Giảm thuế xăng dầu phải tính toán đến cân đối ngân sách

07:20 | 29/10/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Trả lời phỏng vấn TBTCVN, chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long cho rằng, đối với đề xuất giảm thuế xăng dầu, cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc nhưng phải tính toán đến cân đối ngân sách, để vừa đảm bảo nguồn thu và nhiệm vụ chi trong thời gian tới. Việc sử dụng linh hoạt các giải pháp đã giảm thiểu sự tác động tiêu cực của việc tăng giá xăng dầu đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

PV: Giá xăng dầu hiện đang ở mức khá cao. Trong điều hành, các cơ quan quản lý thời gian qua đã giữ giá xăng dầu tăng thấp hơn giá thế giới, tuy nhiên, những diễn biến gần đây khiến dư luận lo ngại, giá xăng dầu tăng sẽ gây khó khăn cho quá trình phục hồi của nền kinh tế. Ông nhận định về điều này như thế nào?

Giảm thuế xăng dầu phải tính toán đến cân đối ngân sách
TS. Ngô Trí Long

TS. Ngô Trí Long: Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận lại quá trình điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua của cơ quan quản lý. Với vai trò là cơ quan quản lý giá xăng dầu, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính nhằm điều hành giá trong nước nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Việc sử dụng linh hoạt các giải pháp đã giảm thiểu sự tác động tiêu cực của việc tăng giá xăng dầu đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Biến động theo giá thế giới, từ đầu năm đến nay, Liên Bộ đã phải sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để níu đà tăng của giá xăng dầu, hạn chế ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Quỹ Bình ổn giá đã được chi sử dụng liên tục ở mức cao, với mức chi lên tới 9.000 tỷ đồng.

Do giá xăng dầu thế giới tăng liên tục, chúng ta vừa tăng mức chi từ quỹ và giảm mức trích quỹ (300 đồng/lít). Quỹ Bình ổn giá đã chi liên tục với mức chi từ 100 - 2.000 đồng/lít. Ví như kỳ điều hành gần đây nhất, ngày 26/10, nếu không thực hiện tăng chi Quỹ Bình ổn giá đối với xăng E5RON92 và xăng RON95, giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 - 2.527 đồng/lít.

Bài toán đặt ra là làm thế nào để giảm giá xăng dầu, tránh ảnh hưởng bất lợi tới nền kinh tế còn đang “đuối sức” do dịch Covid-19. Tôi cho rằng, có 2 “van” điều tiết giá xăng dầu, đó là thông qua Quỹ Bình ổn giá và thuế.

Với Quỹ Bình ổn giá, quỹ đang dần cạn. Bộ Tài chính ước tính số quỹ này hiện chỉ còn khoảng 600 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối âm quỹ lớn, như Petrolimex âm hơn 200 tỷ đồng, PVOil âm gần 700 tỷ đồng.

Đối với điều tiết về thuế, cũng cần phải được tính toán, cân nhắc, bởi giảm thuế sẽ gây áp lực lên nguồn thu ngân sách. Mặt khác, để giảm thuế cần trình cấp có thẩm quyền xem xét nên không thể quyết trong trước mắt ngay được.

PV: Ông nhận xét gì khi có ý kiến cho rằng, cần xem xét đến việc can thiệp bằng cách bán xăng dầu dự trữ để góp phần giảm giá xăng dầu, thưa ông?

TS. Ngô Trí Long: Dự trữ quốc gia các mặt hàng như thóc gạo hay xăng dầu, là để đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng. Ví như Quỹ Bình ổn giá, nhiệm vụ của nó là phòng ngừa rủi ro về giá. Do đó, ở thời điểm này, chưa phải là lúc tính đến sự can thiệp của việc đưa mặt hàng dự trữ xăng dầu ra thị trường.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có thể tính toán tổng thể các giải pháp, để các cơ quan chức năng cùng vào cuộc, góp phần bình ổn giá cả thị trường, trong đó có mặt hàng xăng dầu.

Tôi cho rằng, khi giá xăng dầu đang tăng, chúng ta có thể tính toán đẩy mạnh khai thác dầu ở mức độ tối đa, có tính đến yếu tố hiệu quả và an toàn, để góp phần tăng thu.

Các bộ, ngành cũng phải cùng vào cuộc, ví như vai trò của Bộ Công thương - cơ quan quản lý mặt hàng xăng dầu, cần phải làm tốt công tác dự báo giá xăng dầu, từ đó có kịch bản điều hành phù hợp, tránh bị động. Cùng với đó, cần phải chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường, tăng cường thanh tra kiểm tra. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cần vào cuộc, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu ngân sách.

PV: Như ông vừa chia sẻ, việc điều hành muốn đảm bảo lợi ích giữa các bên thì cũng cần phải linh hoạt, hài hòa trong tổng thể các giải pháp. Việc giảm thuế, phí đã và đang thực hiện cũng là cách Chính phủ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong khó khăn chung này phải không, thưa ông?

TS. Ngô Trí Long: Đúng vậy, tôi cho rằng, chúng ta cũng phải nhìn nhận và chia sẻ với Bộ Tài chính trong điều hành. Trong bối cảnh thu không đủ bù chi, chúng ta vẫn phải đi vay để tăng chi cho đầu tư phát triển, ngân sách vẫn phải bội chi. Vậy mà 2 năm qua, bên cạnh việc đảm bảo nguồn thu để có nguồn chi theo dự toán, chúng ta đã phải tăng chi rất lớn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Giảm thuế xăng dầu phải tính toán đến cân đối ngân sách
Nguồn: Liên Bộ Công thương - Tài chính. Đồ họa: Hồng Vân

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu, chi, cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021. Để ứng phó với dịch bệnh, từ năm 2020 đến nay, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ngân sách đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Đây là áp lực rất lớn đối với Bộ Tài chính. Trong nửa đầu năm, sở dĩ ngành Tài chính thu đảm bảo tiến độ dự toán, là nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020, một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, duy trì được mức tăng trưởng khả quan đã tạo thêm nguồn thu cho NSNN.

Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách và do độ trễ của chính sách, những khó khăn sẽ hiện hữu trong cuối năm nay và sang năm sau.

Đúng là nếu giá xăng dầu - một trong số các mặt hàng là đầu vào của nền kinh tế tăng, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tác động trực tiếp tới tăng trưởng. Tuy nhiên điều hành cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp - nhà nước và người dân; cần nhiều công cụ linh hoạt để điều tiết nền kinh tế. Thực tế, việc triển khai các gói hỗ trợ về tài khóa thời gian qua cũng chính là vì người dân, doanh nghiệp.

Do đó, đối với đề xuất giảm thuế để giảm giá xăng dầu, tôi cho rằng, cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc nhưng phải tính toán đến cân đối, để vừa đảm bảo nguồn thu và nhiệm vụ chi trong thời gian tới.

PV: Theo ông, từ nay đến cuối năm riêng đối với giá xăng dầu, trong công tác điều hành cần lưu ý điều gì?

TS. Ngô Trí Long: Có nhiều dự báo về giá xăng dầu, trong đó ý kiến nghiêng về giá dầu có thể đạt mốc hơn 100 USD/thùng. Tuy nhiên, trong diễn biến mới nhất, giá dầu ngày hôm nay cũng đang hạ nhiệt so với tuần qua.

Cũng có chuyên gia dự báo, giá dầu khó có thể đạt mức 100 USD/thùng. Giá dầu thời gian qua tăng là do “nhiều người mua, ít người bán”, do thế giới đang đà phục hồi kinh tế; mặt hàng than và giá khí sản lượng sụt giảm; các nước OPEC+ kìm hãm sản lượng, giữ nguồn cung. Do đó, dự báo tương lai giá dầu có thể không quá cao.

Ở trong nước, công tác dự báo giá xăng dầu là hết sức quan trọng, từ đó để có các phương án tính toán trong điều hành. Về tổng thể, trong điều hành giá cả, từ nay đến cuối năm, các cơ quan chức năng, các bộ quản lý giá mặt hàng của ngành mình và địa phương, cần phải có cơ chế điều hành linh hoạt, vừa giữ ổn định mặt bằng giá nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và có tính đến điều hành giá năm tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Quỹ Bình ổn giá đã được chi sử dụng liên tục ở mức cao

Biến động theo giá thế giới, từ đầu năm đến nay, Liên Bộ đã phải sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để níu đà tăng của giá xăng dầu, hạn chế ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Quỹ Bình ổn giá đã được chi sử dụng liên tục ở mức cao, với mức chi lên tới 9.000 tỷ đồng.

Do giá xăng dầu thế giới tăng liên tục, chúng ta vừa tăng mức chi từ quỹ và giảm mức trích quỹ (300 đồng/lít). Quỹ Bình ổn giá đã chi liên tục với mức chi từ 100 - 2.000 đồng/lít. Ví như kỳ điều hành gần đây nhất, ngày 26/10, nếu không thực hiện tăng chi Quỹ Bình ổn giá đối với xăng E5RON92 và xăng RON95, giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 - 2.527 đồng/lít.

Minh Anh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam