Rà soát để đề xuất nguồn lực cho Chương trình “Thích ứng và kiểm soát dịch Covid-19”

12:38 | 10/11/2021 Print
(TBTCO) - Bộ Tài chính đang rà soát, đề xuất các nguồn lực có thể của ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”; phấn đấu bố trí tăng dự toán ngân sách nhà nước hằng năm để chi cho công tác đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường năng lực y tế cho phòng chống dịch.

Kết luận Hội nghị lần thứ 3 và 4 Ban Chấp hành Trung Khóa XIII đã xác định mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng nhân dân, tập trung tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tổng thể kích thích kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân....

Đồng thời, thực hiện điều chỉnh linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ để bổ sung nguồn lực, các cơ chế, chính sách hỗ trợ với quy mô và thời điểm phù hợp; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, khả thi, hiệu quả...

Bộ Tài chính đang rà soát, đề xuất nguồn lực “Thích ứng và kiểm soát dịch Covid-19”. Ảnh: TL.
Bộ Tài chính đang rà soát để đề xuất nguồn lực “Thích ứng và kiểm soát dịch Covid-19”. Ảnh: TL.

Triển khai các Kết luận của Trung ương, Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu đặt ra với Chương trình là nhằm hỗ trợ kinh tế - xã hội phục hồi, phát triển nhanh, đi đôi với giữ vững ổn định vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, nuôi dưỡng và củng cố nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) trong trung và dài hạn, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Với mục tiêu đó, nội dung của Chương trình sẽ tập trung xử lý cả tổng cung và tổng cầu, đồng thời, giải quyết các vấn đề trước mắt như an sinh xã hội, khôi phục các chuỗi cung ứng, thu hút lao động trở lại, vừa hướng tới các mục tiêu lâu dài như cơ cấu lại nền kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng, nâng cao khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; cơ cấu lại lao động; xây dựng hạ tầng quan trọng, hiện đại, nâng cao năng lực y tế cơ sở...

Căn cứ nội dung, nhiệm vụ đề xuất trong Chương trình, các bộ, cơ quan chức năng sẽ đồng thời đề xuất nguồn lực phù hợp để thực hiện Chương trình hiệu quả. Ở góc độ tài chính, Bộ Tài chính đang rà soát, đề xuất các nguồn lực có thể của NSNN để thực hiện Chương trình, như: Phấn đấu bố trí tăng dự toán NSNN hằng năm để chi cho công tác đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường năng lực y tế cho phòng chống dịch Covid-19.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn các khoản thu ngân sách; bố trí từ nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 hoặc huy động thêm vay nợ của Chính phủ để hỗ trợ bù lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực đang chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, góp phần đảm bảo dòng vốn cho sản xuất - kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế; hỗ trợ bù lãi suất vay ngân hàng cho các chủ đầu tư chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Đồng thời, huy động thêm vay nợ của Chính phủ để bổ sung vốn đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, hỗ trợ tổng cầu, phục hồi nền kinh tế...

Quy mô từng nguồn lực sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá, đề xuất của các cấp có thẩm quyền đối với từng nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, đảm bảo hỗ trợ hiệu quả nền kinh tế phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, phát triển, đồng thời giữ ổn định vĩ mô nền kinh tế./.

Kim Cúc

© Thời báo Tài chính Việt Nam