Thu ngân sách 10 tháng đạt hơn 91% dự toán

07:45 | 03/11/2021 Print
(TBTCO) - Theo Bộ Tài chính, tính từ đầu năm đến 31/10/2021, thu ngân sách nhà nước đạt 1.224,3 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán. Cùng với triển khai kịp thời các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp theo quy định, các cơ quan thuế, hải quan đã tăng cường các giải pháp nhằm thu đúng, thu đủ về ngân sách, phấn đấu đảm bảo các cân đối thu-chi ngân sách nhà nước theo dự toán đề ra.

Thu nội địa tháng 10 tăng khoảng 59 nghìn tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 10 đạt 133,2 nghìn tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 116,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 59 nghìn tỷ đồng so với tháng 9. Thu nội địa trong tháng 10 tăng so với tháng 9 là do tháng 10 là thời điểm các doanh nghiệp kê khai, nộp các khoản thuế theo chế độ được phép thu theo quý (như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế gia trị gia tăng của doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỷ đồng phát sinh quý III chuyển nộp trong đầu quý IV). Đồng thời, trong tháng 10 thực hiện thu vào NSNN khoảng 16 nghìn tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đã hết thời gian được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ.

Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp, thực hiện hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội.
Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp, thực hiện hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội.

Thu từ dầu thô tháng 10 đạt 3,8 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ số thu tháng 9. Giá dầu thô thế giới trong tháng 10 tiếp tục xu hướng tăng (giá dầu Brent hiện đang dao động khoảng 83-85USD/thùng); giá dầu thanh toán bình quân trong tháng của Việt Nam khoảng 76 USD/thùng, tăng 31 USD/thùng so giá dự toán. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 10 đạt 12,95 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở: tổng số thu thuế đạt gần 28 nghìn tỷ đồng; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ là 15 nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu tổng hợp của Kho bạc Nhà nước trên hệ thống Tabmis đến hết ngày 31/10/2021, thu NSNN 10 tháng đạt 1.224,3 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán (ngân sách trung ương - NSTW đạt 87% dự toán; ngân sách địa phương đạt 96,7% dự toán), trong đó: thu nội địa đạt 998,2 nghìn tỷ đồng, bằng 88% dự toán; thu từ dầu thô đạt 33,2 nghìn tỷ đồng, bằng 143% dự toán; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 192,2 nghìn tỷ đồng, bằng 107,7% dự toán.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Về chi NSNN, tổng chi NSNN tháng 10 đạt 107,3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 10 tháng đạt 1.149,4 nghìn tỷ đồng, bằng 68,1% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 257,39 nghìn tỷ đồng, bằng 53,9% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi đạt 85,37 nghìn tỷ đồng, bằng 77,6% dự toán; chi thường xuyên đạt gần 798,1 nghìn tỷ đồng, bằng 77% dự toán.

Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 10 tháng có thặng dư; tuy nhiên, cân đối NSTW bội chi, ngân sách địa phương có thặng dư lớn.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. Lũy kế đến ngày 28/10/2021 đã thực hiện phát hành được 253,86 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,34 năm, lãi suất bình quân 2,27%/năm.

Vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa triển khai các giải pháp thu ngân sách

Theo Bộ Tài chính, mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, thu NSNN 10 tháng đầu năm vẫn đảm bảo tiến độ dự toán và tăng so với cùng kỳ, nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020.

Hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp, thực hiện hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện giãn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất và nhiều khoản phí, lệ phí. Thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ, cơ quan Thuế đã tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn cho khoảng 120 nghìn doanh nghiệp và gần 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh, với tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 78,84 nghìn tỷ đồng, trong đó đến hết tháng 10, đã thực hiện thu vào NSNN khoảng 53,84 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, ước tính đến hết tháng 10, đã thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí là 16,27 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp, thực hiện hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện giãn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất và nhiều khoản phí, lệ phí. Thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ, cơ quan Thuế đã tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn cho khoảng 120 nghìn doanh nghiệp và gần 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh, với tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 78,84 nghìn tỷ đồng, trong đó đến hết tháng 10, đã thực hiện thu vào NSNN khoảng 53,84 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, ước tính đến hết tháng 10, đã thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí là 16,27 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh.

Cùng với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm thu đúng, thu đủ về ngân sách, cơ quan thuế, hải quan đã thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, thu đòi nợ thuế, tăng cường đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại. Tính đến ngày 15/10/2021, toàn hệ thống thuế đã thực hiện 49.083 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 676.567 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 35,127 nghìn tỷ đồng. Số tiền đã nộp NSNN (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính) là 5,408 nghìn tỷ đồng.

Đến ngày 15/10/2021, Cơ quan Hải quan đã thực hiện: 150 cuộc thanh tra, kiểm tra toàn ngành (48 cuộc thanh tra chuyên ngành và 102 cuộc kiểm tra nội bộ), kiến nghị truy thu 288,698 tỷ đồng, đã nộp NSNN 227,087 tỷ đồng; 1.328 cuộc kiểm tra sau thông quan, tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 545,76 tỷ đồng, đã thực thu vào NSNN số tiền là 494,73 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bắt giữ 11,96 nghìn vụ vi phạm với trị giá hàng hóa 2,07 nghìn tỷ đồng, xử lý thu vào NSNN 170,3 tỷ đồng.

Tại Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thông tin đến các đại biểu Quốc hội về một số giải pháp ngành Tài chính đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai, vừa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, vừa đảm bảo các cân đối lớn của ngân sách. Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã thực hiện giãn, giảm, miễn nhiều sắc thuế, nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành, dự kiến, ngành Tài chính sẽ đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra. Thu ngân sách dự kiến đạt và vượt dự toán. Các cân đối ngân sách được đảm bảo, bội chi ngân sách đạt chỉ tiêu Quốc hội phê chuẩn.

Ngân sách chi hơn 31,5 nghìn tỷ đồng phòng, chống dịch

Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 10 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách. Cả NSTW và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ước tính đến hết tháng 10, NSNN đã chi 31,55 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và 19,22 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trong đó, trung ương đã chi 24,88 nghìn tỷ đồng, bao gồm: 18,13 nghìn tỷ đồng từ dự phòng NSTW năm 2021 để mua vắc-xin và chi cho công tác phòng, chống dịch (bổ sung cho Bộ Y tế 6,9 nghìn tỷ đồng, Bộ Quốc phòng 2,71 nghìn tỷ đồng; Bộ Công an 1,44 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ các địa phương 5,32 nghìn tỷ đồng); mua gạo dự trữ quốc gia xuất cấp cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 (bổ sung cho Bộ Tài chính 1,7 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ (hỗ trợ cho các địa phương 56 tỷ đồng); 6,337 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi NSTW năm 2020 bổ sung cho Bộ Y tế mua vắc-xin; 413 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2019 hỗ trợ cho các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ. Các địa phương đã chi từ ngân sách địa phương là 25,89 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất 7,94 nghìn tỷ đồng từ Quỹ vắc-xin phòng Covid -19 để mua vắc-xin; xuất cấp vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch; xuất cấp 137,09 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia cho 31 địa phương để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam