So sánh "sức khỏe" tài chính 2 ngân hàng SeABank và MSB

17:26 | 03/11/2021 Print
(TBTCO) - SeABank và MSB là hai ngân hàng có tổng tài sản tương tự nhau. Tuy nhiên, đặc thù kinh doanh của mỗi ngân hàng với cơ cấu tài chính khác nhau cũng để lại những hình thái riêng.

Chân dung SeABank và MSB

Báo cáo cáo tài chính quý III/2021 của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) ghi nhận sự ngang ngửa nhau về tổng tài sản. SeABank có giá trị tài tản tại ngày 30/9/2021 là gần 198 nghìn tỷ đồng, trong khi MSB cũng có tới 196 nghìn tỷ đồng ở chỉ tiêu này.

So sánh
So sánh sức khỏe tài chính 2 ngân hàng SeABank và MSB. Ảnh: T.L
Sửa đổi giấy phép tại 2 ngân hàng và 2 công ty tài chính So sánh lãi suất 4 "ông lớn" ngân hàng trong tháng 10/2021 mới nhất So sánh lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 9/2021?

Trong các chỉ tiêu về vốn, SeABank có vốn điều lệ là gần 13,6 nghìn tỷ đồng, lớn hơn so với con số 11,8 nghìn tỷ đồng của MSB, nhưng vốn chủ sở hữu của MSB lại vượt trội hơn với 21,3 nghìn tỷ, còn SeABank chỉ có hơn 16 nghìn tỷ.

Tham gia gói tái cấp vốn giải cứu Vietnam Airlines

SeABank và MSB là 2 trong số 3 ngân hàng tham gia gói tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng giải cứu Vietnam Airlines (ngân hàng còn lại là SHB). Gói tín dụng này nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn bằng đồng Việt Nam, không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng và số tiền cho vay của các khoản cho vay của tổ chức tín dụng đối với Vietnam Airlines.

Lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm; lãi suất áp dụng đối với nợ gốc tái cấp vốn quá hạn thực hiện theo quy định tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Sự lép vế phần nào của SeABank về quy mô vốn chủ sở hữu không làm cản trở tham vọng của ngân hàng này trên thị trường tín dụng. Các con số cho thấy sự ảnh hưởng của ngân hàng này thậm chí còn nhỉnh hơn so với MSB và về quy mô vốn huy động và quy mô dư nợ cho vay khách hàng.

Cụ thể, SeABank nhỉnh hơn cả ở quy mô huy động vốn lẫn quy mô cho vay khách hàng. Chỉ tiêu huy động vốn của SeABank và MSB lần lượt là 110 nghìn tỷ đồng và 94 nghìn tỷ đồng, còn số dư cho vay khách hàng là hơn 111 nghìn tỷ đồng và khoảng 97 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, cái giá mà SeABank phải trả cho sự phình to sức ảnh hưởng về quy mô tín dụng trong khi vốn chủ sở hữu thấp hơn ngân hàng bạn là việc phải chịu những khoản chi phí lớn về lãi tiền gửi.

Báo cáo thu nhập 9 tháng đầu năm cho thấy các khoản chi phí lãi và các chi phí tương tự của SeABank lên tới hơn 5 nghìn tỷ đồng, trong khi MSB chỉ phải chịu khoảng gần 3,3 nghìn tỷ đồng cho các khoản chi phí này. Điều này lý giải tại sao quy mô tín dụng dù thấp hơn, nhưng MSB có được thu nhập lãi thuần cao hơn so với SeABank, với chỉ tiêu 9 tháng của 2 ngân hàng này lần lượt là 4,5 nghìn tỷ đồng và 3,8 nghìn tỷ đồng.

Nhờ thu nhập lãi thuần cao hơn, lợi nhuận sau thuế của MSB cũng đạt cao hơn so với SeABank, cụ thể là 3,3 nghìn tỷ và hơn 2 nghìn tỷ đồng.

Đo lường một vài yếu tố rủi ro

Nếu tính về giá trị tuyệt đối, SeABank có vẻ lép vế hơn khá nhiều người đồng nghiệp MSB về quy mô lợi nhuận. Ngoài ra, mức chênh lệch về tỷ suất lợi nhuận so với quy mô vốn chủ sở hữu của 2 ngân hàng cũng có sự chênh lệch.

9 tháng đầu năm 2021, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của SeABank ghi nhận mức khoảng 12,6%, trong khi của MSB là 15,4%. Con số này cho thấy SeABank đang đối diện với những bất lợi về quy mô vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn cố gắng đẩy mạnh hoạt động tín dụng.

Tỷ lệ các khoản cho vay khách hàng phải trích lập dự phòng của SeABank tại thời điểm cuối tháng 9 ở mức khoảng 1,24% trên tổng dư nợ, cao hơn so với 1,22% của MSB. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là xu hướng các khoản nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của MSB đang tăng khá mạnh trong giai đoạn 9 tháng đầu năm. Cụ thể, nợ nhóm 5 của MSB hồi đầu năm 2021 chỉ ở mức khoảng 868 tỷ đồng, nhưng đã vọt lên mức 1.102 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2021. Về phía SeABank, ngân hàng này đã giữ khá ổn định không để nợ nhóm 5 tăng đáng kể trong 9 tháng đầu năm.

Trong khi đó, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) của MSB cũng tăng mạnh từ 394 tỷ đồng lên 585 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021, còn nợ nghi ngờ của SeABank giảm trong giai đoạn này.

Ngoài ra, yếu tố rủi ro của mỗi ngân hàng cũng có thể nhìn nhận ở những góc độ khác nhau. SeABank chịu rủi ro lớn hơn với tình trạng vốn chủ sở hữu thấp hơn, nhưng lại có quy mô tín dụng cao hơn so với ngân hàng bạn MSB. Mặc dù vậy, rủi ro của MSB nằm ở tỷ lệ cho vay theo thời hạn cho vay, với giá trị các khoản cho vay trung và dài hạn của MSB đang cao hơn khá nhiều so với của SeABank.

Tại thời điểm ngày 30/9/2021, SeABank có dư nợ cho vay trung hạn là hơn 25,3 nghìn tỷ đồng, cho vay dài hạn là khoảng 26,4 nghìn tỷ đồng, tổng cả 2 khoản này là 51,7 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay trung và dài hạn có giá trị khoảng 46% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Trong khi đó với MSB, có số dư các khoản cho vay trung hạn là gần 24 nghìn tỷ đồng, cho vay dài hạn là gần 27,4 nghìn tỷ đồng. Tổng 2 khoản này là khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 52,4% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Quy mô cho vay theo đối tượng khách hàng (nghìn tỷ đồng)

SeABank

MSB

Tổng dư nợ

112,6

98

Công ty TNHH

28,6

22

CTCP khác

48

45

Hộ kinh doanh, cá nhân

21,1

25

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam