Khởi động tái đào tạo nghề từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp

07:40 | 11/11/2021 Print
(TBTCO) - Sau 3 tháng triển khai, tới nay một số lớp đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã được khởi động. Không chỉ doanh nghiệp, người lao động cũng rất hào hứng tham gia.

Lao động hào hứng đón nhận

Nhân viên phòng in của Công ty TNHH Hoàn Mỹ (Vĩnh Phúc) Tạ Hữu Chiến là 1 trong số 71 lao động được lựa chọn để tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP.

Khởi động tái đào tạo nghề từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp đào tạo cho lao động tại Công ty TNHH Hoàn Mỹ

Anh Chiến cho biết, trước đây anh em công nhân chủ yếu sử dụng máy in đời cũ, còn bây giờ sử dụng công nghệ in phun xử lý bằng máy vi tính. Công nghệ thay đổi nhiều nên trong quá trình làm việc luôn phải có bản tiêu chuẩn, hướng dẫn công việc cho công nhân. Vì vậy, cần thiết phải sử dụng máy tính để thiết kế các bản mô tả công việc.

“Khi chưa có lớp học này, việc hướng dẫn cho công nhân chủ yếu bằng miệng, anh em dễ quên và việc đào tạo người mới gặp nhiều khó khăn. Nhưng khi tất cả các kỹ thuật viên, trưởng bộ phận, công nhân đều được đào tạo về máy tính, thì rất thuận tiện cho việc thiết kế các mô tả, hướng dẫn tiêu chuẩn thao tác” - anh Chiến chia sẻ.

Ngoài công ty Hoàn Mỹ, lần này tại tỉnh Vĩnh Phúc còn có Công ty TNHH Bao bì Atlantic cũng tổ chức đào tạo cho công nhân.

Anh Vũ Thành Chung - công nhân Công ty TNHH Bao bì Atlantic, được đào tạo nghề cơ điện tử cho biết: “Qua quá trình đào tạo này, chúng tôi biết cách vận hành máy tốt hơn, biết xử lý máy móc và sản phẩm chất lượng hơn. Những buổi học đã giúp nâng cao tay nghề. Trước kia, chúng tôi chỉ được đào tạo để vận hành sơ bộ, biết chạy máy.

Cô Kim Thị Thương - Giảng viên dạy Tin học văn phòng, Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp nhận định, nhìn chung lao động đều nắm được những kiến thức cơ bản. Vì vậy, các thầy cô thiết kế các chương trình dựa trên nhu cầu của người học, ứng dụng thực tế vào quá trình sản xuất tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bài giảng đi sâu vào kỹ năng mà lao động, doanh nghiệp cần áp dụng.

Để tăng tính hiệu quả, lớp được chia làm 3 nhóm thực hành. Các học sinh sẽ được học trong vòng 20 ngày. Kết thúc khóa học, học sinh được đánh giá, cấp chứng chỉ.

Thầy Triệu Đình Sơn - Phó Trưởng khoa Điện tử - Điện lạnh, Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp cho biết thêm, trước đây, nếu chỉ dạy tại trường thì học sinh không được ứng dụng với sản phẩm thực tế, công việc cụ thể, giáo viên chỉ dạy chung chung. Nhưng khi đào tạo tại doanh nghiệp, gắn được với sản phẩm, chúng tôi hướng dẫn học viên làm ra sản phẩm cụ thể. Có những học viên không biết gì về chuyên môn, nhưng sau quá trình học, các bạn đã biết cách xử lý sự cố trong dây chuyền sản xuất.

Đào tạo dựa trên nhu cầu doanh nghiệp

Chia sẻ bên lề sự kiện khai giảng, TS. Nguyễn Xuân Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp cho biết, hiện nay việc phối hợp với doanh nghiệp đào tạo được trường triển khai rất nhiều. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên trường tiến hành tổ chức đào tạo lại cho lao động trong các doanh nghiệp Vĩnh Phúc theo nguồn từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

“Đào tạo tại doanh nghiệp đòi hỏi sự linh hoạt: về chương trình, nội dung, thời gian đào tạo... để không ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất hay hoạt động của doanh nghiệp. Việc này chúng tôi đã phối hợp rất tốt với các doanh nghiệp trong thời gian qua” - ông Thủy đánh giá.

Bên cạnh đó, qua đánh giá của các doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc mà nhà trường đã thực hiện đào tạo, 100% người lao động sau khi kết thúc khóa đào tạo thích ứng được với sự chuyển đổi của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc đào tạo cho người lao động thất nghiệp và chuẩn bị mất việc vẫn còn một số vướng mắc. Ví dụ như việc xác định vị trí việc làm cho người lao động sau khi kết thúc khóa đào tạo. Hiện nay các doanh nghiệp vẫn còn một số lúng túng. Với các cơ quan quản lý, đây là một vấn đề mới.

Việc phê duyệt số lượng người lao động đã được đóng bảo hiểm để tham gia vào các khóa đào tạo này vẫn chưa thống nhất. Một số văn bản vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để các cơ quan quản lý áp dụng.

Thêm vào đó, việc tìm hiểu các văn bản, chính sách vẫn còn có độ trễ nhất định, chưa thể đáp ứng được nhu cầu kịp thời tổ chức đào tạo của doanh nghiệp và nhà trường.

Ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, chính sách hỗ trợ tái đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là chính sách mang lại lợi ích cho cả lao động và doanh nghiệp.

“Chính sách không chỉ giúp doanh nghiệp giữ chân lao động mà còn giúp lao động nâng cao kỹ năng nghề và duy trì được việc làm trong hoàn cảnh thị trường việc làm luôn thay đổi “ - ông Khánh nói.

Các doanh nghiệp gấp rút triển khai đào tạo nghề

Tính đến ngày 8/11, cả nước đã có 4 doanh nghiệp được hỗ trợ và đang tiến hành tái đào tạo nghề cho lao động. Trong đó, có 2 doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc; 1 doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh; 1 doanh nghiệp ở Thái Bình. Các địa phương cũng đang gấp rút xúc tiến triển khai đào tạo cho các doanh nghiệp khác.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam