Mổ xẻ mảng sáng – tối trong bức tranh nhập khẩu 10 tháng

09:55 | 04/11/2021 Print
(TBTCO) - Bức tranh nhập khẩu trong 10 tháng năm 2021 chứa đựng nhiều mảng sáng – tối đan xen. Song, con số nhập siêu đang ít nhiều ảnh hưởng đến “sức khỏe” của nền kinh tế và về lâu dài, sự gia tăng kim ngạch các mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền sản xuất và hàng hóa nội địa.

Nhập siêu 1,45 tỷ USD trong 10 tháng

Theo số liệu mới nhất Bộ Công thương vừa công bố, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10 ước tính đạt 26,2 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 3,4% (tháng 9 giảm 6,3%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,6 tỷ USD, giảm 4,1% (tháng 9 giảm 1,5%). So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10 ước tăng 8,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 2,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,2%.

Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 269,38 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 92,5 tỷ USD, tăng 22,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 176,88 tỷ USD, tăng 31,3%.

Thống kê cụ thể cho thấy, trong tháng 10, kim ngạch nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 23,52 tỷ USD, giảm 2,8% so với tháng trước (tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2020). Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này ước đạt 239,32 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 88,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Mổ sẻ mảng sáng – tối trong bức tranh nhập khẩu 10 tháng
Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu trong 10 tháng tăng mạnh tới 24,1%. : TL

Tuy nhiên, điều đáng nói là nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu trong 10 tháng năm 2021 ước đạt 16,19 tỷ USD, tăng mạnh tới 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nhóm hàng này, kim ngạch nhập khẩu rau quả tăng 14,6%; bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng 28,4%; ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 47,2%; phế liệu sắt thép tăng 78,7%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 58,3%...

Theo đó, tính chung 10 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 1,45 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 21,28 tỷ USD.

Cần điều tiết nhập khẩu bằng nhiều giải pháp

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhìn chung, từ giữa năm đến nay, nhập khẩu tăng khá cao ở nhóm hàng nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất như nguyên phụ liệu dệt may, vải, bông, da giầy, linh kiện lắp ráp điện tử… "Do đó, việc gia tăng kim ngạch nhập khẩu phần nào cho thấy, nền sản xuất nước ta đang phục hồi mạnh mẽ sau những suy giảm, đình trệ do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Về vấn đề này, Bộ Công thương cũng lý giải, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhập siêu trong 10 tháng năm 2021 là do kinh tế thế giới phục hồi nhu cầu tăng, các doanh nghiệp nước ta đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất.

Hơn thế nữa, giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao cũng góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu nước ta. Ngoài ra, giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu; xuất khẩu lại giảm tốc từ tháng 6…

Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh chung cho thấy, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu bắt đầu có dấu hiệu tăng cao. Đặc biệt là những mặt hàng nước ta có thể mạnh rau quả, hàng tiêu dùng…Các chuyên gia cho rằng, nước ta nên có giải pháp hạn chế nhập siêu các mặt hàng này bởi “về lâu dài, nó sẽ gây ra khó khăn cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước và làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt; nhất là trong bối cảnh, doanh nghiệp nội đang gặp rất nhiều khó khăn về thị trường đầu ra và nước ta đang đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiếu, chúng ta có thể điều tiết nhập khẩu theo hướng khuyến khích nội địa hóa, khuyến khích dùng hàng nội thông qua các chính sách kích cầu, ưu đãi, giảm giá thành, nâng cao chất lượng, khuyến mãi…

Bộ Công thương cho hay, từ nay đến cuối năm sẽ tập trung chú trọng công tác triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA; đồng thời tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu… nhằm tận dụng tối đa các cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, lấy lại đà xuất siêu.

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam