc bán hàng online vào danh mục nghề nghiệp quốc gia. Từ đó, nghiên cứu để các cơ sở GDNN giảng dạy, cấp bằng để chính thức công nhận công việc này là một nghề.

Xã hội càng phát triển thì những công việc mới này càng phát triển, vì vậy cần phải có nghiên cứu để kiến nghị đưa chính sách gần với thực tiễn để tiện bề quản lý, xây dựng, nâng cao kỹ năng cho lao động" - ông Lân nói thêm.

Ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN cho biết, theo quy định, với công việc lao động học sơ cấp thì không cần đăng ký bổ sung mã ngành nghề. Còn đối với các nghề cần đào tạo trung cấp, cao đẳng thì nghề đó phải có trong danh mục nghề.

“Theo cá nhân tôi, nghề bán hàng online có thể đào tạo sơ cấp từ 3 - 6 tháng, không cần bổ sung danh mục nghề, chỉ cần trường đủ điều kiện thì có thể bổ sung chương trình đào tạo. Một nghề ra đời phụ thuộc vào tính khách quan, cần thiết của nghề đó với xã hội và trong thị trường lao động, chứ không phụ thuộc vào người quản lý, ban hành danh mục nghề nghiệp" - ông Hùng nói.

Công việc tạo ra thu nhập, hợp pháp được coi là một nghề

“Công việc nào cũng có thể được công nhận là một nghề vì nó tùy thuộc vào vị trí việc làm của lao động. Chỉ cần là công việc tạo ra thu nhập, không vi phạm pháp luật thì vẫn được coi là một nghề. Không cần phải học trung cấp, cao đẳng ra mới được công nhận nghề” .

Ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy,
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam