Đề xuất quy định chuẩn năng lực người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp

14:48 | 06/11/2021 Print
(TBTCO) - Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học nghề, mới đây Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vừa đề xuất nâng cao chuẩn năng lực người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đây là một bước trong việc giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng khả năng quản lý, phù hợp với môi trường giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại; thích ứng với xu thế phát triển trong tương lai.

Chưa có chuẩn năng lực của người đứng đầu

Theo thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cả nước có 1.989 cơ sở GDNN. Tất cả các thầy cô đều được đào tạo, có học bằng, học vị, kỹ năng nghề đáp ứng quá trình dạy học.

Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có quy định về trình độ, chuyên môn của giáo viên dạy trong các cơ sở GDNN, chưa có quy định cụ thể nào về chuẩn năng lực cho người đứng đầu các cơ sở GDNN này.

Đề xuất quy định chuẩn năng lực người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Học nghề cơ điện tại trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ảnh: Minh Anh

Trước thực trạng đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang dự thảo thông tư quy định chuẩn người đứng đầu cơ sở GDNN (bao gồm: hiệu trưởng trường cao đẳng, hiệu trưởng trường trung cấp, giám đốc trung tâm GDNN) và hướng dẫn sử dụng chuẩn năng lực thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cơ sở GDNN.

Theo dự thảo, mục đích ban hành quy định chuẩn năng lực thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cơ sở GDNN để người đứng đầu cơ sở GDNN thực hiện tự đánh giá năng lực thực hiện nhiệm vụ và tự xây dựng kế hoạch rèn luyện, bồi dưỡng đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu đổi mới GDNN và hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động của cơ sở GDNN.

Dự thảo thông tư nêu rõ 4 tiêu chuẩn năng lực thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cơ sở GDNN:

Tiêu chuẩn 1 - năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Người đứng đầu cơ sở GDNN có đủ các tiêu chuẩn đối với chức danh hiệu trưởng trường cao đẳng, hiệu trưởng trường trung cấp, giám đốc trung tâm GDNN theo quy định của Luật GDNN; thường xuyên học tập, rèn luyện để nâng cao năng lực bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển GDNN.

Tiêu chuẩn 2 - năng lực điều hành, lãnh đạo cơ sở GDNN: Người đứng đầu cơ sở GDNN có năng lực điều hành cơ sở GDNN phù hợp với môi trường GDNN mở, linh hoạt, hiện đại; thích ứng với xu thế phát triển trong tương lai.

Tiêu chuẩn 3 - năng lực quản trị cơ sở GDNN: Người đứng đầu cơ sở GDNN có năng lực thiết lập cơ cấu, tổ chức; năng lực quản trị tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản, cơ sở vật chất, tổ chức đào tạo, kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phù hợp với sứ mạng, tầm nhìn, chức năng, nhiệm vụ và chiến lược phát triển cơ sở GDNN.

Tiêu chuẩn 4 - năng lực tạo lập, hợp tác, phát triển các mối quan hệ xã hội: Người đứng đầu cơ sở GDNN có năng lực, kỹ năng đàm phán, hợp tác phát triển mối quan hệ với đối tác, nhà tài trợ, đơn vị truyền thông; chia sẻ giá trị, thực hiện trách nhiệm xã hội.

Đề nghị đánh giá xếp loại theo tiêu chuẩn

Không chỉ ban hành tiêu chuẩn năng lực của người đứng đầu, dự thảo cũng đề xuất quy trình đánh giá, xếp loại kết quả đánh giá theo tiêu chuẩn.

Theo đó, người đứng đầu cơ sở GDNN tự đánh giá theo 4 tiêu chuẩn nêu trên. Bên cạnh đó, phó hiệu trưởng/phó giám đốc trung tâm GDNN chủ trì, tổ chức lấy ý kiến đánh giá mức độ đạt chuẩn người đứng đầu cơ sở GDNN.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp cơ sở GDNN công lập, hội đồng quản trị hoặc thành viên sở hữu cơ sở GDNN tư thục thực hiện đánh giá mức độ đạt chuẩn của người đứng đầu trên cơ sở kết quả tự đánh giá của người đứng đầu, ý kiến của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động, đại diện người học và kết quả thực hiện nhiệm vụ thông qua các minh chứng xác thực, phù hợp; thực hiện thông báo kết quả đánh giá mức độ đạt chuẩn năng lực thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cơ sở GDNN đến người đứng đầu và cơ sở GDNN.

Ông Dương Đức Lân - Chủ tịch Hội GDNN và nghề công tác xã hội Việt Nam, cho rằng việc ban hành chuẩn năng lực với người đứng đầu các cơ sở GDNN là việc làm cần thiết. Bởi hiện nay bối cảnh công tác dạy nghề đã có những thay đổi. Việc quản lý không như xưa, đòi hỏi các nhà lãnh đạo các cơ sở GDNN phải có tâm, có tầm và phải có cùng lúc nhiều kỹ năng mở để đưa cơ sở GDNN của mình hội nhập, phát triển.

"Tôi cho rằng điều này là cần thiết, cần nhanh chóng phê duyệt đề án này để thực hiện. Khi chúng ta có một người lãnh đạo đủ tầm thì không có lý do gì để cơ sở GDNN ấy không phát triển, môi trường đào tạo nghề ấy không thu hút được người học" - ông Lân nói.

Tháng 6/2021 Bộ LĐTBXH cũng dự thảo thông tư hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành LĐTBXH.

Theo đó, định mức số lượng lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành LĐTBXH được đề xuất. Dự thảo nêu rõ, tỷ lệ giáo viên, giảng viên có trình độ sau đại học không ít hơn 15% tổng số giáo viên, giảng viên của trường trung cấp và không ít hơn 30% tổng số giáo viên, giảng viên của trường cao đẳng; bảo đảm mỗi ngành, nghề giảng dạy trình độ cao đẳng có giảng viên trình độ thạc sỹ trở lên.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam