Cuộc sống tốt hơn cho mọi người dân

07:54 | 05/11/2021 Print
(TBTCO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính mang đến Hội nghị COP26 một tinh thần Việt Nam “hết sức nỗ lực vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế”.

Cơ hội cuối cùng để cứu trái đất

Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu hay còn gọi là các kỳ Hội nghị COP diễn ra lần đầu vào năm 1995 tại Berlin (Đức). Từ đó đến nay, qua 25 kỳ Hội nghị diễn ra hằng năm nhưng phải đến COP 21 tại Paris (Pháp) với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được gần 200 quốc gia thông qua ngày 12/12/2015, mới đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hơn 20 năm theo đuổi mục tiêu chống biến đổi khí hậu của nhân loại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị COP26, ngày 2/11/2021.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị COP26, ngày 2/11/2021.

Dẫu vậy, kỳ họp gần nhất là COP 25 lại rơi vào bế tắc khi chỉ có 80 quốc gia nhỏ (chiếm 10,5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính) hứa sẽ nâng thêm mức cam kết của mình. Những “ông lớn” xả thải như Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Australia, Nhật, Canada... gần như không đưa ra tuyên bố đáng kể nào. Trong tuyên bố đưa ra ngay sau khi COP 25 kết thúc, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Tôi rất thất vọng về kết quả của COP 25. Cộng đồng quốc tế đã mất đi cơ hội quan trọng để thể hiện tham vọng lớn hơn về giảm nhẹ tác động, tăng cường thích nghi và tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu".

Những vấn đề còn vướng mắc như thị trường carbon lại bị hoãn đàm phán và chuyển sang kỳ COP26. Do vậy, COP26 được cho là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lớn nhất kể từ COP21. Hội nghị diễn ra từ ngày 31/10 - 12/11, được tổ chức tại Glasgow (Scotland) và do Vương quốc Anh làm chủ nhà. Lẽ ra, COP 26 được tổ chức vào năm 2020, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hội nghị này phải lùi lại. COP26 được coi là Hội nghị mang tính lịch sử, bởi theo Thủ tướng Anh Boris Johnson: “đây là cơ hội cuối cùng để cứu trái đất” .

Việt Nam tích cực tham gia vào các nỗ lực chung chống biến đổi khi hậu của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam tích cực tham gia vào các nỗ lực chung chống biến đổi khi hậu của cộng đồng quốc tế.

Thời gian tháng chạy, năm bay gấp gáp, trong khi những tác động của quá trình biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Nước chủ nhà Anh hy vọng thuyết phục các nhà lãnh đạo thế giới đạt được đồng thuận. Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo: “trong trường hợp con người để biến đổi khí hậu vượt tầm kiểm soát, thì nền văn minh của cả thế giới sẽ sụp đổ như đế chế La Mã trước đây”.

Hạnh phúc cho mai sau

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo COP26 với các nhà lãnh đạo cao nhất của các nước và Liên Hợp quốc cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy, thực thi các cam kết quốc tế, nhất là trong các vấn đề toàn cầu, đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, thể hiện Việt Nam là thành viên tích cực, một đối tác tin cậy và có trách nhiệm.

“Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đang hết sức nỗ lực vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trước 30.000 đại biểu là hơn 120 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng; Tổng thư ký Liên Hợp quốc cùng lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế, thể chế tài chính quốc tế, nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế lớn.

Những cái bắt tay tỷ đô

Anh đã lựa chọn Glasgow chứ không phải là London hay các thành phố lớn khác để tổ chức Hội nghị COP 26, bởi Glasgow là thủ phủ của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Vương quốc Anh đang dẫn đầu thế giới về những nỗ lực và cam kết chống biến đổi khí hậi. Trong thỏa thuận quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Vương quốc Anh được ký kết năm 2010, hai bên đặt phát triển bền vững, trong đó có chống biến đổi khí hậu, là một lĩnh vực hợp tác trọng tâm. Đối với Anh, Việt Nam là một nước có tiềm năng lớn để chuyển đổi sang năng lượng sạch thông qua loại bỏ dần điện than và tăng cường sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và năng lượng mặt trời. Hiện nay, nhiều tập đoàn năng lượng của Anh đã và đang quan tâm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Tại cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ngân hàng Standard Chartered – ông José Vinals cam kết đầu tư 8 tỷ USD phát triển bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới và hỗ trợ công nghệ cho các đối tác. Ngoài ra, cũng có 26 thỏa thuận hợp tác với tổng trị giá hàng tỷ USD trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng… của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam ký kết với các đối tác Anh dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Quỹ Đầu tư Affinity và Ngân hàng HDBank ký kết tài trợ 300 triệu USD cho chương trình phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu; Tập đoàn Vingroup và đại diện Công ty Raphael Labs (Anh) ký Thỏa thuận về hợp tác phát triển đầu tư thử nghiệm và chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phòng Covid-19 và các bệnh đường hô hấp...

Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, “những cam kết và hành động mang tính lịch sử của tất cả chúng ta hôm nay sẽ giúp để lại một hành tinh xanh, một không gian sinh tồn bền vững và hạnh phúc cho tất cả các thế hệ mai sau”. Cho rằng ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân; mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa về giảm phát thải khí nhà kính trên nguyên tắc trách nhiệm chung và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia.

Mặt trận không tiếng súng

Thế giới biết đến Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nề nhất thế giới. Chỉ tính riêng trong năm 2020, thời tiết cực đoan tại Việt Nam đã cướp đi hàng trăm sinh mạng và xóa sạch thành quả hàng chục năm về giảm nghèo của nhiều vùng. Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa, nông sản lớn, nơi sinh sống của 20 triệu người, đang bị nước biển dâng gây hậu quả nặng nề, nhất là vào cuối thế kỷ này.

Thế giới cũng biết đến Việt Nam là một quốc gia đặc biệt trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và nội lực kiên cường trong vượt lên thách thức về biến đổi khí hậu, “thuận thiên” để hành động biến nguy cơ thành thời cơ. Phát biểu tại Phiên họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về an ninh khí hậu hồi cuối tháng 9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gọi biến đối khí hậu là “mặt trận không tiếng súng” nhưng gây thiệt hại về kinh tế, sinh mạng không kém phần nguy hiểm như chiến tranh, xung đột nóng. Người đứng đầu Nhà nước nhấn mạnh Việt Nam cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, phát thải ít carbon như đã cam kết tại COP21 Paris.

Trước đó, vào cuối tháng 4, nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cùng 40 nguyên thủ tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, đưa ra thông điệp về một Việt Nam quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát thải bằng không. Sau Hội nghị này, Tổng thống Joe Biden gửi thư cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đóng góp cho thành công của Hội nghị, đặc biệt là bài phát biểu sâu sắc của Chủ tịch nước về các lợi ích kinh tế của hành động khí hậu và tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng tất cả các quốc gia sẽ cùng hành động.

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam