Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Không thể lơ là nhiệm vụ cải cách thể chế

14:58 | 08/11/2021 Print
(TBTCO) - Mặc dù việc thực hiện các gói hỗ trợ là cấp bách, nhưng đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị chúng ta không thể lơ là, nhiệm vụ trọng tâm vẫn phải là tiếp tục đẩy mạnh các cải cách về thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để nền kinh tế không “lỡ nhịp”.

Tạo thêm các cực tăng trưởng mới "chia lửa" cho Hà Nội, TP.HCM

Phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 8/11, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) đánh giá cao sự chuyển hướng quyết đoán và kịp thời của Chính phủ trong những tháng gần đây, đã giúp cho chúng ta bước đầu kiểm soát được dịch bệnh và từng bước mở cửa phục hồi nền kinh tế. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị giữ vai trò quyết định. Như Đảng ta đã từng khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, nên công đầu trong sự nghiệp phòng chống dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế nước nhà, trước hết vẫn thuộc về các tầng lớp Nhân dân, đại biểu nhấn mạnh.

Trong bối cảnh sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và dòng người lao động hồi hương do đại dịch, đại biểu gợi ý tiếp cận mới cho quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá nước nhà.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, rất cần phải xây dựng thêm nhiều đô thị trung tâm và các chuỗi đô thị vệ tinh tại các vùng kinh tế khác nhau, tạo thêm các cực tăng trưởng mới để, một mặt, có thể “chia lửa” cho Thủ đô Hà Nội, cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, để các nơi này tập trung hình thành một cơ cấu đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ hiện đại, thông minh, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, đóng vai trò dẫn dắt, lan tỏa được sự phát triển, đưa đô thị và công nghiệp về với nông thôn, để phân bổ lại không gian kinh tế và thị trường lao động theo hướng an toàn và có hiệu quả hơn, để con cháu chúng ta có thể ly nông, bất ly hương, có việc làm và làm giàu ngay chính trên quê hương mình, mà không phải cuốn về các nơi đô thành chật chội.

Đề xuất gói giải pháp về cơ chế và thủ tục đặc thù

Cùng với đó, để thúc đẩy quá trình tái khởi động, phục hồi nền kinh tế trong 2 năm tới, bên cạnh các chính sách tài khoá, tiền tệ và an sinh xã hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị cấp thiết phải có gói giải pháp phi tài chính, hay nói khác đi là gói giải pháp về cơ chế và thủ tục đặc thù.

“Quốc hội đang bàn và quyết định cơ chế đặc thù cho các địa phương và Chính phủ đã có dự kiến áp dụng các thủ tục hành chính rút gọn để đẩy mạnh đầu tư công, sao chúng ta không ban hành cơ chế đặc thù cho đầu tư, kinh doanh toàn xã hội trong 2 năm phục hồi nền kinh tế, theo các nội hàm, có thể là: rút gọn thủ tục, quản trị rủi ro, chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh tra, kiểm tra, thực hiện tối đa trên nền tảng trực tuyến và không ban hành bất cứ chính sách nào có thể làm phát sinh thêm gánh nặng về thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu vấn đề.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc
Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội trường Quốc hội.

Cho rằng đây là việc “nhất cử, lưỡng tiện”, đại biểu phân tích việc áp dụng cơ chế đặc thù, rút gọn trong 2 năm phục hồi kinh tế cũng là bước thử nghiệm cần thiết cho những cải cách thể chế đột phá, được kỳ vọng trong những năm tiếp theo.

Về việc sự phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, cho nên giải pháp tăng trưởng tín dụng để “tiếp máu” cho nền kinh tế, chỉ có thể là kết quả của sự chung tay, cộng hưởng giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Gói hỗ trợ lãi suất nếu được thông qua và triển khai nhanh sẽ là mũi tên trúng được hai đích, vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát.

Đối với gói đầu tư công, đại biểu Vũ Tiến Lộc lo ngại mặc dù nhu cầu rất lớn nhưng việc phân bổ dàn trải, cũng như quyết tâm đẩy nhanh giải ngân bằng mọi giá, có thể dẫn tới hệ lụy khiến dòng tiền chảy vào những dự án kém hiệu quả. Do đó, gói này cần tập trung vào các dự án trọng điểm cấp quốc gia và được Quốc hội giám sát chặt chẽ. Phần còn lại, đề nghị dành để bổ sung cho Quỹ bảo lãnh tín dụng và quỹ hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.

Đại biểu cũng đề nghị trong đầu tư phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, Nhà nước không làm một mình, mà tận lực khai thác khả năng đối tác công tư, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích và rủi ro.

Cuối cùng, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Không một gói hỗ trợ nào có thể bù đắp nổi các thiệt hại to lớn về sinh mạng, về vật chất và tinh thần, mà người dân và doanh nghiệp đã phải gánh chịu trong suốt những tháng ngày qua”.

Mặc dù việc thực hiện các gói hỗ trợ tài chính hiện nay là cấp bách, nhưng đại biểu “tha thiết đề nghị” chúng ta không thể lơ là, nhiệm vụ trọng tâm vẫn phải là tiếp tục đẩy mạnh các cải cách về thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, để phát huy được sức mạnh của toàn dân, không để nền kinh tế nước ta “lỡ nhịp”, “lỡ thì” với thiên hạ.

“Chính niềm tin và những cải cách thể chế mạnh mẽ và thực chất, chứ không phải các gói hỗ trợ về tiền bạc, sẽ định hình tương lai của nền kinh tế nước nhà”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam