Để nông nghiệp sớm hồi phục trong “trạng thái bình thường mới”

20:50 | 30/10/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Nông nghiệp vẫn là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng khá trong đại dịch, nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nông nghiệp Việt Nam đề xuất chính sách hỗ trợ tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đó tìm cách tái cơ cấu ngành, thay đổi mô hình sản xuất và xuất khẩu để tăng giá trị nông sản trong thời gian tới.

Lo đầu ra giảm, đầu vào tăng

Mặc dù việc phục hồi kinh tế đang được khởi động ở khắp nơi nhưng kinh tế nông nghiệp Việt Nam còn gặp khó khăn và bị ảnh hưởng nặng nề. Tại cuộc tọa đàm giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan với các “vua nông sản” mới đây, bà Phạm Thị Huân - Tổng giám đốc Công ty Ba Huân chia sẻ, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như chi phí tăng cao, nhưng vẫn cố gắng bình ổn giá trứng cho người dân.

Để nông nghiệp sớm hồi phục trong “trạng thái bình thường mới”

Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

"Thịt và trứng vịt còn đưa vào trữ lạnh và làm trứng muối. Trứng gà phải khuyến mãi mua 1 tặng 1, giảm giá với trứng gà, bán cho các ban ngành đoàn thể. Mọi đầu vào từ bao bì, thức ăn đều tăng 20 - 30%, có loại 40 - 50% nhưng giá sản phẩm nông nghiệp đều giảm sâu 30 - 40%"- bà Huân bày tỏ.

Đó là khó khăn lúc dịch bệnh căng thẳng, tuy nhiên khi dịch bệnh được kiểm soát thì các doanh nghiệp nông nghiệp tiếp tục có nhiều nỗi lo mới, trong đó nỗi lo giá vật tư đang tiếp tục leo thang. Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) cho biết, người nuôi tôm đang phập phồng lo âu giá tôm bấp bênh sau đại dịch, thì giá cả vật tư đầu vào như thức ăn, con giống, chế phẩm nuôi tôm... tăng giá ào ào như những “cú đấm bồi”.

Kỹ sư Hồ Quang Cua – “cha đẻ” của giống lúa ST25 nổi tiếng, cũng bày tỏ lo lắng khi không chỉ có các loại phân bón leo thang, mà giá đầu vào như chi phí thuê làm đất, bón phân, thuê nhân công... cũng tăng theo. Trong khi đó, giá lúa lại giậm chân tại chỗ do khâu vận chuyển khó khăn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu nông sản cả năm 2021 khả năng đạt mục tiêu 44 tỷ USD. Nếu kiểm soát được dịch bệnh thì nguồn cung thực phẩm sẽ đảm bảo trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Là công ty đang sản xuất hơn 500ha chuối xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… và chuỗi các siêu thị, cửa hàng tại Việt Nam, ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho biết thêm vừa qua những chi phí xét nghiệm Covid-19, 3 tại chỗ… đã khiến doanh nghiệp lao đao, đến nay giá vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng sẽ khiến nền nông nghiệp sẽ rất khó để tái đầu tư nhanh.

Ở góc độ địa phương, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhận định, dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến nông dân như tiêu thụ nông sản khó khăn, chi phí đầu vào tăng mạnh khiến đời sống, thu nhập của nông dân giảm mạnh.

“Thích nghi trong bối cảnh thay đổi liên tục”

Đề xuất chính sách hỗ trợ để phục hồi và phát triển nông sản Việt Nam trong thời gian tới, ông Hồ Quốc Lực kiến nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhanh chóng hơn nữa đẩy mạnh việc tiếp cận vắc-xin cho tất cả các “mắt xích” trong chuỗi sản xuất tôm, xem xét các bên liên quan về giá vật tư đầu vào nuôi tôm. Đặc biệt, tôm muốn thuận lợi tiêu thụ thì phải có truy xuất rõ ràng.

Bên cạnh đó, theo ông Lực, hiện nay Chính phủ, các bộ ngành đang triển khai nghị quyết về hợp tác xã bởi đây là mô hình sản xuất quy mô lớn, mang lại tính an toàn sản phẩm cao hơn, năng suất cao hơn, trong khi giá thành thấp hơn, từ đó tăng sức cạnh tranh của mình.

Góp thêm ý kiến về phát triển mô hình hợp tác xã "thực tế hơn là hình thức" - ông Võ Quan Huy cho rằng Bộ NN&PTNT phải nhanh chóng tiến tới việc mở rộng, đào tạo nâng cao chất lượng để hợp tác xã có vai trò quan trọng như khả năng tổ chức tốt vùng trồng, chứng nhận các tiêu chuẩn, huấn luyện đào tạo thành viên để truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ.

Kỹ sư Hồ Quang Cua kiến nghị cần phải giải quyết sớm những khó khăn của ngành nông sản trong việc lưu thông hàng hóa; đồng thời, kiểm soát đầu vào, không để tư thương các lĩnh vực vật tư thao túng cả nền nông nghiệp…

Ông Trần Văn Lâu đề nghị cần nhanh chóng khai thông xuất khẩu, can thiệp chi phí thuê container... Đặc biệt, xem xét có chính sách tín dụng hỗ trợ nông dân để họ “gượng dậy”, tái đầu tư, tạo ra sản phẩm cho xã hội.

Trước những tâm tư, kiến nghị của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt trong bối cảnh đại dịch này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhắc đến khái niệm "VUCA" (Biến động - Không chắc chắn - Phức tạp - Mơ hồ), vì thế đòi hỏi một mặt phải thích nghi, một mặt cần nghĩ khác.

"Có lẽ không có từ nào bằng từ thích nghi trong bối cảnh thay đổi liên tục. Đừng nghĩ mình lúc nào cũng "nắm cán", sẽ là thành công hay chiến thắng… Bắt buộc phải ẩn mình một chút để chuẩn bị lại, vươn lên" - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho hay, Bộ NN&PTNT đang xây dựng, phân loại các gói hỗ trợ về nông nghiệp để kiến nghị Chính phủ.

Quan tâm đến “đại bàng” nhưng đừng quên “chim sẻ”

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc thu hút đầu tư nước ngoài thì cũng tăng cường sức mạnh nội tại. Cùng với sức mạnh của doanh nghiệp thì cũng cần chú ý đến kinh tế tập thể và hợp tác xã (HTX).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Chúng ta quan tâm đến "đại bàng" nhưng cũng đừng quên những con "chim sẻ". Vì trong thế giới tự nhiên của loài chim, 50% là những con chim sẻ nhỏ bé, cũng như cộng đồng doanh nghiệp, một số lượng đông đảo doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp đang có những đóng góp quan trọng. Cần nhìn sâu và tổng hợp đa chiều mới có thể nhìn ra giá trị, khi đó mới có thể lót ổ cho “chim sẻ”, không có tinh thần hợp tác thì không có HTX, mà muốn làm được thì phải có tư duy, tinh thần hợp tác".

Từ thực tế đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương quan tâm thực sự đến sự phát triển của HTX, coi HTX là một phần của kinh tế nông thôn, là một phần không thể tách rời của kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn. Vị tư lệnh ngành nông nghiệp phân tích, HTX không phải là doanh nghiệp mà là sự hợp tác để cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp, là trụ đỡ của nền kinh tế trong những lúc khó khăn. Chiều sâu của kinh tế nông thôn tạo ra những cộng đồng hợp tác ở nông thôn, chia sẻ và kết nối với các doanh nghiệp ngoài nông thôn; tính kết nối đó mới tạo ra sức bền vững của nông thôn.

Được biết, thực hiện Nghị quyết 13 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13, số lượng HTX nông nghiệp đã tăng 12.569. Từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm tăng thêm 800 HTX. Không chỉ tăng nhanh về số lượng mà chất lượng và hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp đã được cải thiện, trong đó có 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao. Năm 2020, doanh thu của các HTX đạt bình quân 2,44 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên đạt 40,5 triệu đồng/năm, gấp 9,1 lần so với năm 2001.

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam