Siết giảm chi tiêu công, đảm bảo nguồn lực cho an sinh xã hội

11:53 | 09/11/2021 Print
Sáng 9/11, Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng chống dịch Covid-19. Có ý kiến cho rằng, cần phải siết giảm chi tiêu công, đảm bảo nguồn lực cho an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Không thể lơ là nhiệm vụ cải cách thể chế
Đại biểu Quốc hội: Quyết sách đúng, vì lợi ích chung thì dân luôn ủng hộ
“Ghế nóng” càng nóng nỗi thương dân

Khai thác hiệu quả nguồn lực tài sản công để thúc đẩy tăng trưởng

Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), công tác quy hoạch được xác định là động lực cho tăng trưởng. Tuy nhiên, việc triển khai theo luật qua 4 năm còn rất chậm, quy hoạch đất đai, quy hoạch rừng…, do đó ĐB đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cải thiện tình trạng này trong thời gian tới.

Về cân đối thu chi ngân sách nhà nước năm 2022 và các năm tiếp theo, để đảm bảo nguồn lực cho an sinh xã hội, cho doanh nghiệp và nhân dân, có thêm nguồn lực cho y tế cơ sở, ĐB Nguyễn Tạo đề nghị Chính phủ cần rà soát chi tiêu, triệt để tiết kiệm trên các lĩnh vực. Trong đó, siết giảm chi tiêu trong đầu tư công, đặc biệt là các chương trình, dự án không có hiệu quả; có cơ chế phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, đảm bảo thúc đẩy phát triển các địa phương.

Đại biểu Quốc hội tham luận tại hội trường. Ảnh: TL.
Đại biểu Quốc hội tham luận tại hội trường. Ảnh: TL.

Đồng thời, ĐB Nguyễn Tạo đề nghị đẩy mạnh đầu tư công, đẩy mạnh xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đầu tư công.

Đối với công tác quản lý sử dụng tài sản công, ĐB Nguyễn Tạo đề nghị Chính phủ cần có các chế định đủ mạnh để nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài nguyên rừng được khai thác một cách hiệu quả, là động lực thúc đẩy tăng trưởng.

ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, tăng trưởng GDP của chúng ta rất ấn tượng, thể hiện sự quan tâm, quyết liệt của Đảng, Chính phủ. Nếu năm nay, GDP đạt 3,5% thì những năm sau phải tăng trưởng rất cao. Do đó, ĐB đề nghị trong thời gian trước mắt phải tập trung nâng cao năng suất lao động, là thành tố tích cực để thúc đẩy tăng trưởng, cùng với tập trung nâng cao kỹ năng và đổi mới công nghệ.

Đây cũng là vấn đề được ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề cập. Bởi theo ĐB, chỉ số này của nước ta so với các nước láng giềng còn thấp và cần phải được cải thiện trong thời gian tới.

Tập trung phòng chống dịch, đưa đất nước trở lại trạng thái "bình thường mới"

ĐB Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian chống dịch "nước sôi lửa bỏng", song một lô hàng 22.000 hộp sữa do kiều bào ở Australia gửi tặng trẻ em tại TP. Hồ Chí Minh đã gần một tháng chưa lấy ra được. Khi đơn hàng về, Ủy ban MTTQ thành phố đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm và Cục Thú y. Cục Thú y đã trả lời trong hai ngày, nhưng Cục An toàn thực phẩm lại đề nghị thành phố xin ý kiến Chính phủ.

"Chúng tôi gửi văn bản đến Chính phủ thì sẽ giao về Cục An toàn thực phẩm trả lời. Vậy tại sao Cục không nêu chính kiến của mình và đồng thời gửi văn bản đến Chính phủ thông báo nội dung này. Cách làm của Cục đúng quy trình nhưng không đúng tinh thần chống dịch như chống giặc", ĐB Tô Thị Bích Châu thẳng thắn nêu quan điểm.

Do đó, nữ ĐB đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm từng đơn vị trong việc tham mưu cho Chính phủ, nhằm đảm bảo tốt nhất cho người dân và “cần sự phân cấp mạnh trong những tình huống như thế này”.

ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, sau đợt dịch thứ 4, người lao động ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê đông, khiến tình hình khó kiểm soát.

“Việc người dân từ các tỉnh phía Nam về quê, một số đã tiêm đủ 2 mũi vắc - xin, cách ly tại nhà nhưng do điều kiện không đảm bảo, ý thức hạn chế, nên đã lây nhiễm cho người thân trong gia đình và người xung quanh, phát sinh ổ dịch khó kiểm soát. Thực tế này cho thấy người dân về quê nguy cơ mang mầm bệnh cao, đề nghị khuyến khích cách ly tập trung ở nơi có điều kiện để phòng chống dịch, không lây lan cho cộng đồng", ĐB Mai Văn Hải nói.

Do đó, ĐB đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo, sớm đánh giá lại quy định tạm thời về việc thích ứng an toàn, từ đó, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, giảm số ca mắc, giảm ca tử vong.

ĐB Thái Thu Xương (Hậu Giang) và nhiều ĐB Quốc hội đồng tình nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, Chính phủ đã vận động linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, ĐB Thái Thu Xương cho rằng, theo dự báo của thế giới sẽ có những diễn biến khó lường, nền kinh tế nước ta vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ chậm phục hồi. Việc chuyển trạng thái thích ứng linh hoạt sang trạng thái "bình thường mới" đang đặt ra vấn đề cần phải tập trung giải quyết, trong đó người dân tiếp tục là chủ thể phải thích ứng.

Vì vậy, ĐB đề nghị Chính phủ cần có giải pháp nâng cao ý thức để người dân tự bảo vệ bản thân và bảo vệ cộng đồng; đồng thời cần có giải pháp căn cơ hơn trong công tác phòng chống dịch để đất nước trở lại trạng thái "bình thường mới", nền kinh tế nhanh chóng phục hồi.

ĐB Lò Thị Luyến (Điện Biên) cho rằng, để thực hiện mục tiêu kép, thích ứng an toàn chống dịch hiệu quả, cần có giải pháp phủ sóng vắc - xin, kể cả trẻ nhỏ và chuẩn bị nguồn thuốc điều trị. “Cần phải đẩy nhanh chủ động nguồn vắc- xin để tránh ngược xuôi vất vả như thời gian qua”, ĐB nói.

Theo ĐB Trương Văn Phước (Quảng Nam), trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, có cái được và cái mất. “Qua đại dịch chúng ta nhìn nhận lại vai trò của y tế cơ sở, cần ghi nhận công lao của hệ thống y tế cơ sở bên cạnh các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch”, ĐB đề nghị./.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam