Nhức nhối buôn lậu thuốc, thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19

17:31 | 04/11/2021 Print
Lực lượng hải quan, công an và quản lý thị trường liên tiếp phát hiện và bắt giữ, khởi tố nhiều vụ buôn lậu thuốc, thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, do nhu cầu về dược phẩm, thiết bị y tế tăng cao, không ít đối tượng bất chấp vi phạm pháp luật tìm mọi cách buôn lậu để kiếm lời...

“Nóng” từ cửa khẩu đến thị trường nội địa

Tổng cục Hải quan cho biết, chỉ tính từ đầu quý III/2021 đến nay, lực lượng hải quan đã phát hiện và bắt giữ hàng chục vụ buôn lậu các trang thiết bị phòng dịch như: găng tay y tế, bộ kit test nhanh virus SARS-CoV-2…

Nhức nhối buôn lậu thuốc, thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19
Buôn lậu thuốc thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19: Gia tăng nhức nhối. Ảnh: Thanh Tùng

Mới đây, ngày 29/10/2021, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phối hợp với lực lượng chức năng đã khám xét 2 kiện hàng nhập khẩu trên chuyến bay từ Nga về Hà Nội, chuyển tiếp vào TP. Hồ Chí Minh phát hiện, thu giữ 266 hộp thuốc các loại tổng cộng hơn 3.000 viên thuốc có tác dụng điều trị, hỗ trợ điều trị Covid-19. Tất cả được nhập lậu, theo loại hình quà biếu, tặng, được cất giấu lẫn trong một vài món đồ dùng cá nhân, như quần áo, bánh kẹo...

Trước đó, ngày 28/9 tại một kho hàng ở xã Thạch Lỗi, Sóc Sơn, Hà Nội, Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội) khám xét 8 kiện hàng nghi vấn được nhập từ Ấn Độ theo loại hình phi mậu dịch về TP. Hồ Chí Minh và tiếp tục được chuyển ra Hà Nội trên chuyến bay nội địa.

Trên vận đơn hàng hóa thể hiện là thực phẩm hỗ trợ sức khỏe. Tuy nhiên, kết quả khám xét lực lượng hải quan thu giữ 17.000 viên thuốc điều trị Covid-19 và điều trị ung thư nhập lậu.

Buôn lậu thuốc thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 không chỉ bị phát hiện và bắt giữ ngay tại cửa khẩu, sân bay mà lực lượng chức năng bắt giữ nhiều vụ việc trong thị trường nội địa.

Tiêu biểu là ngày 18/7/2021, Đội Chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP. Hà Nội) phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra đối với cơ sở xoa bóp bấm huyệt tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) phát hiện, thu giữ trên 1.000 que thử Covid-19 không rõ nguồn gốc. Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng còn thu thêm 2.100 que test Covid-19 mang nhãn hiệu Nosocheckcomfort không có hóa đơn chứng từ hợp pháp.

Cần xử lý nghiêm để răn đe vi phạm

Theo đánh giá của cơ quan hải quan và quản lý thị trường trong những tháng cuối năm 2021, tình hình buôn lậu hàng hóa nói chung và hàng hóa thuốc, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19 có khả năng gia tăng. Việc mua bán những sản phẩm thuốc, thiết bị y tế giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đã gây ra không ít hậu quả nghiêm trọng do đó đối với các trường hợp vi phạm có tính chất nghiêm trọng cần xử lý nghiêm.

Đồng thuận với đánh giá nêu trên, theo luật sư Trần Xuân Tiền- Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội, để ngăn chặn tình trạng buôn lậu hàng hóa thuốc, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19, cơ quan hải quan, công an và quản lý thị trường cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để đảm bảo ngăn chặn vi phạm từ cửa khẩu hàng không, đường bộ cho đến thị trường nội địa.

Trong đó, cơ quan quản lý thị trường các địa phương cần tăng cường công tác quản lý tại địa bàn nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, đồng thời góp phần chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch Covid-19.

Đề cập đến việc xử lý vi phạm, cũng theo luật sư Trần Xuân Tiền, hiện nay, pháp luật nước ta đã có những quy định chi tiết, đầy đủ về việc xử lý vi phạm đối với hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu đủ sức răn đe, giáo dục cao. Vấn đề là các chế tài pháp luật được cơ quan chức năng áp dụng vào trường hợp thực tế, đặc biệt đối với vụ việc có tính chất nghiêm trọng.

Cụ thể, theo Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền có thể lên tới 50 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Trong trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu là trang thiết bị y tế, mức phạt trên có thể sẽ tăng gấp 2 lần.

Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện vận tải vi phạm đối với trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên, hoặc vi phạm nhiều lần, hoặc tái phạm.

Bên cạnh chế tài hành chính, người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Buôn lậu. Theo Điều 188 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người nào buôn bán hàng hóa qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật có thể bị phạt tiền lên đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù lên đến 20 năm.

Tổng cục Hải quan cho biết, trong những tháng cuối năm 2021, lực lượng hải quan tăng cường công tác thu thập xử lý thông tin, xác định trọng điểm, kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa phục vụ phòng chống dịch Covid-19… qua tuyến đường hàng không, chuyển phát nhanh. Tăng cường phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường trong việc phát hiện, bắt giữ và xử lý các vụ vi phạm.

Lực lượng hải quan cũng đặc biệt chú ý và kiểm tra và xử lý nghiêm doanh nghiệp cố tình khai sai tên hàng, khai báo là hàng mẫu, thực phẩm bảo vệ sức khỏe để buôn lậu thuốc, thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19. Các cá nhân lợi dụng loại hình hàng quà tặng, quà biếu, hàng giá trị thấp qua đường bưu chính quốc tế nhưng kiểm tra là tân dược, thuốc kháng Covid-19./.

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam