Cảnh giác với nạn tin đồn về dự án để "tạo sóng" giá bất động sản

08:54 | 10/11/2021 Print
(TBTCO) - Theo ông Phan Việt Hoàng, Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), tình trạng sốt đất ảo diễn ra cục bộ đến từ một nhóm nhà đầu cơ lợi dụng thông tin dự án lớn đổ bộ về địa phương để “tạo sóng”.

* PV: Mới đây, thị trường Cam Lâm (Khánh Hoà) lên cơn “sốt” đất nền. Ông nhận định như thế nào về diễn biến của những cơn sốt cục bộ như thế này, đặc biệt ở thời điểm khi dịch bệnh cơ bản đã kiểm soát?

- Ông Phan Việt Hoàng: Sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hiện tượng sốt đất ảo đã diễn ra ở quy mô cục bộ của từng khu vực, điển hình như Cam Lâm (Khánh Hoà) mới đây.

Nguyên nhân của sốt đất ảo cục bộ tại Khánh Hoà do hiện nay, nguồn cung ở Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung bị gián đoạn và hạn chế vì nhiều nguyên nhân. Dẫn đến, một số doanh nghiệp bất động sản “đục nước béo cò” chuyển hướng sang hoạt động kinh doanh theo hình thức phân lô, bán nền tại các khu vực vùng ven của thành phố Nha Trang.

Nhóm những nhà đầu cơ sẽ cùng nhau tạo sốt đất ảo. Cụ thể, nhóm đầu cơ được hình thành với số lượng đông, có quy mô và tổ chức chuyên nghiệp, đi đến những vùng ven triển khai thu mua ồ ạt đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp của người dân địa phương.

Sau đó, họ chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô, bán hàng qua các kênh mạng xã hội, thậm chí tổ chức những buổi lễ trực tiếp mở bán hoành tráng tại Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh… Người tham gia nếu không tìm hiểu kỹ sẽ dễ nhầm lẫn đây là một dự án khu đô thị nào đó.

Phó Tổng thư ký VARs: Tin đồn về dự án sẽ làm giá đất tăng nóng từng ngày
Ông Phan Việt Hoàng - Phó Tổng Thư ký VARs

Tiếp đến là khâu tạo sóng, các chiêu trò phổ biến nhất hiện nay của các sàn môi giới bất động sản là lợi dụng thông tin xúc tiến đầu tư của các tập đoàn lớn sắp triển khai dự án vào địa phương để tạo sóng bán hàng. Tuy nhiên các cơn sốt đất ảo sẽ diễn ra nhanh chóng.

* PV: Cơ sở nào khiến ông cho rằng, những cơn sốt đất sẽ chỉ diễn ra với chu kỳ ngắn?

- Ông Phan Việt Hoàng: Các cơn sốt đất ảo luôn bộc lộ dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro của thị trường nên các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ nhanh chóng can thiệp kịp thời để tránh tình trạng lan rộng, mất kiểm soát, khiến hiện tượng này trở thành "bong bóng" bất động sản.

Cụ thể mới đây, Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng và địa phương đã có văn bản và yêu cầu về việc theo dõi sát diễn biến của thị trường bất động sản, tránh khả năng tăng nóng cục bộ giá bất động sản trong các tháng còn lại của năm khi dịch bệnh được kiểm soát.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã yêu cầu Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát thị trường bất động sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin (về quy hoạch, chủ trương đầu tư các dự án lớn…) để đẩy giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Riêng với Khánh Hòa, ngày 31/5/2021, UBND tỉnh này cũng đã ban hành văn bản số 4666/UBND-XDNĐ gửi các sở, ngành và các địa phương yêu cầu thực hiện một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Sự can thiệp và tuyên truyền của các cơ quan chức năng, cùng với thông tin về quy hoạch được đăng tải rộng rãi, cơn sốt đất ảo sẽ sớm chấm dứt.

* PV: Không phải mới đây mà thực tế từ nhiều năm trước, Khánh Hòa và nhiều địa phương khác từng chứng kiến các cơn sốt đất cục bộ. Những cơn sốt đất ảo đã để lại hệ luỵ như thế nào, thưa ông?

- Ông Phan Việt Hoàng: 3 năm trước, cơn sốt đất mang tên Đặc khu kinh tế Vân Phong vào năm 2018 đã trở thành bài học cay đắng cho nhiều người. Sự đồn thổi đã khiến cho thị trường bất động sản tại Vạn Ninh “sốt xình xịch”.

Mới đây vào đầu năm 2021, tại huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng xuất phát bởi sự thổi phồng của giới cò đất từ một văn bản được ban hành ngày 15/01/2021 với nội dung “chủ đầu tư lớn” đang nghiên cứu tại địa phương.

Tin đồn là tác nhân chính làm cho giá đất tại đây cứ nóng lên từng ngày. Sốt đất khiến người dân địa phương bỏ hết việc để chạy theo giấc mơ tỷ phú còn giới đầu tư chạy theo đám đông bỏ tiền.

Khi sốt đất đi qua, người dân không có việc làm, nhà đầu tư lướt sóng bị mắc cạn thì kiệt quệ về tài chính, vì không thanh khoản được. Trong khi đó, dự án thì vẫn còn chờ nghiên cứu thêm, còn dòng tiền đã chạy vào túi nhóm đầu cơ tạo sóng mang đi nơi khác hoạt động.

* PV: Làm thế nào để các nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm nhận ra “sốt” do môi giới “kích” để tránh rủi ro không đáng có, thưa ông?

- Ông Phan Việt Hoàng: Để tránh sốt ảo thì trước tiên nhà đầu tư phải nhận biết được cơn sốt ảo. Sốt đất ảo là khái niệm chỉ sự tăng giá đất trên diện rộng, bỗng nhiên giá đất tăng gấp nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn nhưng nhu cầu sử dụng và khai thác không có thật. Người mua chủ yếu là giới đầu cơ không có nhu cầu mua để ở, cũng không xây dựng mà bỏ đất hoang hóa trong suốt thời gian dài.

Khu vực hoạt động tạo sốt ảo hiện nay chủ yếu là các khu vực nông thôn. Giá trị các khu đất liên tục bị môi giới đẩy giá lên nhiều lần và được hình thành bởi tin đồn. Môi giới tung tin đồn càng nhiều thì sẽ càng đẩy giá gia tăng.

Khi đó, mặt bằng giá đất bị thao túng bởi những đám đông dẫn đến xuất hiện nhiều “diễn viên” mua vào bán ra nhộn nhịp. Với chiêu thức này, giá đất tăng bất chấp, không dựa vào quy luật nào. Còn người mua sẽ bị các sàn môi giới dùng ma trận thông tin bao vây, dễ bị “lùa gà”.

Nhà đầu tư nên cẩn trọng tất cả những nơi giá đất tăng mạnh, đột biến chỉ trong thời gian ngắn. Ngoài ra, nơi nào mà môi giới tư vấn, người mua nườm nượp thì nhà đầu tư nên bình tĩnh, và xác minh lại.

* PV: Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Mai Linh (Thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam