Ngành Hải quan:

Đảm bảo hai trọng trách tạo thuận lợi và chống thất thu ngân sách

10:43 | 29/10/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan nhanh cho hàng hóa và đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan, đảm bảo nguồn thu ngân sách là 2 nhiệm vụ đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan hải quan. Để dung hòa được 2 nhiệm vụ này, ngành Hải quan đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt.

Quản lý rủi ro, tăng cường hậu kiểm

Một trong những giải pháp được cơ quan hải quan áp dụng triệt để và nhìn thấy hiệu quả tích cực trong nhiều năm qua là quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Cụ thể, cơ quan hải quan thường xuyên tổ chức thu thập thông tin đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp (DN) để phân loại, xếp hạng DN và có cơ chế quản lý phù hợp.

Từ phần đánh giá, xếp hạng đó, phía Hải quan sẽ ưu tiên, tạo thuận lợi về thủ tục hải quan cho các DN tuân thủ tốt pháp luật hải quan và phấn đấu để được công nhận là DN ưu tiên về hải quan. Ngược lại, các DN không tuân thủ pháp luật hải quan sẽ bị đưa vào diện kiểm soát chặt chẽ trong quá trình làm thủ tục hải quan và cả trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Đảm bảo hai trọng trách tạo thuận lợi và chống thất thu ngân sách
Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân

Việc quản lý rủi ro còn được áp dụng đối với các lô hàng nhập khẩu. Tức là, phân tích, đánh giá để phân luồng cho hàng hóa từ trước khi đến cửa khẩu Việt Nam. Các lô hàng có độ rủi ro thấp sẽ được ưu tiên phân luồng xanh, luồng vàng và có thể thông quan ngay khi hàng đến cửa khẩu. Còn các lô hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan, có độ rủi ro cao sẽ được phân luồng đỏ để kiểm tra thực tế hàng hóa.

Song song với đó là việc chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Thủ tục hải quan sẽ được cơ quan hải quan ưu tiên tạo thuận lợi nhằm đảm bảo thông quan nhanh chóng hàng hóa, cắt giảm chi phí lưu kho, lưu bãi. Hiện nay, tỷ lệ phân luồng xanh trung bình năm khoảng 60 - 65%, luồng vàng khoảng 30 - 35% và luồng đỏ dưới 5%.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ, cùng với việc quản lý rủi ro, tăng cường hậu kiểm, ngành Hải quan sẽ thường xuyên thu thập, phân tích thông tin để thực hiện kiểm tra sau thông quan khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra để đánh giá tuân thủ pháp luật của DN, qua đó, cũng góp phần kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó dịch bệnh

Trong gần 2 năm vừa qua, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhất là đợt dịch lần thứ 4, để hỗ trợ DN, Tổng cục Hải quan đã chủ động nhiều giải pháp tạo thuận lợi. Trước hết là ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Mọi hoạt động giao dịch, trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan và DN đều được thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, kể cả các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan theo quy định phải nộp bản chính như giấy phép, kết quả kiểm tra chuyên ngành, một số loại C/O,... đều được cơ quan hải quan chấp nhận cho DN được nộp chứng từ dưới dạng điện tử và nộp bổ sung bản chính sau khi hàng hóa được thông quan.

Ở các khu vực cửa khẩu, cơ quan hải quan bố trí cán bộ công chức và tạo điều kiện giải quyết thủ tục thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là hoa quả, trái cây đến thời điểm thu hoạch chính vụ và các loại nông sản qua cửa khẩu biên giới; tạo điều kiện cho DN thực hiện các hoạt động đóng gói gia cố bao bì, phân loại hàng hóa dưới sự giám sát của cơ quan hải quan... không làm thay đổi xuất xứ, nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu.

Tạm dừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra

Tổng cục Hải quan đã tạm dừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra sau thông quan hoặc kiểm tra nghiệp vụ, như: kiểm tra thực tế điều kiện hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan tại doanh nghiệp (DN), kiểm tra việc bảo quản hàng hoá,... để tạo điều kiện cho DN tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tổng cục Hải quan cũng đạo các đơn vị trong toàn ngành xây dựng các phương án sẵn sàng với các giải pháp về công nghệ thông tin, hạ tầng, trang thiết bị phòng chống dịch, bố trí đủ quân số để giải quyết thủ tục và đảm bảo an toàn cho lực lượng cán bộ công chức trong tình hình dịch bệnh Covid-19 nhằm không làm gián đoạn hoạt động thông quan hàng hóa, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng và hỗ trợ tối đa cho DN nhưng vẫn đảm bảo quản lý hải quan, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Cùng với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cũng thành lập các Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu từ cấp tổng cục đến cấp chi cục để kịp thời tiếp nhận, xử lý các vướng mắc đảm bảo hỗ trợ thông quan hàng hóa ngay trong ngày, đặc biệt là hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã tạm dừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra sau thông quan hoặc kiểm tra nghiệp vụ, như: kiểm tra thực tế điều kiện hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan tại DN, kiểm tra việc bảo quản hàng hoá,... để tạo điều kiện cho DN tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc thực hiện sẽ được tổ chức vào thời gian phù hợp sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Cơ quan hải quan cũng sẽ chỉ thực hiện kiểm tra sau thông quan trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng để tạo điều kiện cho DN khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, đồng thời vẫn đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan, không để tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách để vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan còn chú trọng đến công tác nghiên cứu văn bản pháp luật, công tác thu thập, đánh giá thông tin; xây dựng kế hoạch định hướng, kế hoạch chi tiết kiểm tra sau thông quan, nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra sau thông quan, cải cách công tác đối thoại với DN để tạo sự đồng thuận của DN trong việc chấp hành các chính sách pháp luật.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng tham mưu cho Bộ Tài chính có một số ý kiến tham gia, đóng góp với những chủ trương, chính sách trong phòng chống dịch bệnh và chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi, hỗ trợ DN, đặc biệt là trong việc mua, nhập khẩu, tổ chức tiếp nhận các lô hàng vắc-xin, phối hợp, cung cấp số liệu liên quan phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, quản lý điều hành và chính sách của Chính phủ, các bộ ngành trong tạo thuận lợi thương mại và công tác tuyên truyền trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn):

Hỗ trợ doanh nghiệp thông quan nhanh trong giai đoạn phục hồi xuất khẩu

Thống kê từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn), từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và làm thủ tục cho 32.906 bộ tờ khai với trị giá trên 1,977 tỷ USD và 518.964 lượt phương tiện xuất nhập cảnh. Với lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nên có những thời điểm có tình trạng hàng hóa bị ùn ứ đã gây nhiều khó khăn cho cả doanh nghiệp (DN) lẫn các cơ quan quản lý.

Nhằm đưa ra các giải pháp để giúp cho hoạt động thông quan tại cửa khẩu được diễn ra thuận lợi, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị đã chủ động phối hợp với lực lượng biên phòng, DN kinh doanh kho bãi... bàn giải pháp và đưa ra phương án giải quyết đảm bảo hàng hóa xuất nhập khẩu được thông quan nhanh nhất.

Cũng để kịp thời hỗ trợ DN xuất khẩu thông quan nhanh chóng trong giai đoạn phục hồi xuất khẩu, phía Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị đã tập trung lực lượng, bố trí cán bộ luân phiên tiếp nhận, giải quyết thủ tục hải quan cho các DN. Trong đó, để đảm bảo nhiệm vụ trong từng khâu, đơn vị tăng cường thêm quân số cho bộ phận kiểm tra thực tế hàng hóa.

Ngoài ra, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị cũng quán triệt đến từng bộ phận thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng cục Hải quan về việc hỗ trợ thông quan hàng hóa chống dịch Covid-19, tăng cường thực hiện các thủ tục trên dịch vụ công trực tuyến, giảm việc sử dụng hồ sơ giấy, thực hiện việc cho phép DN nợ, chậm nộp chứng từ…

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam