Tăng độ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 để thích ứng an toàn

21:32 | 03/11/2021 Print
(TBTCO) - Theo các chuyên gia, nhiều địa phương đang quyết liệt thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, tăng nhanh độ bao phủ. Đây là giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Hà Nội thực hiện quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch Covid-19 Từ tháng 11/2021, tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em trên toàn quốc Ban hành Bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch Covid -19

Sống chung an toàn với dịch Covid-19

Theo Bộ Y tế, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế nêu cụ thể 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, gồm: tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc-xin; đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

Tăng độ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 để thích ứng an toàn
Đã có 6 địa phương triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Ảnh: TL.

Sau gần 2 năm xuất hiện và diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, đại dịch Covid-19 đến nay vẫn liên tục xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Trước tình trạng này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thay đổi quan điểm ứng phó dịch bệnh từ “Zero Covid-19” sang “sống chung an toàn với Covid-19”. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa thể đánh giá được mất bao lâu để Covid-19 trở thành căn bệnh thông thường, nhưng chiến dịch tiêm vắc-xin sẽ giúp các quốc gia giảm tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nặng phải nhập viện và tử vong.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 128 được Chính phủ ban hành đã đáp ứng với tình hình phòng, chống dịch Covid-19 mới hiện nay.

Nghị quyết 128 quy định và hướng dẫn đánh giá nguy cơ dịch bệnh để đưa ra những đáp ứng một cách hợp lý nhất, tránh hiện tượng dịch ở mức độ nguy cơ cao nhưng đáp ứng thấp dẫn đến không phòng được dịch. Đồng thời, điều này cũng tránh hiện tượng dịch ở mức độ nguy cơ thấp hoặc trên phạm vi nhỏ nhưng lại phản ứng thái quá ảnh hưởng tới làm ăn kinh tế và an sinh xã hội của người dân.

Ông Phu cho biết, theo Nghị quyết 128, kể cả địa phương ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), vẫn có một số hoạt động được phép. Đây là những hoạt động thiết yếu và được duy trì dựa trên những nguyên tắc là độ phủ của vắc-xin và đánh giá được nguy cơ có đáp ứng để kiểm soát dịch như số giường bệnh để tiếp nhận bệnh nhân cần can thiệp y tế, đảm bảo ca bệnh nặng không tử vong. Trên thực tế nhiều địa phương đã có kinh nghiệm chống dịch, do đó có thể đảm bảo vừa duy trì các hoạt động thiết yếu vừa chống dịch hiệu quả.

Trong đó, ngày 14/10, Bộ Y tế đã ban hành quyết định về tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Đây là quyết định hoàn toàn phù hợp và cũng là một cách đáp ứng trong tình hình phòng, chống dịch Covid-19 mới.

“Dịch bệnh không trừ một ai và trẻ em cũng mắc bệnh. Khi có vắc-xin tiêm cho trẻ em chúng ta sẽ tiêm cho trẻ em theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Trẻ em khi đi học cần có miễn dịch. Với việc chuyển chiến lược từ “Zero Covid-19” sang “sống chung an toàn với Covid-19”, trẻ em sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ hơn, bởi mầm bệnh sẽ có trong cộng đồng và sẽ có nhiều ca mắc hơn” - ông Phu nhấn mạnh.

Chiến lược vắc-xin đã phát huy hiệu quả

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong đợt dịch thứ 4, nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được áp dụng trên thực tiễn để đáp ứng với diễn biến mới của dịch bệnh, nhất là đối với sự lây lan nhanh của biến chủng Delta. Việc kết hợp đồng bộ, hiệu quả các biện pháp trong điều trị người bệnh đã góp phần giảm tử vong, tránh được cuộc khủng hoảng y tế xã hội như đã diễn ra ở một số quốc gia khác trên thế giới. Tác động phối hợp của giãn cách xã hội, xét nghiệm rộng, điều trị sớm, bao phủ vắc-xin, bảo đảm an sinh đã đem lại kết quả tích cực.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, với kinh nghiệm bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế ngày một nâng lên; chiến lược vắc-xin đã phát huy hiệu quả, chúng ta có thể chủ động hơn trong việc chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch. Mặc dù xuất phát điểm chậm, song tỷ lệ tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, nhanh hơn một số nước trong khu vực và mức trung bình của thế giới do đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam.

Còn theo các chuyên gia, Covid-19 sẽ luôn có biến thể, không thể loại trừ hoàn toàn, do đó, phải linh hoạt để thích ứng. Phải chấp nhận thực tế không thể đưa tỷ lệ nhiễm về 0, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 nhằm mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế thấp nhất ca mắc và tử vong, đưa cả nước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.

Tuy nhiên, cần lưu ý, nguy cơ bùng phát dịch rất lớn trong thời gian tới. Sau khi nới lỏng giãn cách, lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương rất nhiều và đã xuất hiện các ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ những người trở về từ các vùng dịch như Hà Nam, Phú Thọ, Thanh Hóa và các tỉnh Tây Nam Bộ.

Chiến lược sống chung thích ứng, an toàn và kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19 cần nhất sự tận tâm, tận lực, sự sáng tạo của các cấp, các ngành, các lực lượng và mỗi người dân cùng chung sức với Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền trong phòng chống dịch./.

Theo Bộ Y tế, tính đến cuối tháng 10/2021, Việt Nam đã tiếp nhận và phân bổ khoảng 109 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 các loại khác nhau. Tính đến 15h ngày 3/11, cả nước đã tiêm 84.215.474 liều vắc-xin, trong đó ngày 2/11 tiêm được 961.071 liều.

Về việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, hiện đã có 6 địa phương tiến hành tiêm là TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, Bình Dương, Kiên Giang, Ninh Bình và Quảng Ninh.

Đến nay các địa phương tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% là Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Bình Dương.

Có 9 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 2 mũi vắc-xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50% là Long An, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Bắc Ninh.

Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam