Xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ tăng trưởng khả quan trong những tháng cuối năm

19:22 | 30/10/2021 Print
Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đã có 67% doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ trở lại hoạt động với trên 70% công suất. Dự báo trong những tháng cuối năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ có tăng trưởng khả quan.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ phục hồi, nhu cầu tăng cao từ Mỹ, Nhật Bản

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 10/2021 ước đạt 864 triệu USD. Lũy kế 10 tháng ước đạt 12,807 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,89 tỷ USD, tăng 24%; lâm sản ngoài gỗ đạt 917 triệu USD, tăng 62% so cùng kỳ.

Xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ có tăng trưởng khả quan trong những tháng cuối năm
Quang cảnh hội thảo tại đầu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Ảnh: Phúc Nguyên

Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu và Hàn Quốc, hiện nay chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Theo phân tích của Tổng cục Lâm nghiệp, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm liên tiếp trong 3 tháng qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhờ trong nước đã được kiểm soát dịch và nhu cầu trên thị trường thế giới tăng, hoạt động sản xuất đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Dự báo trong những tháng cuối năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ có tăng trưởng khả quan.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang rất rộng mở vì nhu cầu từ Mỹ, Trung Quốc vẫn rất lớn.

Tại cuộc Hội thảo "Doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới" do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với các hiệp hội gỗ trên cả nước tổ chức ngày 29/10, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, do nhu cầu vẫn rất cao từ thị trường Mỹ, Nhật Bản... hiện hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đã phục hồi sản xuất.

Theo khảo sát 131 doanh nghiệp của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đã có 67% doanh nghiệp ngành gỗ được hỏi đã trở lại hoạt động với trên 70% công suất; 13% doanh nghiệp hoạt động từ 50% công suất trở xuống và 20% doanh nghiệp hoạt động từ 50-70% công suất. Các mô hình hoạt động chính của doanh nghiệp là “3 tại chỗ” chiếm 24%; “2 cung đường 1 điểm đến” chiếm 19% và mô hình khác chiếm áp đảo với 56%.

Ưu tiên sản xuất "3 xanh"

Tuy nhiên, tại hội thảo, các doanh nghiệp lo lắng hiện nay đang thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề bởi một lượng lớn lao động đã về quê sau khi các tỉnh phía Nam bùng phát dịch Covid-19 và thực hiện lệnh giãn cách xã hội.

Ông Lê Xuân Quân - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai cho rằng, làn sóng người lao động hồi hương thời gian qua cho thấy có những bất cập trong chính sách an sinh cho người lao động ở những trung tâm kinh tế lớn. Từ thực trạng đó, theo ông Lê Xuân Quân, trong quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, bên cạnh diện tích của các nhà máy, các địa phương, doanh nghiệp cần chú ý đến việc xây nhà, chỗ ở ổn định cho người lao động.

Ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Ván ép cơ khí xây dựng Nhật Bản cũng cho biết, doanh nghiệp của ông đang thiếu lao động trầm trọng dù doanh nghiệp đã thực hiện "3 tại chỗ" sớm hơn yêu cầu của tỉnh Bình Dương. Để giải quyết vấn đề lao động, doanh nghiệp này ưu tiên cho lực lượng nòng cốt trung thành gắn bó làm với công ty "3 tại chỗ". Với những người không làm "3 tại chỗ", doanh nghiệp hỗ trợ lương thực, tiền hàng tháng để họ duy trì cuộc sống.

"Đầu tháng 11, doanh nghiệp chuyển sang sản xuất "3 xanh" (nhà máy xanh, nhà trọ xanh, người lao động xanh), công nhân vào làm việc sẽ được hỗ trợ ngay 1 triệu đồng; tăng cường tuyển dụng công nhân mới. Hiện, toàn bộ nhân viên đã được tiêm 2 mũi vắc-xin Covid-19" - ông Nhật nói.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, hiệp hội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ NN&PTNT đã có nhiều hoạt động đồng hành với doanh nghiệp chế biến gỗ, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, lưu thông vật tư phục vụ sản xuất và hàng hóa nông lâm sản.

Bộ cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, lắng nghe những ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, cùng vượt qua những khó khăn, thách thức, chung tay xây dựng và phát triển ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản bền vững, có uy tín và thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế./.

46% số doanh nghiệp ngành gỗ cho biết doanh thu năm 2021 sẽ không thay đổi so với năm 2020, trong khi có 37% số doanh nghiệp dự tính giảm doanh thu, và chỉ có 17% số doanh nghiệp cho rằng sẽ tăng được doanh thu…

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam