Bộ Tài chính đã rất khẩn trương đưa chính sách giảm thuế vào cuộc sống

10:56 | 29/10/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Trao đổi với phóng viên TBTCVN ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 92/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Lê Văn Hải - Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín - Chi nhánh Hà Nội cho rằng, Bộ Tài chính đã rất chủ động, khẩn trương xây dựng và đưa chính sách giảm thuế vào cuộc sống.
Bộ Tài chính đã rất khẩn trương đưa chính sách giảm thuế vào cuộc sống

Việc miễn, giảm thuế giá trị gia tăng giúp doanh nghiệp cải thiện tình hình tài chính trong ngắn hạn. Ảnh: TL

PV: Như ông đã biết, ngày 27/10/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19. Theo nhận định của ông, nghị định này có ý nghĩa đối với cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế như thế nào?

Ông Lê Văn Hải: Tôi cho rằng, ngoài việc hỗ trợ trực tiếp thì việc ban hành các chính sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong thời gian vừa qua là thực sự cần thiết.

Bộ Tài chính đã rất khẩn trương đưa chính sách giảm thuế vào cuộc sống
Ông Lê Văn Hải

Khi dịch bệnh dần được khống chế, đời sống của người dân dần trở lại trạng thái bình thường, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh sau thời gian bị ngừng trệ, việc ban hành các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như một cú hích, tạo đà cho doanh nghiệp hồi phục. Điều này tạo nên niềm tin mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp.

Tôi cũng đánh giá cao Bộ Tài chính đã rất chủ động xây dựng dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định 92 hướng dẫn Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15, sớm để đưa nội dung của nghị quyết vào cuộc sống. Nghị định số 92 đã kịp thời hướng dẫn cho các doanh nghiệp, người nộp thuế về cách thức, trình tự thủ tục thực hiện các chính sách miễn giảm thuế, giải đáp những vướng mắc; đưa chính sách vào cuộc sống để hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế một cách kịp thời. Điều này cũng thể hiện tính đồng bộ, nhất quán trong việc ban hành và thực thi chính sách pháp luật.

PV: Nhiều chuyên gia cho rằng, nội dung quan trọng nhất của Nghị định 92 cũng như Nghị quyết 406 là miễn, giảm thuế giá trị gia tăng. Là người làm dịch vụ tư vấn thuế, ông đánh giá như thế nào về nội dung này?

Ông Lê Văn Hải: Việc giảm 30% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) là nội dung quan trọng trong toàn bộ các chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 406. Như chúng ta đã biết, thuế GTGT là thuế gián thu đánh vào đối tượng là người tiêu dùng cuối cùng. Đối với doanh nghiệp, khi mua hàng hóa, dịch vụ để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thì tạm thời phải chi ra ứng trước số tiền tương ứng với thuế GTGT nộp vào ngân sách Nhà nước (NSNN) thông qua các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ.

Cộng đồng doanh nghiệp
rất mong đợi

“Trong hoàn cảnh hiện tại, khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch bệnh, dẫn tới việc lưu thông hàng hóa bị đình trệ, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu gây nên sự gián đoạn trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp thì việc miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho ngành vận tải là việc làm được các doanh nghiệp mong đợi nhất. Đối với người tiêu dùng, việc giảm thuế giá trị gia tăng đồng nghĩa với giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ, giúp cho hàng hóa được tiêu thụ mạnh mẽ hơn, tạo nên sự sôi động của thị trường, đưa cuộc sống của người dân dần trở lại trạng thái bình thường” - ông Lê Văn Hải.

Sau khi hoàn thành việc sản xuất hàng hóa, dịch vụ bán ra thị trường, doanh nghiệp mới thu lại số thuế GTGT trên thông qua việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người mua. Như vậy, bằng việc giảm thuế GTGT đã giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được một phần ngân sách phân bổ vào thực thi các nhiệm vụ khác, góp phần cải thiện tình hình tài chính trong ngắn hạn.

Có thể nói, việc miễn, giảm thuế GTGT là một điểm sáng trong Nghị quyết 406 và Nghị định 92, giúp cho việc thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế trở thành hiện thực.

PV: Để đưa chính sách vào cuộc sống, theo ông các cơ quan chức năng cần phải hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như thế nào? Người nộp thuế cần phải làm gì để được hưởng quyền lợi?

Ông Lê Văn Hải: Để đưa chính sách vào cuộc sống, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền kịp thời đến tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, các đối tượng được hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết 406; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp, người nộp thuế. Trong quá trình hướng dẫn thực hiện, cơ quan thuế cần hướng dẫn chi tiết, thống nhất giữa các cấp, các địa phương theo đúng tinh thần của nghị quyết.

Ngoài sự tuyên truyền, hỗ trợ của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận, nắm bắt chính sách kịp thời, nghiên cứu nghiêm túc, thấu đáo để áp dụng một cách chủ động, triệt để tinh thần của Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 và Nghị định số 92, tránh hiểu sai dẫn đến thực hiện sai tinh thần của nghị quyết và nghị định, dẫn đến bị phạt, bị truy thu về sau.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 406 và Nghị định 92, nếu có vướng mắc thì doanh nghiệp có thể liên hệ với cơ quan quản lý thuế trực tiếp để được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện đầy đủ, chính xác nhất, hoặc có thể liên hệ với tổ chức tư vấn thuế uy tín để được hướng dẫn cụ thể.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nghị định 92 không phát sinh thêm thủ tục hành chính mới

Như TBTCVN đã thông tin, ngày 27/10/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Đánh giá tác động tới thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP dự kiến sẽ có tác động giảm thu NSNN năm 2021 khoảng gần 20 nghìn tỷ đồng.

Số tiền chậm nộp được miễn sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 để có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn, cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Bộ Tài chính cho biết, các thủ tục hành chính theo Nghị định số 92/2021/NĐ-CP đã được quy định và được thực hiện theo Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, đối với trường hợp người nộp thuế xác định lại kết quả sản xuất kinh doanh của kỳ tính thuế năm 2020 mà bị lỗ (kết quả sản xuất kinh doanh mà người nộp thuế xác định lại khác với dữ liệu của cơ quan thuế) thì người nộp thuế lập văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp gửi đến cơ quan thuế.

Hồ sơ đề nghị miễn tiền chậm nộp chỉ bao gồm duy nhất văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp và được gửi đến cơ quan thuế bằng một trong ba hình thức: điện tử, trực tiếp hoặc bưu chính. Như vậy, theo các nội dung tại Nghị định số 92/2021/NĐ-CP về cơ bản không phát sinh thêm thủ tục hành chính mới.

Nhật Minh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam