Quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử:

Thông thoáng và đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế

11:23 | 10/11/2021 Print
(TBTCO) - “Nghị định quy định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử được xây dựng là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu chính đáng và ngày càng gia tăng của người dân, doanh nghiệp” - bà Bùi Kim Thùy - Đại điện cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tại Việt Nam, nói như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.
Thông thoáng và đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế

PV: Giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử là xu thế tất yếu thay thế phương thức giao dịch truyền thống hiện nay. Do đó, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị định quy định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (nghị định). Với vai trò chuyên gia, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, bà có đánh giá như thế nào về sự cần thiết của nghị định?

Bà Bùi Kim Thùy: Tôi đánh giá cao cách tiếp cận của Bộ Tài chính trong việc xây dựng dự thảo nghị định, trong đó có điều khoản tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là các cam kết về thương mại điện tử tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Thông thoáng và đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế
Bà Bùi Kim Thùy

Nghị định được xây dựng rất thiết thực trong bối cảnh giao dịch thương mại điện tử quốc tế gia tăng; đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang làm thay đổi hoàn toàn nhận thức và hành vi của con người đối với các hoạt động, trong đó có hoạt động thương mại và đẩy nhanh, đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, thương mại không tiền mặt.

Phương thức giao dịch mua bán truyền thống không còn đóng vai trò quan trọng, thay vào đó là các cách thức mua, bán giao dịch thông qua ứng dụng công nghệ cao.

Cách thức này cũng phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ trong việc thúc đẩy giao dịch không tiền mặt, thúc đẩy chính phủ số, nền kinh tế số.

USABC cho rằng, dự thảo của Bộ Tài chính xây dựng từ đầu năm 2020 và đưa ra lấy ý kiến trong thời điểm này là hoàn toàn phù hợp.

PV: Trong dự thảo nghị định có đưa các đối tượng là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng vào quản lý (ví dụ như sàn thương mại điện tử Amazon ở Mỹ, sàn Alibaba ở Trung Quốc), quy định này tương đồng với quy định người nộp thuế tại Luật Quản lý thuế. Bà có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề này?

Bà Bùi Kim Thùy: Trong dự thảo nghị định có đặt vấn đề đưa các sàn giao dịch thương mại điện tử vào quản lý là điểm quan trọng cần được nghiên cứu kỹ và cân nhắc, bởi hiện nay việc quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử cũng đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ở cấp độ nghị định khác.

Sàn giao dịch thương mại điện tử có thể hiểu được đây là chợ, nơi giúp cho các giao dịch được thuận tiện hơn, tạo thuận lợi thương mại cho cá nhân, doanh nghiệp đưa hàng hóa lên chợ để tiến hành mua bán, trao đổi dưới hình thức khác với “chợ truyền thống”.

Đơn giản hóa thủ tục hải quan

Để đảm bảo tính khả thi của dự thảo nghị định, đại diện USABC cũng khuyến nghị ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu để đưa ra những quy định tạo thuận lợi cho các bên tham gia.

Đơn cử như quy định tại chương III của dự thảo nghị định, với mỗi lô hàng các doanh nghiệp phải có tới 4 tờ khai vào hệ thống hải quan: thông tin đơn hàng, thông tin thanh toán, thông tin vận chuyển và tờ khai hải quan. Có nhiều thông tin bị trùng lặp trong 4 tờ khai này hoặc đã được khai báo trên tài khoản hải quan. Vì vậy, USABC đề xuất Tổng cục Hải quan sử dụng phương thức đăng ký một lần trên nền tảng thương mại điện tử để giảm thiểu việc khai báo trùng lặp cũng như làm rõ nhiệm vụ của mỗi bên trong từng quy trình khai báo.

Hình thức, chức năng, hoạt động của các “chợ” này có thể thể khác nhau bao gồm việc được phép/không được phép làm gì (mở gian hàng, mở tài khoản,…). Do đó cơ quan quản lý cần minh định rõ hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử từ hình thức “chợ/gian hàng” nào: gian hàng trực tuyến hay website có chuyên mục mua bán, hay mạng xã hội… để từ đó điều chỉnh hình thức quản lý phù hợp, nhằm thúc đẩy thương mại điện tử, thay vì hạn chế hình thức này.

PV: Dự thảo Nghị định có đưa ra quy định về định mức giao dịch, mức thuế… nhằm đảm bảo quản lý được các giao dịch hàng hóa xuất nhập khẩu. Bà đánh giá như thế nào về các đề xuất này?

Bà Bùi Kim Thùy: Tại dự thảo nghị định ngày 20/10/2021, Bộ Tài chính đề xuất hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử được miễn thuế nhập khẩu gồm: hàng hóa nhập khẩu có giá trị hải quan theo từng đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống; hàng hóa nhập khẩu có giá trị hải quan theo từng đơn hàng trên 2 triệu đồng, nhưng có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 100.000 đồng. Ngoài ra, mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu không quá 1 đơn hàng/ngày và không quá 4 đơn hàng/tháng.

Tôi cho rằng, việc xây dựng các quy định như trên để bảo đảm công tác quản lý, ngăn chặn trốn thuế và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử. Tuy nhiên, ban soạn thảo cần nghiên cứu để đưa ra các quy định phù hợp vừa quản lý được các hoạt động giao dịch hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử vừa không phát sinh gian lận, lợi dụng chính sách để trục lợi, không xảy ra tình trạng “mua đi bán lại” suất để được miễn thuế.

Về quy định định mức hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử được miễn thuế nhập khẩu, tôi cho rằng Tổng cục Hải quan nên phân loại tổ chức, cá nhân để đảm bảo định mức quy định phù hợp với nhu cầu thực tiễn của từng bên thay vì áp một định mức chung cho tất cả cá nhân và tổ chức.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan có thể xem xét các giải pháp thay thế khác như “mô hình thu tiền của nhà cung cấp nước ngoài” được thực hiện ở Úc và New Zealand (và đang được Singapore xem xét), nơi các nhà cung cấp ở nước ngoài thu thuế nhập khẩu đối với các lô hàng có giá trị thấp tại điểm bán hàng và định kỳ nộp số tiền thu được cho cơ quan thuế. Quy định này giúp cho cơ quan hải quan không phải thu thuế tại điểm nhập khẩu.

PV: Theo kinh nghiệm quốc tế, bà có khuyến nghị gì đối với dự thảo nghị định để đảm bảo tính khả thi?

Bà Bùi Kim Thùy: Thời gian vừa qua, chúng tôi được biết Tổng cục Hải quan đã cử đoàn trao đổi với Hải quan Trung Quốc về kinh nghiệm quản lý hàng hóa thương mại điện tử. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng cơ cấu xuất nhập khẩu của Trung Quốc khác Việt Nam.

Vì vậy, bên cạnh việc tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc, ban soạn thảo có thể xem xét việc trao đổi kinh nghiệm quản lý với các quốc gia có hoạt động thương mại điện tử mạnh mẽ như Hoa Kỳ, châu Âu, Úc...

PV: Xin cảm ơn bà!

Ngăn chặn lợi dụng chính sách miễn thuế để chia, tách hàng hóa
nhằm mục đích trốn thuế

Điều 13 dự thảo nghị định quy định cụ thể như sau:

Ngoài các trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được miễn quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật, hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng mặt hàng trong đơn hàng từ 2.000.000 đồng Việt Nam trở xuống hoặc trên 2.000.000 đồng Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc (trừ hàng hóa phải kiểm dịch, hàng hóa thuộc danh mục quản lý của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) được miễn quản lý, kiểm tra chuyên ngành 01 đơn hàng/ngày và không quá 4 đơn hàng/tháng đối với mỗi tổ chức, cá nhân.

Điều 14 chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử tại dự thảo nghị định quy định cụ thể:

Hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử được miễn thuế nhập khẩu bao gồm: Hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 2.000.000 đồng Việt Nam trở xuống; Hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng trên 2.000.000 đồng Việt Nam nhưng có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 100.000 đồng Việt Nam.

Mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu quy định tại điểm a, điểm b khoản này không quá 1 đơn hàng/ngày và không quá 4 đơn hàng/tháng. Quy định này nhằm ngăn chặn việc lợi dụng chính sách miễn thuế để chia, tách hàng hóa nhằm trốn thuế...

Hải Linh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam