TP. Hồ Chí Minh: Sẵn sàng đón lao động trở lại

14:20 | 09/11/2021 Print
TP. Hồ Chí Minh đang trong thời điểm từng bước mở cửa kinh tế trở lại, các doanh nghiệp cũng bắt đầu khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng "vòng tay" đón lao động trở lại làm việc.

Nhiều biện pháp kiểm soát dịch

Hầu hết các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng, những tháng cuối năm được xem là cơ hội để kết nối lại chuỗi cung ứng đã đứt gãy, gián đoạn, bù đắp phần nào thiệt hại trong thời gian giãn cách kéo dài. Lúc này, vấn đề lao động và kiểm soát dịch tại doanh nghiệp, việc giãn, hoãn nợ, hỗ trợ vốn là vấn đề cấp thiết để doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh xem đây là những yếu tố quan trọng nhất trong bước đi vững chắc để phục hồi kinh tế.

TP. Hồ Chí Minh: Sẵn sàng đón lao động trở lại
Công nhân may xuất khẩu tại khu công nghiệp Tân Tạo, Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV

Hiện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có gần 1.400 doanh nghiệp hoạt động trở lại, chiếm 96% các doanh nghiệp hoạt động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp khi chưa có dịch. Các doanh nghiệp cũng đã bổ sung lực lượng lao động với số lượng trên 235.000 lao động, đạt 80% tổng số lao động trong điều kiện bình thường.

Đối với các doanh nghiệp hiện nay, để quá trình hồi phục đạt như kỳ vọng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là đảm bảo an toàn cho người lao động. Đặc biệt, đối với các khu vực có đông công nhân, cần có tổ chăm sóc y tế, trạm y tế lưu động, khu thu dung xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo - Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn, Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đưa ra một số gợi ý cho doanh nghiệp chuẩn bị một số dụng cụ và thuốc men cần thiết khi nhà máy xuất hiện ca F0.

Theo đó, trong nhà máy, doanh nghiệp nên chuẩn bị một khu vực để sẵn sàng cách ly nếu F0 có triệu chứng. Ít nhất nên chuẩn bị dụng cụ đo oxy, đo nhiệt độ, một số cơ số thuốc nhất định.

Nếu lỡ ca F0 bị khó thở, mệt, suy hô hấp thì cũng có sẵn thuốc, oxy cho họ dùng. Nếu có ca F0 phải cách ly ở nhà, nên cho nhân viên mượn dụng cụ đo oxy, hỗ trợ thuốc men… “Tuy phải thêm chi phí nhưng cái lợi của doanh nghiệp đạt được là nhân viên sẽ cảm thấy yên tâm” – Bác sĩ Hảo nói.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang bắt đầu phục hồi, người lao động phần lớn đã quay trở lại thành phố làm việc. Đây là lúc nhiều biện pháp kiểm soát dịch được các doanh nghiệp triển khai chặt chẽ hơn, không để dịch làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh. Do đó, mới đây, Ban quản lý Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo thành lập cơ sở thu dung tại khu chế xuất Linh Trung 2, TP. Thủ Đức với quy mô 250 giường và cơ sở thu dung điều trị Covid-19 tại khu công nghiệp Đông Nam Củ Chi với quy mô 250-300 giường. Cả hai cơ sở này đã hoàn thành sửa chữa, lắp đặt các thiết bị sẵn sàng đưa vào hoạt động, ngoài ra thành lập thêm các cơ sở thu dung khác ngay tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

TP. Hồ Chí Minh: Sẵn sàng đón lao động trở lại

Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh thành lập khu cách ly tập trung cho người lao động bị F0, tại đây có quy mô 200 giường, với tổng đầu tư khoảng 1 tỷ đồng. Ảnh: CTV

Tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã có 84% lao động quay trở lại làm việc. Trong những ngày tới, nơi đây sẽ đưa vào hoạt động khu cách ly tạm thời. Bà Hồ Thị Thu Uyên - Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cho biết, đây là dự án được thành lập xã hội hóa, do các doanh nghiệp thuộc chi hội khu công nghệ cao đóng góp, hoàn toàn không sử dụng ngân sách thành phố, dự kiến sử dụng trong 6 tháng với chi phí khoảng 7 - 8 tỷ đồng.

“Các doanh nghiệp đã có phương án phòng ngừa chống Covid - 19 tốt. Khu cách ly tập trung này cũng là một trong những giải pháp để đảm bảo việc phòng chống dịch trong giai đoạn bình thường mới, giúp doanh nghiệp và người lao động yên tâm, giúp thành phố sớm thu hút lại các dự án đầu tư, phát triển kinh tế”- bà Uyên chia sẻ.

Lao động đã yên tâm hơn khi quay trở lại làm việc

Là nhà máy đầu tiên sản xuất thiết bị y tế công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh, trong đợt dịch vừa qua, Nhà máy USM Healthcare vẫn nỗ lực duy trì hoạt động, cung ứng đều đặn ra thị trường nước ngoài như Đức, Myanmar, Mexixo, Pakistan các đơn hàng chống dịch, trang thiết bị, vật tư y tế chuyên về bệnh lý tim mạch gồm: stent mạch vành, bóng nong mạch, kim luồn tĩnh mạch...

Thời điểm này, doanh nghiệp vẫn giữ vững các đơn hàng xuất khẩu đến tháng 6/2022. Bà Võ Xuân Bội Lâm – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhà máy Trang thiết bị y tế USM Healthcare cho biết, hiện lực lượng công nhân đã quay trở lại làm việc, doanh nghiệp cũng tăng thêm tiền lương để động viên người lao động.

“Doanh nghiệp vẫn duy trì xét nghiệm, thực hiện 1 tuần một lần đến giữa tháng 11/2021, sau đó tùy theo tình hình sẽ giãn cách, 2 tuần xét nghiệm 1 lần. Tuy rằng chi phí có tăng, nhưng vấn đề này tạo tâm lý yên tâm cho nhân viên khi làm việc trong môi trường không có ca dương tính” – bà Lâm nói.

Tại Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, đến thời điểm này, 100% công nhân đã quay trở lại làm việc. Các doanh nghiệp tại đây cũng đang tuyển thêm 10% lao động. Trong khi đó, công ty Pouyen Việt Nam cũng đã đón hơn 38.000 công nhân làm việc tại nhà máy với điều kiện cho công nhân xét nghiệm hàng tuần. Đây cũng là một trong số ít các khu công nghiệp được trang bị riêng một phòng khám đa khoa nội khu dành cho công nhân, lao động.

Hoạt động trong lĩnh vực cao su nhựa tại khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, ông Giang Ngọc Tuấn - Giám đốc điều hành công ty cổ phần cao su Thái Dương nhìn nhận, lao động lành nghề trong ngành này không thiếu do các doanh nghiệp đã tiến hành tự động hóa, đầu tư máy móc thiết bị mới, giảm từ 20% - 30% lao động trong nhà máy ngay từ đầu năm 2021. Riêng nhà máy cao su không thể tự động hóa hoàn toàn nên chỉ giảm được từ 5 - 7% lao động.

“95% công nhân đã tiêm hai mũi vắc - xin, chỉ có một vài người chích một mũi. Chúng tôi chỉ có lo lắng là những khu nhà trọ có đông công nhân, việc di chuyển và xử lý F0 là có chậm trễ, nên rất cần cơ sở y tế đủ tầm tại khu công nghiệp này”- ông Tuấn gợi ý./.

“Chúng tôi đã xây dựng phần mềm quản lý lao động trong khu công nghệ cao để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, mở rộng sản xuất trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022” - ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Gia Cư-CTV

© Thời báo Tài chính Việt Nam