Bảo hiểm tiền gửi tham gia phát hiện sớm tổ chức tín dụng yếu kém

14:04 | 04/11/2021 Print
Theo tài liệu Hướng dẫn chung về phát hiện sớm và can thiệp kịp thời cho các hệ thống BHTG của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI, 2013), phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các ngân hàng yếu kém rất quan trọng đối với hoạt động hiệu quả và ổn định của hệ thống BHTG. Đây là chức năng quan trọng của các cơ quan trong mạng an toàn tài chính nhằm duy trì sự an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính.

Phát hiện sớm các ngân hàng yếu kém hoặc gặp khó khăn giúp tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) chuẩn bị kỹ lưỡng, nhanh chóng tích lũy và phân bổ tài chính, nhân lực cũng như nguồn lực một cách hợp lý để thực hiện hiệu quả chi trả cho tiền gửi, hoặc thỏa thuận việc chuyển tiền gửi như một phần của giao dịch mua lại và tiếp nhận nếu cần thiết.

Đồng thời, việc can thiệp kịp thời ở giai đoạn đầu có thể làm giảm khả năng phải xử lý ngân hàng, góp phần duy trì sự ổn định hệ thống và niềm tin công chúng, bảo vệ người gửi tiền tốt hơn và giảm thiểu thiệt hại cho quỹ BHTG.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan giám sát các tổ chức tín dụng (TCTD) và quyết định áp dụng biện pháp xử lý các TCTD yếu kém. BHTG Việt Nam (BHTGVN) thực hiện:

(i) Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG; kiến nghị NHNN xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về BHTG;

(ii) Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng;

(iii) Tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG, theo quy định của NHNN.

Như vậy, NHNN chịu trách nhiệm chính trong việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các TCTD yếu kém. BHTGVN hỗ trợ NHNN trong quá trình phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các TCTD yếu kém, thông qua việc giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt.

Tuy nhiên, vai trò, nhiệm vụ của thành viên Ban Kiểm soát đặc biệt là cán bộ của BHTGVN chưa được quy định cụ thể. Điều đó phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của BHTGVN.

Bảo hiểm tiền gửi tham gia phát hiện sớm tổ chức tín dụng yếu kém
Trụ sở Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Theo quy định tại Luật BHTG, BHTGVN được yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm. Đối với các thông tin báo cáo khác phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN, như: báo cáo tài chính, chỉ tiêu và báo cáo thống kê… của tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN được tiếp cận, khai thác từ kho dữ liệu của NHNN, theo quy định tại Thông tư số 34/2016/TT-NHNN ngày 28/12/2016 quy định việc cung cấp thông tin giữa NHNN và BHTGVN.

Cũng theo Thông tư số 34/2016/TT-NHNN, chậm nhất sau 10 ngày làm việc sau khi có thông tin về tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ mất khả năng chi trả, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng gửi thông tin về tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ mất khả năng chi trả cho trụ sở chính BHTGVN. Tuy nhiên, chưa có quy định về việc phối hợp giữa hai cơ quan này khi phát hiện tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ mất khả năng chi trả.

Tóm lại, để BHTGVN hỗ trợ hiệu quả NHNN trong việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các TCTD yếu kém, trong thời gian tới, cần nghiên cứu, đề xuất quy định cụ thể vai trò, nhiệm vụ của thành viên Ban Kiểm soát đặc biệt, cũng như cơ chế phối hợp giữa BHTGVN và NHNN, khi phát hiện tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ mất khả năng chi trả.

Đồng thời, BHTGVN cần tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp, cung cấp thông tin giữa BHTGVN, NHNN và các cơ quan liên quan, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Hoạt động giám sát rủi ro của BHTGVN nếu được thực hiện tốt sẽ tạo ra một kênh giám sát bổ sung, khách quan nhằm kiểm soát tốt rủi ro đối với các tổ chức tham gia BHTG, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

PV

© Thời báo Tài chính Việt Nam