TP. Hồ Chí Minh: Vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp mới giảm 47%

17:16 | 01/11/2021 Print
(TBTCO) - Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh 10 tháng đầu năm, chính quyền đã cấp phép thành lập doanh nghiệp mới cho 23.847 đơn vị, với tổng vốn đăng ký 392.624 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2020, số giấy phép giảm hơn 28% và vốn đăng ký giảm 47%.

Trong đó, nếu phân theo loại hình, công ty TNHH có 20.527 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, chiếm 86% trong tổng số DN mới được cấp phép, giảm 28,1% (so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký 218.847 tỷ đồng, giảm 8%; công ty cổ phần có 3.133 đơn vị, giảm 28,7%, với vốn đăng ký 173.578 tỷ đồng, giảm 65,5%; DN tư nhân có 185 đơn vị, giảm 15,1%, với vốn đăng ký đạt 198 tỷ đồng, giảm 25,9%.

10 tháng đầu năm, TP. Hồ Chí Minh có hơn 1.500 doanh nghiệp bất động sản mới. Ảnh Đỗ Doãn
10 tháng đầu năm, hoạt động đăng ký thành lập doanh nghiệp mới thuộc lĩnh vực bất động sản TP. Hồ Chí Minh giảm hơn 22% so cùng kỳ. Ảnh Đỗ Doãn

Còn nếu phân theo khu vực kinh tế, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 107 DN mới được cấp phép, giảm 43,4%, với tổng vốn đăng ký 2.784 tỷ đồng, giảm 7,7%. Khu vực công nghiệp, xây dựng có 4.436 DN mới, giảm 39,7%, với vốn đăng ký đạt 110.735 tỷ đồng, tăng 17%. Trong đó, ngành xây dựng có 2.001 DN mới, giảm 37,5%, vốn đạt 34.114 tỷ đồng, giảm 36,5%; nhóm các ngành công nghiệp có 2.435 đơn vị, giảm 41,4%, với vốn đăng ký đạt 76.621 tỷ đồng, tăng 87,2%.

Khu vực thương mại, dịch vụ có 19.304 DN mới được cấp phép, giảm 24,7%, với vốn đăng ký đạt 279.105 tỷ đồng, giảm 56,6%. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản có 1.503 DN mới, giảm 23,2%, với vốn đăng ký 88.356 tỷ đồng, giảm 79,3%; thương nghiệp có 9.288 DN mới, giảm 23,9%, vốn đăng ký 92.830 tỷ đồng, giảm 2,2%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 2.701 DN mới, với vốn đăng ký 35.729 tỷ đồng, giảm 23,6% về số giấy phép và 20,2% về vốn đăng ký.

Được biết, sau hơn 3 tháng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 từ tháng 7/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở TP. Hồ Chí Minh cơ bản đã được kiểm soát. Một số hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được phép mở cửa hoạt động trở lại theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn". Tình trạng thiếu hụt lao động và đứt gãy chuỗi cung ứng diễn ra do người lao động dịch chuyển về các tỉnh và các địa phương kiểm soát phương tiện vận chuyển…/

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam