Sửa quy định về hoàn thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp điện

17:58 | 05/11/2021 Print
(TBTCO) - Trước những vướng mắc của các doanh nghiệp điện trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với dự án đầu tư, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Chính phủ nghị quyết tháo gỡ vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng.

Doanh nghiệp gặp khó vì quy định chuyên ngành

Phản ánh về vướng mắc trong hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với dự án đầu tư điện, ông Tomonori Dairaku - Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vân Phong cho biết, công ty đang trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy điện BOT Vân Phong 1, với tổng vốn đầu tư đã thực hiện hơn 1 tỷ USD.

Công ty đã được hoàn thuế GTGT trong giai đoạn đầu tư dự án. Tuy nhiên, việc hoàn thuế GTGT đã bị dừng kể từ lần nộp hồ sơ hoàn thuế vào tháng 12/2020 do vướng mắc về chính sách liên quan đến điều kiện hoàn thuế GTGT của dự án kinh doanh có điều kiện.

Việc dừng hoàn thuế kéo dài với số thuế GTGT còn được hoàn đã lên đến trên 900 tỷ đồng khiến doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, DN đã có nhiều văn bản giải thích, kiến nghị đến các cơ quan Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đề nghị sớm tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thuế GTGT cho DN.

Theo ông Tomonori Dairaku, phần thuế GTGT được hoàn là nguồn tài chính quan trọng để thanh toán các chi phí của dự án và các nhà thầu. Để dự án đảm bảo đúng tiến độ, công ty đã phải thu xếp kinh phí cần thiết sớm hơn so với kế hoạch ban đầu và chịu phát sinh thêm một khoản chi phí lãi vay khá lớn. Để dự án có thể triển khai theo đúng tiến độ cam kết, công ty đã có văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính nghiên cứu sớm giải quyết việc hoàn thuế GTGT cho DN.

Sửa quy định về hoàn thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp điện
Sẽ ban hành nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc về hoàn thuế GTGT cho các dự án điện. Ảnh minh họa.

Tương tự, Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và một số bộ, ngành có liên quan đến những khó khăn trong việc hoàn thuế các dự án năng lượng, trong đó nêu rõ, công ty thực hiện nhiều dự án đầu tư điện gió, điện mặt trời tại Ninh Thuận, Đắk Lắk, Trà Vinh với tổng giá trị đầu tư gần 2 tỷ USD, nộp ngân sách 1.400 tỷ đồng.

Để thực hiện dự án, công ty triển khai các hợp đồng mua sắm thiết bị với giá trị hàng nghìn tỷ đồng, theo quy định sẽ được hoàn thuế là 2.100 tỉ đồng. Tuy vậy, theo quy định của nhà nước, dự án nằm trong ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực thì chưa được hoàn thuế.

Đây là 2 trong số nhiều doanh nghiệp đang gặp vướng mắc trong hoàn thuế bởi chính sách pháp luật chuyên ngành có những điểm chưa thống nhất với chính sách pháp luật thuế.

Sẽ ban hành nghị quyết riêng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trước phản ánh của các DN liên quan đến những vướng mắc trong việc hoàn thuế GTGT đối với các DN kinh doanh có điều kiện, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu và phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Để bảo đảm đồng bộ với quy định của Luật Đầu tư, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện và tạo điều kiện cho cơ quan thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, sau khi tiếp thu ý kiến của các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ nghị quyết tháo gỡ vướng mắc về thuế với người nộp thuế.

Theo đó, kể từ ngày Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, dự án đầu tư kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được hoàn thuế GTGT khi đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 10 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ) và có một trong các giấy tờ sau:

Thứ nhất, giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Thứ hai, văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc đáp ứng được điều kiện để thực hiện đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới hình thức văn bản theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp dự án đầu tư kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà trong giai đoạn đầu tư, hoặc khi kết thúc giai đoạn đầu tư, pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành không yêu cầu một trong các giấy sau:

Thứ nhất, giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Thứ hai, văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, hoặc đáp ứng được điều kiện để thực hiện đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới hình thức văn bản theo quy định của pháp luật thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 10 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ).

Đối với dự án đầu tư kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 1 Nghị quyết này và đã được cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế GTGT trong giai đoạn đầu tư trước ngày ban hành Nghị quyết này, thì không thu hồi tiền hoàn thuế, nếu đã thu hồi tiền hoàn thuế thì được xử lý theo quy định của pháp luật quản lý thuế về xử lý tiền nộp thừa.

Theo dự thảo chính sách hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Điều 1 được áp dụng cho đến khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ có hiệu lực thi hành.

Với việc chủ động phối hợp với các bộ, ngành triển khai rà soát, sửa đổi những bất cập chính sách sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN được sớm hoàn thuế GTGT, đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn và đảm bảo thực hiện đúng tiến độ các dự án đầu tư.

Quy định không thống nhất gây khó cho doanh nghiệp

Theo quy định hiện hành, nhiều ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chỉ được cấp giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư kinh doanh sau khi đã hoàn thành việc đầu tư như: ngành điện lực theo quy định tại Thông tư số 21/2020/TT-BCT ngày 09/9/2020 của Bộ Công thương thì hồ sơ đề nghị giấy phép hoạt động điện lực nộp trước 15 ngày làm việc kể từ ngày dự kiến chính thức vận in hành.

Kinh doanh khai thác cảng biển theo quy định tại Nghị định số 37/2017/NĐ CP ngày 04/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển thì đối với điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phải đảm bảo cơ sở vật chất, kho, bãi, trang thiết bị cần thiết phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với cảng biển...

Theo quy định của Nghị định 100/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không được hoàn thuế GTGT khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư.

Những mâu thuẫn này khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn bởi có những đơn vị đang đầu tư thì không được cơ quan chức năng cấp giấy phép vì chưa hoàn thành cơ sở vật chất, điều kiện về phòng cháy chữa cháy, giấy phép hoạt động... đến khi dự án đầu tư đã hoàn thành, đủ điều kiện để được cấp giấy phép thì dự án đã đi vào hoạt động, do vậy không được hoàn thuế GTGT theo Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP.

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam