Sản xuất dần phục hồi và kỳ vọng tăng mạnh trong 2 tháng cuối năm

16:32 | 03/11/2021 Print
Nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10 đã dần hồi phục, chỉ số sản xuất ước tính tăng 6,9% so với các tháng trước. Song, hiện doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với không ít rào cản cần được tháo gỡ kịp thời để đạt được mức tăng trưởng khả quan trong 2 tháng cuối năm.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tính tăng 6,9%

Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong 10 tháng năm 2021, nền sản xuất - kinh doanh của nước ta tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, từ cuối tháng 4 đến nay, khi dịch bệnh bùng phát mạnh đã tác động tiêu cực đến một số khu công nghiệp, nơi tập trung lượng lớn lao động, có các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh, thành phía Nam…gây ảnh hưởng lớn tới các chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Thêm vào đó, giá một số mặt hàng nguyên vật liệu tăng cao, cước phí vận chuyển quốc tế tăng mạnh; các thị trường xuất khẩu sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu... đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, nước ta đã phải thay đổi định hướng, hướng tới nâng cao nội lực, thị trường trong nước, phát triển bền vững và thúc đẩy kinh tế số.

Sản xuất dần phục hồi và kỳ vọng tăng mạnh trong 2 tháng cuối năm
Sản xuất được kỳ vọng tăng mạnh trong 2 tháng cuối . Ảnh: TL

Báo cáo của Bộ Công thương cho hay, trong tháng 10, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều địa phương, nhất là TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã nới lỏng các hoạt động và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Nhờ đó, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10 đã có những dấu hiệu phục hồi nhẹ khi chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước. Trong đó, đáng chú ý, có một số ngành đạt mức tăng trưởng cao so với tháng trước như khai khoáng tăng 9%; chế biến, chế tạo tăng 6,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,5%...

Như vậy, tính chung 10 tháng năm 2021, IIP của toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 2,7% của cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%...

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, các chỉ số trên cho thấy, nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10 đã dần hồi phục so với các tháng trước đó. Đây là nền tín hiệu đáng mừng và là nền tảng để ổn định, phát triển lại nền sản xuất trong thời gian tới.

Chính sách nhiều địa phương vẫn gây khó cho doanh nghiệp

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Công thương nêu rõ, đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là tại các tỉnh phía Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện phương án “3 tại chỗ” vì phải tổ chức thay đổi người lao động do thời gian kéo dài giãn cách xã hội, người lao động không tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp dẫn đến lực lượng lao động giảm…

Hơn thế nữa, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc nhập nguyên vật liệu đầu vào và vận chuyển hàng hóa dẫn đến giảm sản lượng sản xuất; phải chi trả các chi phí phát sinh phòng chống dịch (như chi phí xét nghiệm Covid-19 cho công nhân, chi phí mua sắm các trang thiết bị phòng dịch, thực hiện 3 tại chỗ...).

Trong khi đó, hiện vẫn còn một số địa phương tổ chức các biện pháp phòng chống dịch cao hơn quy định Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Một số tỉnh chậm ban hành các hướng dẫn đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc dần hồi phục các hoạt động sản xuất, đặc biệt là các khó khăn về lao động.

Ngoài ra, việc xử lý, tháo gỡ, khôi phục sản xuất tại một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, hoạt động của doanh nghiệp đình trệ tác động đến phát triển sản xuất nói riêng và tăng trưởng nền kinh tế nói chung.

Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, hồi phục lại “sức khỏe” sau bão dịch, các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần sớm tháo gỡ những nút thắt, rào cản và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp.

Dự báo, từ tháng 11/2021, nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan, các biện pháp hỗ trợ, khôi phục nền kinh tế được triển khai đồng bộ, khả năng sản xuất công nghiệp trong 2 tháng cuối năm sẽ có sự tăng trưởng cao hơn, bù đắp phần nào sự sụt giảm từ đầu năm./.

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam