Đại biểu Quốc hội đánh giá cao vai trò truyền thông trong cuộc chiến với Covid-19

16:47 | 09/11/2021 Print
Chiều 9/11, trong phiên thảo luận của Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội chia sẻ với những khó khăn của báo chí, nhưng các cơ quan báo chí đã vượt lên, làm tốt công tác truyền thông trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Siết giảm chi tiêu công, đảm bảo nguồn lực cho an sinh xã hội
Đại biểu Quốc hội: Quyết sách đúng, vì lợi ích chung thì dân luôn ủng hộ

Báo chí đã vượt lên chính mình

Mở đầu phiên thảo luận chiều 9/11, đại biểu (ĐB) Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) cho rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, mọi ngành nghề, lĩnh vực đều gặp khó, trong đó có lĩnh vực thông tin truyền thông.

“Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, giữa tháng 3 năm nay, một trong những lĩnh vực kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 là các doanh nghiệp truyền thông, chiếm 96%. Nhiều tờ báo phải cắt giảm, thậm chí tạm ngừng việc sản xuất báo giấy bởi dịch bệnh, thế nhưng vượt lên mọi khó khăn, thách thức, các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình”, ĐB Phạm Nam Tiến nói.

Đánh giá cao vai trò của báo chí trong cuộc chiến với Covid-19, ĐB cho biết, chúng ta còn phải đối mặt với một loại dịch bệnh khác với tốc độ lây lan nhanh không kém, đó là tin giả, thông tin sai sự thật. Báo chí chính là lực lượng tích cực góp phần vạch trần tin giả, cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình dịch bệnh, ổn định đời sống và tâm lý cho người dân. Có thể khẳng định báo chí trong thời gian qua đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình trong việc phòng, chống dịch Covid-19.

Do đó, ĐB đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội khi chỉ ra: vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như một vài địa phương chưa làm tốt công tác thông tin tuyên truyền. Khi ban hành văn bản hướng dẫn làm cho người dân bị động, bất ngờ, không có thời gian thích ứng thông tin xấu, độc, thiếu chính xác trên các mạng xã hội, khó kiểm soát.

Qua phản ánh từ cơ quan báo chí, truyền thông, đại biểu nhận thấy dù cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong phòng, chống dịch nhưng vẫn còn một số vấn đề tồn tại trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Đó là sự chưa thống nhất giữa một số bộ, ngành liên quan đến chính sách, văn bản ban hành biện pháp chống dịch. Việc chậm thay đổi một số văn bản quan trọng hướng dẫn các tiêu chí chống dịch đã khiến nhiều địa phương gặp khó, không có phương án sau giãn cách.

Theo ĐB Phạm Nam Tiến, bên cạnh đó còn thiếu vắng một kế hoạch tổng thể về quan điểm ứng xử với dịch bệnh ở tầm quốc gia, dẫn đến nhiều địa phương chủ động làm theo những điều kiện của địa phương mình, không đồng bộ và không có sự hợp tác với địa phương khác. Mặt khác, những số liệu chuyên môn của bộ, ngành được đưa ra truyền thông nhưng lại ít chất liệu phân tích dẫn đến một số thông tin bị hiểu lầm, gây hoang mang, lo lắng. Theo ĐB, những yếu tố trên đã làm cho công tác truyền thông trong phòng, chống dịch cũng trở nên bị động, thiếu sự chuẩn bị bài bản.

ĐB Phạm Nam Tiến nhấn mạnh, công tác truyền thông rất quan trọng, đặc biệt là trong thời gian tới, có thể dịch bệnh sẽ tiếp diễn và thậm chí phức tạp hơn. Nếu truyền thông không thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương thì rất khó để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh. Cùng với giải pháp thống nhất trong các chính sách, văn bản chống dịch, đại biểu kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, đưa tin thống nhất, chính xác, tránh sai sót, đảm bảo cung cấp thông tin theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19.

Đại biểu Quốc hội đánh giá cao vai trò truyền thông trong cuộc chiến với Covid-19
ĐB Đặng Xuân Phương: Cần có đánh giá đúng tầm về sự phát huy của truyền thông. Ảnh: TL.

Cần đánh giá xác đáng tầm quan trọng của truyền thông

ĐB Đặng Xuân Phương (Nghệ An) cho biết, ĐB cơ bản tán thành với nhận định của Chính phủ về những kết quả đã đạt được trong năm 2021 cùng việc ghi nhận những nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân và các lực lượng chủ động tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19 để có thể đưa nước ta trở lại trạng thái bình thường mới và phục hồi kinh tế - xã hội.

ĐB Đặng Xuân Phương bày tỏ đồng tình với ý kiến của ĐB Phạm Nam Tiến, đó là cần có thêm những đánh giá thực sự xác đáng, đúng tầm về sự phát huy tác dụng của thông tin và truyền thông, một lĩnh vực đã trở thành yêu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, là liều thuốc tinh thần bảo đảm sức chống chịu lâu dài của nhân dân đi qua đại dịch.

Nhằm khẳng định thêm tầm quan trọng của lĩnh vực này, ĐB Đặng Xuân Phương đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông.

Thứ nhất, ĐB cho rằng, Chính phủ cần có một chiến lược truyền thông đúng nghĩa cho cuộc chiến chống dịch bệnh lâu dài cũng như cho phục hồi kinh tế. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước được chuyển tải nhanh nhất, trực diện nhất đến mọi người dân thông qua các thông điệp ngắn gọn, rõ ràng do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đưa ra, dẫn dắt hành động của người dân nên tất cả các cấp, các ngành đều phải nắm được đầy đủ, chính xác để giải thích được với mọi người.

Các thông điệp đó cần phải được tư vấn truyền thông một cách chuyên nghiệp, không nên xuất hiện một cách ngẫu hứng hay đến từ những ý tưởng đề xuất mang tính phong trào. Bên cạnh đó, cũng cần có sự quan tâm xây dựng hình ảnh cho lãnh đạo khi tham gia chỉ đạo chống dịch một cách phù hợp.

Trong quá trình thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 càng phải quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển, phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam đã được Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra. ĐB cho rằng cần quan tâm đầu tư cho công nghiệp văn hóa và truyền thông đại chúng, với định hướng chiến lược rõ ràng giúp nâng cao chất lượng phim và các sản phẩm giải trí phổ biến trên các kênh truyền hình trong nước và hướng tới xuất khẩu.

“Trong không khí hướng tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới, Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội đã có kiến nghị lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu tham mưu cho Trung ương Đảng sớm ra Nghị quyết nhằm định hướng đổi mới toàn diện, chấn hưng văn hóa nước nhà, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tôi cho rằng các dịch vụ phát thanh, truyền hình và xuất bản cần được coi là phương tiện chủ lực để tuyên truyền, giáo dục về văn hóa, lịch sử dân tộc”, ĐB Đặng Xuân Phương nói./.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam