Khắc phục bất cập trong quản lý giá thiết bị y tế

14:42 | 10/11/2021 Print
Trong phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 10/11, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề quản lý giá sinh phẩm, thiết bị y tế. Bên cạnh phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham gia trả lời về nội dung này.
Đại biểu Quốc hội chất vấn tình trạng loạn giá xét nghiệm Covid-19 Bộ Y tế quy định mức thanh toán tối đa giá dịch vụ xét nghiệm Sẽ rà soát để đưa trang thiết bị vật tư y tế vào diện bình ổn giá Xử lý tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống Covid-19

Tham gia, góp ý về quản lý giá với bộ chuyên ngành

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý giá, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Giá năm 2012 đã giao các giá theo chuyên ngành cho bộ chuyên ngành quản lý, ví dụ như giá đất giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, giá điện, xăng dầu giao cho Bộ Công thương, giá thiết bị y tế giao cho Bộ Y tế... Các nghị định của Chính phủ sau đó cũng quy định về nội dung này. Cụ thể, năm 2014 có Nghị định 36 của Chính phủ về quản lý thiết bị y tế, theo đó trách nhiệm quản lý giá thiết bị y tế do Bộ Y tế quản lý và Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 14 năm 2020 về quản lý giá thiết bị y tế.

Thời gian qua, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, đã xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến giá cả, không những giá thiết bị y tế mà cả giá đất, giá giáo dục… cho thấy những lỗ hổng cần được khắc phục. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã bàn bạc và mới đây Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021. Trong quá trình xây dựng Nghị định, Bộ Tài chính đã tham gia và có 2 văn bản góp ý với Bộ Y tế, cùng với Chính phủ quản lý chặt chẽ hơn trong vấn đề này.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời tại phiên chất vấn.

Theo đó, Nghị định 98 đã có bước chuyển chặt chẽ hơn, chuyển từ phương thức công khai giá của Nghị định 36 sang buộc phải kê khai giá theo Nghị định 98. Điều này có nghĩa là các cơ sở y tế phải kê khai giá, và giá phải được truyền về trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế để quản lý.

Trong kê khai giá, nếu là thiết bị nhập khẩu thì phải công khai giá nhập của hải quan và các chi phí hợp lý để tính giá cơ sở. Nếu là hàng sản xuất trong nước thì phải có giá thành sản xuất trong nước được công khai cùng với giá bán. Khi đã kê khai nếu bán sai so với kê khai sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí thu hồi giấy phép hoạt động, và nếu có hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy tố trước pháp luật. Điều này chắc chắn sẽ giúp quản lý chặt chẽ hơn, khắc phục được lỗ hổng về vấn đề giá đối với thiết bị y tế.

Ngoài ra, liên quan vấn đề “loạn giá” xét nghiệm và một số thiết bị y tế mà đại biểu nêu, kể cả ở lĩnh vực xã hội hóa và tài trợ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã dự báo được tình hình và có giải pháp chỉ đạo ngành Thuế, Hải quan quản lý chặt chẽ, không để các đơn vị lợi dụng viện trợ, tài trợ để nâng giá đưa vào chi phí sản xuất, làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nghiên cứu giao trung tâm y tế huyện, xã về địa phương quản lý

Về vấn đề vướng mắc tài chính ở y tế cấp huyện, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu trước Quốc hội cho biết, theo mô hình quản lý hiện nay trung tâm y tế cấp huyện bao gồm cả bệnh viện cấp huyện. Bệnh viện cấp huyện do sở y tế quản lý. Khi do sở y tế quản lý thì cơ chế tài chính là từ HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ dự toán cho sở y tế, sở lại phân bổ cho huyện, như vậy sở quản lý tài chính của y tế cấp huyện. Theo mô hình này thì “huyện ở xa, tỉnh ở gần, xa không với đến, gần không có quyền”, vì vậy y tế cấp huyện vẫn có những thiệt thòi, hạn chế từ xây dựng cơ sở vật chất đến quản lý điều hành, thanh tra, kiểm tra giám sát, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận xét.

Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị nghiên cứu xem xét mô hình giao trung tâm y tế cấp huyện, xã về cho huyện, thành phố, thị xã quản lý, sở y tế chỉ quản lý chuyên môn.

Đối với vấn đề xã hội hóa y tế, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá đây là mô hình tốt để huy động, sử dụng nguồn lực xã hội nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng dễ xảy ra sai phạm do lợi dụng lỗ hổng pháp luật để trục lợi. Chẳng hạn, khi liên doanh liên kết, có thể xảy ra việc nâng mức định giá vật tư thiết bị góp vào, từ đó nâng giá dịch vụ lên để trục lợi. Vấn đề ăn chia phân phối thế nào là hợp lý, tỷ lệ ra sao, cũng dễ dẫn đến tư lợi, do đó cần có văn bản hướng dẫn. Về việc này, theo quy định của pháp luật, Bộ Y tế chủ trì và Bộ Tài chính sẽ phối hợp hết sức chặt chẽ để xây dựng quy định hướng dẫn. Bên cạnh đó tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, để ngăn ngừa thất thoát, lãng phí, tham nhũng xảy ra.

Ngày 8/11/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế, thay đổi hoạt động cấp phép lưu hành từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế cùng với Thông tư 16/2021/TT-BYT quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 mà Bộ Y tế ban hành ngày 8/11/2021 là những văn bản pháp quy quan trọng tăng cường công tác quản lý đối với trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm.

Cụ thể, Nghị định số 98 chú trọng thực hiện triệt để cải cách thủ tục hành chính đồng thời bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế. Theo đó, trang thiết bị y tế là mặt hàng phải kê khai giá và cho phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các yếu tố cấu thành giá khi cần thiết.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam