Cân bằng sinh mạng, sinh kế

09:40 | 01/11/2021 Print
(TBTCO) - Cẩn trọng từng bước đi là một trong những yêu cầu quan trọng được Chính phủ đặt ra trong phục hồi nền kinh tế. Ngày 24/10/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Dự thảo này đã được Thường trực Chính phủ họp bàn nhiều lần trong vòng hai tháng qua, liên tục được bổ sung, hoàn thiện để “tạo được sự đồng thuận, hiệu quả, khả thi”, theo Thủ tướng Chính phủ.

Ngọn lửa bập bùng

Mặc dù quả quyết: “chúng ta không thể đóng cửa mãi”, nhưng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh rằng: “không thể vì sức ép mở cửa mà lơ là chăm lo cho sức khỏe, tính mạng của nhân dân”. Thực tế cho thấy, sự đuối sức của nền kinh tế đã làm cho nguồn lực để bảo vệ người dân trước sự tấn công của dịch bệnh ngày càng căng thẳng, nên nếu dịch bệnh bùng phát trở lại, hậu quả rất khó lường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngày 24/10/2021.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngày 24/10/2021.

Nhất là khi lúc này, dịch bệnh trở thành ngọn lửa bập bùng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước bởi lây lan từ làn sóng người dân hồi hương. Trong khi đó, vắc-xin chưa được phủ đều ở các địa phương và mặc dù có tiến độ tiêm vắc-xin rất nhanh nhưng tỷ lệ tiêm vắc-xin của Việt Nam vẫn rất thấp so với thế giới và cả trong khu vực. Theo dữ liệu từ Our World in Data cập nhật ngày 27/9/2021, tỷ lệ dân số tiêm đủ liều ở Việt Nam là 8,42%, Thái Lan là 22,71%, Malaysia là 60,17%, Campuchia là 64,01%...

“Không được lơ là, chủ quan, nóng vội” là mệnh lệnh của Trung ương Đảng, tại Hội nghị Trung ương 4 diễn ra hồi đầu tháng 10. Ban Chấp hành Trung ương dự báo, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Thế giới khó có thể kiểm soát dịch bệnh một cách tuyệt đối. Do đó cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, "thích ứng an toàn, linh hoạt" với dịch bệnh.

Thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển là một trong những giải pháp hiệu quả để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển là một trong những giải pháp hiệu quả để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Trung ương Đảng yêu cầu phấn đấu kiểm soát về cơ bản được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc trong thời gian sớm nhất có thể để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung ưu tiên triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả cho nhân dân, người lao động và doanh nghiệp; nâng cao sức chống chịu, vượt qua khó khăn, thách thức; ổn định đời sống và phục hồi sản xuất kinh doanh. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Cẩn trọng từng bước

Thay mặt các cơ quan của Quốc hội (QH), ngay tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ hai, ngày 20/10 cả Ủy ban Kinh tế của QH và Ủy ban Xã hội của QH cùng đề nghị Chính phủ khẩn trương chuẩn bị chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả, có phân chia theo giai đoạn, sớm trình QH xem xét, quyết định. QH cũng nêu rõ quan điểm: “không chủ quan, nóng vội nhưng cũng không để lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục của kinh tế thế giới” và “tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe của nhân dân, duy trì hoạt động kinh tế - xã hội bình thường ở mức độ tối đa”.

Năng lực đi lên, nguồn lực đi xuống

Một trong những nguyên nhân khiến Chính phủ phải “đau đầu” về bài toán cân bằng sinh mệnh, sinh kế là mối tương quan tỷ lệ nghịch giữa năng lực và nguồn lực. Thủ tướng đánh giá, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch Covid-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021, rủi ro tiếp tục gia tăng.

Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế.

Cẩn trọng từng bước đi là một trong những yêu cầu quan trọng được Chính phủ đặt ra trong phục hồi nền kinh tế. Ngày 24/10/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Dự thảo này đã được Thường trực Chính phủ họp nhiều lần, trong vòng hai tháng qua, liên tục được bổ sung, hoàn thiện, để “tạo được sự đồng thuận, hiệu quả, khả thi”, theo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng nêu rõ, chương trình phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; đánh giá, dự báo tình hình phải đúng, sát thực tế, khách quan, trung thực, phải dựa trên số liệu thống kê có độ tin cậy cao. Đồng thời, chương trình đánh giá những việc đã triển khai, các bài học kinh nghiệm, kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian qua.

Người đứng đầu Chính phủ kiên định với chỉ đạo đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Phòng, chống dịch là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị là đặc biệt quan trọng; đề cao ý thức, trách nhiệm, tính tự chủ của người dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch. Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục và ổn định thị trường lao động, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

Bao giờ “khỏe” lại?

Nếu như chống dịch đang dần chuyển sang trạng thái “sống chung” thì phục hồi kinh tế lại phải đối mặt hàng rào cản trở. Diễn biến mới nhất là giá xăng vừa tăng lên mức 24.430 đồng/lít, mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Đại biểu QH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhận xét, giá xăng dầu (là giá đầu vào của rất nhiều hoạt động kinh tế xã hội) cao khiến cho nhiều ngành như giao thông vận tải, du lịch… giờ chịu thêm tác động kép, càng thêm khốn đốn. Giá xăng dầu tăng cao, tăng nhanh, sẽ đẩy theo chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác và điều này sẽ làm chậm quá trình phục hồi.

Cùng lúc, giá thịt lợn triền miên “rớt” dài khiến khiến nông dân điêu đứng. Dù cửa đã mở ở tất cả các tỉnh thành nhưng đi lại vẫn phải hạn chế vì lo chi phí giá xăng đội cao trong khi thịt lợn ế có nguyên nhân vì cung không giảm nhưng cầu giảm do người dân phải tiết kiệm chi tiêu. Chưa hết, trời đổ mưa liên tục, hoa màu tơi bời khiến loại thức ăn vẫn dành cho người nghèo là rau, giờ cũng khiến người giàu phải cân nhắc vì giá “leo thang”… Không dám đi, không dám ăn, cứ như vậy thì lúc nào mới có thể “khỏe” lại?

Theo nhận định của Ủy ban Kinh tế QH thì triển vọng phục hồi kinh tế năm tới được dự báo tương đối tích cực, tuy nhiên tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro như: áp lực lạm phát, giá cả hàng hóa gia tăng, phá sản, nợ xấu, đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ sản xuất, suy giảm dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước...

Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm rất cao phục hồi kinh tế khi đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 6 - 6,5%. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong đó chú trọng đến việc tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh; phát triển mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; thu hút lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc khi dịch bệnh được kiểm soát… Đồng tình với mục tiêu GDP tăng 6 - 6,5%, dù vậy, Ủy ban Kinh tế QH khuyến nghị bên cạnh đặt mục tiêu cao để phấn đấu, cần cân nhắc tính khả thi khi thực hiện.

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam