Chỉ số CPI tháng 10/2021 giảm 0,2%

13:41 | 29/10/2021 Print
(TBTCO) - CPI tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12/2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%.

3 nhóm hàng hóa dịch vụ chính giảm giá

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12/2020. Nguyên nhân CPI giảm là do tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương nới lỏng giãn cách giúp lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, nhu cầu tích trữ hàng tiêu dùng của người dân giảm.

Đồng thời nguồn cung hàng hóa được đảm bảo khiến giá lương thực, thực phẩm trong tháng giảm; nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm khi thời tiết sang thu và giá thuê nhà tiếp tục xuống thấp nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch, cơ quan thống kê nhận định.

Chỉ số CPI tháng 10 giảm 0,2%
Theo công bố của cơ quan thống kê, CPI tháng 10 giảm 0,2%. Ảnh: D.A

Cụ thể, trong tháng 10, có 3 nhóm hàng hóa dịch vụ chính giảm giá so với tháng trước, 8 nhóm hàng hóa dịch vụ chính còn lại tăng giá. Các nhóm giảm giá là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (giảm 1,28%, do giá gạo và giá thịt lợn giảm); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (giảm 0,26%, chủ yếu do giá tiền thuê nhà giảm), cùng với đó, giá điện sinh hoạt, nước sinh hoạt giảm do thời tiết sang thu nên nhu cầu sử dụng giảm so với tháng trước; nhóm bưu chính viễn thông (giảm 0,04%).

Các nhóm hàng tăng giá là: nhóm giao thông tăng 2,51% do giá xăng dầu tăng; nhóm giáo dục tăng 0,25% do một số địa phương tăng học phí mầm non, đại học; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,19% do chi phí vận chuyển tăng; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,13%... Một số nhóm còn lại tăng giá không đáng kể như nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,04%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%. Ngoài ra, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12% do dịch vụ cắt tóc, gội đầu và vật dụng tang lễ, thờ cúng tăng.

Lạm phát cơ bản thấp nhất kể từ năm 2011

Về tình hình giá cả 10 tháng, CPI bình quân 10 tháng năm 2021 tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất kể từ năm 2016. Nguyên nhân chính làm tăng CPI là do giá xăng dầu trong nước, giá gas trong nước tăng. Ngoài ra giá dịch vụ giáo dục; giá gạo trong nước; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng cũng làm tăng CPI.

Ở chiều ngược lại, một số nguyên nhân làm giảm CPI 10 tháng năm 2021 là giá các mặt hàng thực phẩm 10 tháng giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó gói hỗ trợ giảm giá điện đã làm giá điện giảm 1,19% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người dân hạn chế đi lại, theo đó giá vé máy bay 10 tháng giảm 21,88% so với cùng kỳ năm trước; giá du lịch trọn gói giảm 2,54%...

Bình quân 10 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,81%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 10 và 10 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011./.

Giá vàng giảm 0,21%

Tháng 10, giá vàng trong nước giảm theo giá vàng thế giới. Tính đến ngày 27/10/2021, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.774,48 USD/ounce, giảm 0,45% so với tháng 9/2021. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 10/2021 giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 1,85% so với tháng 12/2020 và giảm 1,82% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 10 tháng năm 2021 tăng 10,39%.

Giá đồng đô la Mỹ không biến động nhiều. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu mua bán ngoại tệ hạn chế, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10/2021 giảm 0,06% so với tháng trước; giảm 1,2% so với tháng 12/2020 và giảm 1,48% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 10 tháng năm 2021 giảm 0,94%. Lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 22.914 VND/USD.

Trên thị trường thế giới, tính đến ngày 27/10/2021, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 93,97 điểm, tăng 1,1 điểm so với tháng trước.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam