“Ghế nóng” càng nóng nỗi thương dân

07:00 | 08/11/2021 Print
(TBTCO) - Có ý kiến can gián không chất vấn tại kỳ họp thứ hai để Chính phủ yên tâm chống dịch; lại có ý kiến “hiến kế” đổi phiên chất vấn thành “lắng nghe ý kiến nhân dân”. Nhưng Quốc hội vẫn quyết định giữ nguyên “thương hiệu” chất vấn. Có “ghế nóng” ở nghị trường, mới thổi bùng lên ngọn lửa thương dân.

Cần đúng và trúng

Ngay trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ hai, ngày 20/10/2021, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ đã lưu ý các đại biểu QH: “phải trên cơ sở thực tiễn sinh động, phong phú của ngành, lĩnh vực và địa phương mình, đồng thời xuất phát từ lợi ích cao nhất của đất nước, quốc gia và dân tộc… nghiên cứu kỹ lưỡng, phản ánh khách quan, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; chất vấn đúng và trúng các vấn đề trọng tâm, thời sự mà cử tri cả nước quan tâm”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng chủ trì cuộc họp ngày 14/10/2021 giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ hai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng chủ trì cuộc họp ngày 14/10/2021 giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ hai.

Đã xảy ra không hiếm các phiên chất vấn tại nhiều nhiệm kỳ QH trở thành diễn đàn để đại biểu QH ca ngợi các thành viên Chính phủ, hoặc để “lobby” chính sách cho các bộ, ngành. Nhưng nhìn chung, các phiên chất vấn luôn đặc biệt thu hút được sự quan tâm của dư luận và Nhân dân bởi sức nóng ở “ghế nóng”, thậm chí còn sôi sục đến mức gây ra “bão” ở Nghị trường, như phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo tại nhiệm kỳ XIV.

Hay như phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng tại nhiệm kỳ XIV, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nói thẳng đến mức không thể thẳng hơn: “báo cáo trả lời về trách nhiệm trong thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia dài đến 7 trang, nhưng trách nhiệm của Bộ kế hoạch và Đầu tư chỉ 1 trang và cách trả lời rất giống cách trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cách đây 3 nhiệm kỳ!”. Chưa hết, đại biểu Thúy còn dẫn lại phát biểu của đại biểu Nguyễn Ngọc Trân tại nhiệm kỳ QH khóa XI là “Bộ trưởng đưa ra cả một rừng luật nhưng không thấy trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu” để chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư.

“Ghế nóng” càng nóng nỗi thương dân
Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khoẻ cho người dân.

Lúc đất nước bình yên, mà các đại biểu còn thể hiện được tinh thần trách nhiệm rất cao cao như vậy. Giờ đây, trong bối cảnh, như nhận định của Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 4 diễn ra hồi đầu tháng 10: “đời sống của Nhân dân, sức chống chịu của người lao động ở vùng dịch bị ảnh hưởng rất nặng nề; nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”, nếu các phiên chất vấn ở Nghị trường không đúng và trúng, thì sẽ là phụ lòng dân.

Là “phải”, hay “được”?

“QH luôn đồng hành cùng Chính phủ, tận tâm tận lực phục vụ đất nước, phục vụ Nhân dân”- Chủ tịch QH Vương Đình Huệ khẳng định. Điều này thấy đặc biệt rõ trên mặt trận chống đại dịch. QH khẩn cấp “trao thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ là Nghị quyết 30; khẩn cấp quyết chi hàng trăm nghìn tỷ đồng cho Chính phủ chống dịch; UBTVQH thành lập Tổ công tác đặc biệt 24/7…

Trước khi diễn ra Kỳ họp thứ hai, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ và Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng chủ trì cuộc họp giữa Đảng đoàn QH và Ban Cán sự Đảng Chính phủ về việc chuẩn bị cho Kỳ họp. Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Đảng đoàn QH và Bí thư Đảng đoàn QH - Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã luôn quan tâm, sát sao, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Chính phủ.

Sự đồng hành, chia sẻ của Quốc hội (QH) với Chính phủ không là xuê xoa, nể nang nhau mà chính là đôn đốc, giám sát, theo lời nhấn mạnh của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ: “tất cả phải vì lợi ích cao nhất của đất nước, quốc gia và dân tộc”. Bởi vậy, dù đầy cảm thông với Chính phủ vất vả chống dịch, nhưng QH vẫn tiến hành các phiên chất vấn. Diễn đàn QH là nơi được Nhân dân gửi gắm, kỳ vọng, nơi phải trả lời cho được mọi câu hỏi, mọi bức xúc của Nhân dân.

“Chính phủ đánh giá rất cao sự phối hợp, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của Đảng đoàn QH, UBTVQH, đồng hành, chia sẻ với Chính phủ”- Thủ tướng bày tỏ - “chúng tôi rất cảm động!”. Thủ tướng cũng cảm ơn Đảng đoàn QH ủng hộ đề xuất của Chính phủ về việc báo cáo QH tổ chức thêm một Kỳ họp chuyên đề ngắn vào tháng 12.2021. Theo Thủ tướng, điều đó thể hiện sự chia sẻ sâu sắc của QH với Chính phủ trong kịp thời xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra.

Sự đồng hành, chia sẻ của QH với Chính phủ không là xuê xoa, nể nang nhau mà chính là đôn đốc, giám sát, theo lời nhấn mạnh của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ: “tất cả phải vì lợi ích cao nhất của đất nước, quốc gia và dân tộc”. Bởi vậy, dù đầy cảm thông với Chính phủ vất vả chống dịch, nhưng QH vẫn tiến hành các phiên chất vấn. Diễn đàn QH là nơi được Nhân dân gửi gắm, kỳ vọng, nơi phải trả lời cho được mọi câu hỏi, mọi bức xúc của Nhân dân.

Thực tế, đã có rất nhiều Bộ trưởng không từng ngại “ghế nóng”. Với họ, là “được” chứ không là “phải” đăng đàn, mỗi lần đăng đàn với họ là mỗi cơ hội để thể hiện được trách nhiệm cao nhất trước Nhân dân, ghế càng nóng, càng thấu hiểu đươc nỗi thương dân. Tại nhiệm kỳ QH khóa XIV, Bộ trưởng như Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ bày tỏ trước Nghị trường rằng: “Tôi mong suốt cả 2,5 ngày chất vấn mà cuối cùng chỉ có 1 câu hỏi dành cho tôi”. Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng tha thiết cảm ơn các đại biểu QH đã chất vấn mình vì trong lịch sử hoạt động của Chính phủ, gần như chưa bao giờ vị trí Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ được ngồi “ghế nóng”.

“Điểm cao”, cách nào?

4 Bộ trưởng sẽ lên “ghế nóng” từ ngày 10 đến 12/11/2021 là Bộ trưởng Y tế; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo. Cũng trong chương trình chất vấn lần này, Thủ tướng sẽ trao đổi, trả lời những vấn đề mà các Bộ trưởng, Trưởng ngành, các Phó Thủ tướng đã nêu mà thấy cần thiết phải tiếp tục có ý kiến của Thủ tướng. Đây là chương trình chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ QH khóa XV.

4 lĩnh vực được lựa chọn chất vấn lần này đều là các lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm của toàn dân. Với lĩnh vực y tế, dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường khi số ca mắc mới trong tuần này đã tăng khoảng 40% so với 2 tuần trước và đội ngũ y bác sĩ vẫn được tôn vinh là những “anh hùng áo trắng”. Song giờ đây dư luận bắt đầu nhiều hoài nghi về sự liêm chính của đội ngũ này khi Ủy ban Kiểm tra TƯ vừa đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành Y.

Thậm chí, một số người đã bị khởi tố như Giám đốc Bệnh viên Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn bị khởi tố vì vi phạm các quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố điều tra về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; còn vào cuối năm ngoái, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cùng 9 đồng phạm đã bị đưa ra xét xử vì có hành vi nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19…Đăng đàn trong bối cảnh uy tín ngành bị giảm sút nghiêm trọng như vậy, là sức ép to lớn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đối với ngành Lao động, Thương binh và xã hội, thì một bài học “nhớ đời” mà Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. HCM vừa nhận được từ dư luận hồi tháng 10, cũng là lời nhắc nhở gay gắt về việc tuyệt đối phải tôn trọng sự thật trong việc hỗ trợ cho Nhân dân. Giám đốc Sở Lao động Thương binh - Xã hội TP. HCM đã phải xin lỗi người dân sau khi phát ngôn: “chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khó vì dịch Covid- 19”.

Đối với ngành Giáo dục đào tạo, câu trả lời cho việc làm thế nào để giảng dạy trực tuyến không làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, sẽ rất khó nhận được sự hài lòng từ dư luận khi chưa nói gì đến vùng sâu, vùng xa mà ngay ở TP. HCM thống kê sơ bộ cũng còn thiếu 77.000 máy tính để học trực tuyến. Còn ngành Kế hoạch và đầu tư sẽ diễn giải về kịch bản phục hồi thế nào để có thể nguôi đi nỗi bất an cho đại biểu về những hạn chế thời gian qua ở cả cấp độ quốc gia và địa phương trong chiến lược ứng phó dịch bệnh gắn với hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế?

Tình hình cho thấy, để có thể đạt “điểm cao” khi đăng đàn, chỉ có một cách là dũng cảm, thẳng thắn trong nhìn nhận trách nhiệm và chân thành, thực lòng thương dân.

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam