Chứng khoán Châu á chiều 8/11:

Diễn biến trái chiều, nhà đầu tư thận trọng do lo ngại lạm phát

20:14 | 08/11/2021 Print
Thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên chiều 8/11 trong bối cảnh những lo ngại dai dẳng về tình hình lạm phát đã lấn át những số liệu kinh tế vượt dự báo của Mỹ và Trung Quốc, trong khi các công ty liên quan đến lĩnh vực du lịch lạc quan về việc mở cửa lại kinh tế toàn cầu sau khi Pfizer thông báo thuốc điều trị COVID-19 đạt hiệu quả cao.
Chứng khoán Mỹ tăng kỷ lục, Dow Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 36.000 điểm
Chú thích ảnh
Bảng điện tử niêm yết các chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, Nhật Bản.
Diễn biến trái chiều của thị trường chứng khoán Châu á trong phiên này được thể hiện cụ thể: Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,4% xuống 29.507,05 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,4% xuống 24.763,77 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 0,2% lên 3.498,63 điểm.

Chứng khoán Sydney, Seoul và Wellington đều giảm điểm. Tuy nhiên, chứng khoán Singapore, Đài Bắc, Manila, Mumbai, Bangkok và Jakarta lại tăng.

Tại Phố Wall, ba chỉ số chính đã ghi nhận mức tăng cao kỷ lục trong tuần trước sau số liệu cho thấy hơn 500.000 việc làm mới đã được tạo ra ở Mỹ trong tháng 11/2021 và hoạt động tuyển dụng lao động phục hồi sau khi số ca mắc COVID-19 mới giảm trên toàn quốc. Thông tin này đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy nền kinh tế hàng đầu thế giới đang trên đà phục hồi tốt khi cuộc sống dần trở lại bình thường.

Tuy nhiên, tâm lý lạc quan đã bị lấn át bởi những lo ngại về lạm phát - vốn tăng mạnh trong năm nay do nhu cầu tăng, giá năng lượng cao đột biến và những khó khăn trong chuỗi cung ứng. Lạm phát tăng buộc các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới bắt đầu rút dần các biện pháp hỗ trợ trong giai đoạn dịch bệnh.

Một yếu tố khác thúc đẩy những dự báo về khả năng lạm phát tăng cao là dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất cuối cùng đã được Quốc hội thông qua hôm 5/11. Điều này đã tạo một lực đẩy cần thiết giúp thông qua các biện pháp chi tiêu lớn hơn để hỗ trợ nền kinh tế.

Thu Dung (tổng hợp)

© Thời báo Tài chính Việt Nam